T2, 06/07/2020 02:08

Tích cực lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Các tàu xa bờ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS là điều kiện bắt buộc đối với chủ tàu trước khi ra khơi đã được quy định tại Luật Thủy sản số 18/2017/QH15; Nghị định 26/2019/NĐ-CP và Nghị định 42/2019/NĐ-CP năm 2019.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS sẽ giúp cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý; đồng thời, truy xuất nguồn gốc hải sản, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), qua đó nhanh chóng xóa “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định hành vi không trang bị thiết bị giám sát hành trình VMS trên tàu cá là vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản. Cụ thể, nếu vi phạm hành vi này mức phạt đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m theo quy định là từ 300 – 500 triệu đồng và trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần mức phạt sẽ là 500 – 700 triệu đồng; đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên theo quy định mức phạt sẽ từ 800 triệu – 1 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

 

Nam Định

Theo Chi cục Thủy sản Nam Định, toàn tỉnh có 2.148 tàu đánh bắt cá. Trong đó, có 368 tàu dưới 6 m; 904 tàu từ 6 đến dưới 12 m; 383 tàu từ 12 đến dưới 15 m; 454 tàu từ 15 đến dưới 24 m và 39 tàu từ 24 m trở lên. Sản lượng khai thác năm 2019 đạt 54 nghìn tấn.

Đến nay hệ thống đường truyền kết nối Internet tốc độ cao, hệ thống máy tính, màn hình, trang thiết bị để phục vụ việc truy cập, theo dõi tàu cá trên hệ thống giám sát hành trình về quản lý tàu cá cơ bản đảm bảo.

100% chủ tàu đã đăng ký lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại việc lắp đặt mới đạt khoảng 30%. Lý giải về sự chậm trễ này, theo Chi cục Thủy sản Nam Định, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mọi người phải hạn chế tiếp xúc gần, hạn chế việc đi lại nên các đơn vị nhận lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chưa thể hoàn thành đúng tiến độ.

Hiện, các đơn vị đang liên hệ với các chủ tàu để lắp đặt. Dự kiến đến hết tháng 4/2020, lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn tỉnh Nam Định sẽ đạt 100%.

 

Thừa Thiên – Huế

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện tại địa phương có 341/375 tàu xa bờ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, chiếm trên 90%.

Khoảng 10% số tàu xa bờ còn lại tại tỉnh Thừa Thiên – Huế chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS thuộc các đối tượng: Các tàu cá di chuyển ngư trường khai thác các tỉnh bạn thường xuyên, cơ quan quản lý tại tỉnh bạn chưa kiểm soát, buộc thực hiện lắp đặt VMS; Các tàu đang nằm bờ tại địa phương vì nhiều lý do khác nhau.

Tất cả các tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình VMS sau ngày 1/4/2020 đều hết thời hạn Giấy phép khai thác thủy sản. Vì vậy, nếu muốn cấp phép khai thác thủy sản tiếp tục, các chủ tàu này buộc phải trang bị thiết bị giám sát hành trình VMS.

 

Quảng Bình

Đến nay, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã hỗ trợ ngư dân thực hiện lắp đặt thiết bị gần 900 tàu (đạt gần 90% tổng số tàu, cao hơn mức trung bình toàn quốc là 60%).

Quảng Bình có đội tàu xa bờ là 1.209 chiếc. Trong khi đó, hạn ngạch giấy phép khai thác cho tàu trên 15 m đánh cá ở vùng biển xa (do Bộ NN&PTNT cấp) mới được 1.043 tàu. Tỉnh Quảng Bình cũng đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT cấp thêm hạn ngạch để tạo điều kiện cho ngư dân hoạt động trên vùng biển xa. Chi cục Thủy sản Quảng Bình tiếp tục tuyên truyền, vận động số chủ phương tiện tàu cá còn lại lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để thuận lợi trong hoạt động khai thác trên biển, qua đó giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong quản lý hoạt động của tàu cá, ngăn chặn việc vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản.

 

Quảng Nam

Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có gần 3.040 tàu thuyền tham gia khai thác và đánh bắt thủy hải sản. Trong đó, hơn 250 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Sở NN&PTNN tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo Chi cục Thủy sản triển khai lắp đặt số tàu còn lại, nếu chủ tàu từ chối thực hiện sẽ bị rút giấy phép khai thác.

 

Cà Mau

Cà Mau có khoảng 4.925 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó 1.665 tàu có chiều dài 15 m trở lên. Sản lượng thủy sản hàng năm đạt trên 200.000 tấn. Hiện, Sở NN&PTNT đã yêu cầu Chi cục Thủy sản bắt buộc tất cả các tàu cá dài từ 15 m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Đây được xem là giải pháp quan trọng để kiểm soát các phương tiện hoạt động trên biển nhằm giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm trên vùng biển nước ngoài.

Tính đến nay, tỉnh Cà Mau có 1.200/1.665 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 72%. Trong đó, có 45/52 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đạt tỷ lệ 86,5%.

Ngọc Diệp (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!