Thủy sản làm tốt vai trò “trụ đỡ”

Chưa có đánh giá về bài viết

6 tháng đầu năm nay, GDP ngành nông nghiệp tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung. Thành quả này có sự góp sức không nhỏ của lĩnh vực thủy sản. Và vai trò của ngành hàng này vẫn còn rất nặng, nhất là trong việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp 3% cho cả năm 2019.


6 tháng đầu năm cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ

Tốc độ tăng trưởng đảm bảo

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã duy trì tăng trưởng khá, tổng sản lượng ước hơn 3,77 triệu tấn, tăng 6,0% so cùng kỳ năm 2018 (trong đó: khai thác ước 1,85 triệu tấn, tăng 5,2%; nuôi trồng ước 1,91 triệu tấn, tăng 6,8%). Tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 6,5%, cao nhất trong nhóm các mặt hàng nông sản. Xuất khẩu thủy sản đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,6%; trong đó, tôm các loại ước 1,43 tỷ USD (bằng 87,9% cùng kỳ), cá tra 991 triệu USD (bằng 98,8% cùng kỳ), cá ngừ 380 triệu USD, mực và bạch tuộc 311 triệu USD, các loại cá khác 769 triệu USD, nhuyễn thể 45,4 triệu USD.

Về sản xuất giống, trong 6 tháng đầu năm cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, sản xuất được 64,9 tỷ tôm PL (trong đó tôm sú là 15,5 tỷ con; TTCT 49,4 tỷ con), cơ bản đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm. Cả nước có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra (cơ sở có nuôi giữ đàn cá tra bố mẹ); diện tích ương gần 3.000 ha (bằng 100% so cùng kỳ năm 2018), sản xuất được hơn 1,5 tỷ cá tra giống.

Theo dự báo, NTTS có thể tăng trưởng về tôm và cá tra trong 6 tháng cuối năm, tốc độ trên 7,5%; Cùng đó, lĩnh vực khai thác cũng được đánh giá có mức tăng trưởng tương tự. Nhận định của Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng cuối năm sản lượng thủy sản có thể tăng mạnh, nhất là mặt hàng tôm. Cùng với đó, các nhóm ngành hàng như cá ngừ đại dương và giáp xác, nhuyễn thể cũng có nhiều “dư địa” để phát triển.

Tăng giải pháp thực thi

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, 6 tháng cuối năm, ngành thủy sản cần tập trung giải pháp cho từng vấn đề, trong đó trú trọng đến việc đạt các mục tiêu tăng trưởng của ngành; tháo gỡ “thẻ vàng” của EU; triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng bộ để tăng cường thể chế, kiện toàn bộ máy.

Về phát triển NTTS, ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ NTTS cho biết, theo dự báo, thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản của Trung Quốc tăng cao cùng với đó là các FTA được thực thi hàng rào thuế quan giảm, tạo sự cạnh tranh quyết liệt hơn; theo đó, đòi hỏi ngành thủy sản cần phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Còn lĩnh vực khai thác, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác cho rằng, cần phát triển hơn nữa hiệu quả của Đề án khai thác viễn dương, có những đàm phán với các nước có nhiều dư địa về nguồn lợi thủy sản để đưa tàu cá Việt Nam sang khai thác; cùng đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đăng kiểm tàu cá; các địa phương thực hiện việc công nhận các cơ sở đủ điều kiện thực hiện đóng mới, cải hoán tàu cá.

Với hợp tác quốc tế, như chia sẻ của bà Nguyễn Thị  Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, để góp phần nhanh chóng tháo gỡ “thẻ vàng” của EU, Việt Nam cần tích cực tham gia nhóm công tác xây dựng nghề cá chung, tham gia mạng lưới chống khai thác IUU khu vực Đông Nam Á; cùng đó, đẩy mạnh các hợp tác song phương, ký kết với các nước để xây dựng đường dây nóng về chống khai thác IUU.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm ngành thủy sản cần giải quyết đồng bộ 3 công việc. Đó là đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên nhiều phương diện, hình thức, đối tượng để Luật Thủy sản đi vào cuộc sống hiệu quả hơn. Tiếp đó, cần lấy ý kiến tại các địa phương để nắm bắt những khó khăn vướng mắc nhằm có hướng giải quyết phù hợp. Ngoài ra, đưa ra các giải pháp để đảm bảo tăng trưởng của ngành trên từng lĩnh vực cụ thể…

>> Nửa cuối năm 2019, ngành thủy sản đặt mục tiêu tốc độ tăng GDP đạt 4,65%; tốc độ tăng giá trị sản xuất 4,69% và kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỷ USD…

An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!