Thủy sản vững vai trò đầu tàu

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại ĐBSCL, những năm qua tái cơ cấu mạnh mẽ đã đưa thủy sản lên vị trí đầu và còn tiếp tục xu hướng ấy trong nhiều thập niên tới.


NTTS tại ĐBSCL có tiềm năng phát triển mạnh

Rất được chú trọng

Các địa phương ở ĐBSCL có nhiều hoạt động tái cơ cấu toàn diện theo hướng phát huy tiềm năng thủy sản. Tỉnh Cà Mau với diện tích nuôi tôm lớn nhất nước ta đã xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả và Phát triển bền vững ngành hàng tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2015, định hướng đến năm 2030. Tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2013 – 2018, triển khai nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực với 87 đề tài (7 đề tài cấp tỉnh, 80 đề tài cấp cơ sở), trong đó 37 đề tài (42,5%) thuộc lĩnh vực thủy sản; đồng thời triển khai nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm rộng hàng nghìn ha, đã hoàn thành 5 dự án và đang đầu tư 9 dự án. Tỉnh Sóc Trăng xây dựng 16 HTX và THT nuôi tôm ký hợp đồng liên kết chuỗi với doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Còn tỉnh Kiên Giang có ngư trường lớn nhất nước ta, chú trọng phát triển tôm – lúa vùng U Minh Thượng và tôm công nghiệp – bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên đã sản xuất tôm giống đáp ứng được 30% nhu cầu để đạt sản lượng 73.390 tấn ở năm 2018 (đạt 81,49% kế hoạch năm 2020). Tỉnh Đồng Tháp với diện tích nuôi cá tra lớn nhất vùng, trong đó 20 doanh nghiệp đã tổ chức nuôi 955,2 ha để đảm bảo sản xuất ổn định, năm 2018 cả ngành cá tra đạt 8.214 tỷ đồng. Tỉnh An Giang coi trọng luân canh lúa – sen với nuôi cá tự nhiên, nuôi tôm càng xanh với cá để bảo vệ môi trường sinh thái.

Đầu tư liên vùng

Định hướng phát triển trong nhiều thập kỷ tới của Bộ NN&PTNT vẫn chú trọng tăng giá trị thủy sản. Chủ trương của Bộ là: “Nuôi trồng chú trọng phát triển ngành tôm và cá tra trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, hướng mạnh ra xuất khẩu. Đến năm 2030, diện tích nuôi trồng tăng thêm khoảng 300.000 ha, đưa tổng diện tích nuôi trồng lên khoảng 1 triệu ha (bao gồm cả diện tích luân canh lúa – tôm, rừng sinh thái). Đầu tư mạnh cho chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến thủy sản. Chủ động sản xuất và cung cấp đủ giống tôm, cá tra chất lượng cao cho thị trường. Khai thác cơ cấu lại theo hướng phát triển các tổ đội công suất lớn”.

Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh đến các dự án liên kết vùng và đến nay đã đưa ra 38 dự án cơ bản đáp ứng tiêu chí là liên kết vùng. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm: “Chính phủ đã đầu tư xây dựng nhiều dự án như: Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre, Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, Dự án Hệ thống thủy lợi tiểu vùng II-III-V Cà Mau, Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới, Dự án Tha La – cống Trà Sư, các dự án hạ tầng thủy sản – cảng cá – khu neo đậu cho khu vực ĐBSCL…; bước đầu đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và đang nâng dần lên khả năng chống chọi với nước dâng do bão, lũ, phát huy tốt trong kiểm soát mặn”.

Quan điểm thủy lợi phục vụ phát triển ĐBSCL hiện nay là thực hiện đồng bộ, quản lý liên vùng, liên ngành, sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất và nước. Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nêu giải pháp cụ thể: Vùng thượng tăng khả năng chứa lũ và thoát lũ, vùng giữa kiểm soát lũ và mặn, vùng ven biển chủ động cấp nước ngọt và kiểm soát nước mặn.

Cùng quan điểm đầu tư liên vùng, lãnh đạo TP Cần Thơ kiến nghị: “Đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối liên tỉnh, liên vùng mang tính đồng bộ để tạo đột phá phát triển cho Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung”. Còn ông Caitlin Wiesen là Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đề cập việc quy hoạch tích hợp: “Quy hoạch tổng thể tích hợp phải trở thành một khung duy nhất, xóa bỏ và chỉnh sửa 2.538 quy hoạch hiện có, là định hướng cho các kế hoạch đầu tư trong ương lai của các Bộ, ngành và cũng như kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của 13 tỉnh, thành ĐBSCL”.

>> Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong nông nghiệp ĐBSCL hiện nay, thủy sản đã gấp 1,59 lần lúa gạo. Cụ thể, thủy sản chiếm 42%, lúa gạo chiếm 26,4%… Trong thủy sản, chủ yếu tăng diện tích nuôi tôm từ 607.300 ha lên 679.200 ha, tương ứng giá trị sản xuất tôm trong tổng giá trị nuôi trồng thủy sản tăng từ 12,6% lên 16,9%.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!