Thủy sản cạn kiệt bên nhà máy điện than

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong các trung tâm nhiệt điện tại ĐBSCL, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải ở xã Dân Thành (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) được xây dựng nhanh hơn cả. Trung tâm có 4 nhà máy, hiện 1 nhà máy đã phát điện thương mại, 1 nhà máy đang vận hành thử và 1 nhà máy đang xây dựng. Trong lúc, nguồn lợi thủy sản xung quanh đã bị cạn kiệt nghiêm trọng.

Khổ vì bụi

Ông Trương Văn Sung ở cách Trung tâm Điện lực hơn cây số, kêu lên: “Tiếng ồn và bụi bặm khiếp quá, không còn làm ăn gì được, nghèo đói đến nơi rồi”. Năm nay 40 tuổi, ông có 2,8 ha đất và trở nên khá giả nhờ trước đây, cứ mùa mưa nuôi tôm, mùa khô làm muối, mỗi năm thu tiền tỷ. “Từ ngày mở ra xây dựng Trung tâm Điện lực thì tiếng ồn đinh tai nhức óc và bụi khiếp quá, thả tôm giống xuống là chết, như năm nay không còn nuôi tôm được nữa. Còn muối lại nhiễm bẩn phải bán rẻ hoặc không bán được. Bây giờ tất cả ao đang bỏ hoang”, ông nhăn nhó.

thủy sản can kiệt bên nhà máy điện than

Vợ chồng ông Bùi Văn Út Anh bên ao tôm chưa dám thả giống – Ảnh: Sáu Nghệ

Đất của ông Sung còn ở gần trạm trộn bê tông phục vụ xây dựng nhà máy. Chín cái bồn khổng lồ dựng ngược trời cùng với dòng xe tải lớn nối đuôi nhau chạy suốt ngày đêm, xả bụi. Năm 2014, một bồn xảy sự cố xì xi măng ra ao tôm của ông, sau đó ông phải khiếu kiện mới đòi được 12 triệu đồng “hỗ trợ”. Trước đây làm muối ông còn làm thêm nước ót bán cho các cơ sở sản xuất tôm giống, một năm thu hơn trăm triệu đồng nhưng mấy năm nay cũng không làm được nữa. “Vì nước ót bị bụi rơi vào quá nhiều, bán không ai mua. Cuộc sống chúng tôi đang bí bức, không lối thoát”, ông thở dài.

Cũng cách Trung tâm Nhiệt điện chừng cây số, vợ chồng ông Bùi Văn Út Anh ở ấp Mù U, xã Dân Thành nuôi tôm công nghiệp đang gặp khó vì bụi của nhà máy nhiệt điện than. Với 1,6 ha đất, đào các ao có diện tích mặt nước 1/4 ha kế tiếp nhau, vợ chồng ông nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, thả mật độ vừa phải, chăm sóc kỹ lưỡng nên nhiều năm qua luôn thắng lợi. “Năm nay thua trắng. Thả giống xuống, hạn hán nước đã khó khăn mà bụi bặm còn rơi xuống nhiều nên tôm chết sạch, không cho thu hoạch. Hiện nay mưa đã nhiều nhưng tôi vẫn phải quạt nước cho tan khí độc, chưa dám thả giống”, ông Út Anh nói.

 

Cạn kiệt thủy sản

Theo giải thích của chủ đầu tư, tiếng ồn đinh tai nhức óc chỉ diễn ra trong thời gian vận hành thử nhà máy, khi đi vào hoạt động thương mại sẽ hết. Thời gian vận hành thử mỗi nhà máy kéo dài khoảng nửa năm. Trung tâm Điện lực có 4 nhà máy. Năm ngoái vận hành thử Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 (từ tháng 2/2016 đã chạy thương mại), năm nay vận hành thử Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3. Còn Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng đang xây dựng. Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 chưa xác định ngày khởi công xây dựng. Dễ thấy tiếng ồn khủng khiếp sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, dù sao thì tiếng ồn vận hành thử nhà máy cũng có ngày chấm dứt, còn bụi bặm lại nguy cơ ngày càng trầm trọng.

Các nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, 2 và 3, mỗi nhà máy có 2 tổ máy; riêng Nhà máy Duyên Hải 3 mở rộng có 1 tổ máy; công suất mỗi tổ máy 600 MW. Mỗi nhà máy một năm thải ra khoảng 1 triệu tấn tro xỉ than, nên phải làm những bãi chứa thải trên dưới 30 ha. Mỗi bãi như thế qua nhiều năm sẽ có những núi tro xỉ, nằm ở bờ biển lộng gió bốn mùa nên chưa hình dung được bụi bay phát tán như thế nào.

Chủ tịch UBND xã Dân Thành, ông Đào Văn Chính thừa nhận bụi, tiếng ồn và khói đang gây ô nhiễm môi trường. Chủ tịch Chính cho biết, Trung tâm Điện lực lấy của xã hơn 553 ha đất, phải di dời hơn 500 hộ dân, thêm dự án Luồng kênh đào Quan Chánh Bố đưa tàu biển lớn vào sông Hậu lấy mất 1.500 ha nữa. Vì thế, kinh tế của xã từ nuôi trồng thủy sản và làm muối là chính, nay chuyển sang thương mại – dịch vụ tiểu thủ công nghiệp – xây dựng. “Trước mắt, dịch vụ phát triển với hàng nghìn phòng trọ nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường cũng rất bức xúc. Trong đó, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản là điều đáng tiếc”, Chủ tịch Chính nói.

 

Nguy cơ lớn

Ủy viên Chuyên trách Kinh tế của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Trần Hữu Hiệp phân tích thêm, nguy cơ của nhà máy điện than còn rất lớn ở nhiều phương diện, từ tro xỉ đến nhập khẩu than, từ khói bụi đến nguồn nước làm mát mà Trung tâm Điện lực sử dụng cả triệu khối một ngày rồi thải ra môi trường. “Cần tăng cường giám sát công tác xử lý xả thải, bởi nếu xảy ra sự cố với vựa lúa và thủy sản quốc gia thì hậu quả rất nghiêm trọng”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Sự cố vỡ đê bao bãi thải tro xỉ cũng đã xảy ra ở Nhà máy Nhiệt điện tỉnh Quảng Ninh ngày 28/7/2015. Khi đó, cả một vùng rộng lớn có hàm lượng nhiều kim loại nặng vượt tiêu chuẩn cho phép và phải di dời một xóm dân cư. Đấy là vùng núi phía Đông Bắc, mức độ ảnh hưởng được địa hình núi non hạn chế. Ông Hiệp nói: “Nếu sự cố như thế xảy ra ở Trung tâm Điện lực Duyên Hải bên bờ biển, hậu quả gây ra cho môi trường nói chung và thủy sản nói riêng sẽ khó lường”.

>>  Hiện nay, Nhà máy Duyên Hải 1 hoạt động thương mại, tro xỉ chưa đưa vào bãi chứa thải mà bán cho một doanh nghiệp để sử dụng làm vật liệu xây dựng. Đoàn xe tải lớn của doanh nghiệp này chở tro xỉ than chạy qua trung tâm xã Dân Thành đến nơi chứa ở xa gần chục cây số, đang gây ra luồng bụi bặm kéo dài suốt ngày đêm.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!