Tiềm năng nuôi ốc hương ở Ninh Thuận

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện ở Ninh Thuận, ốc hương được nuôi với nhiều hình thức như nuôi trong đăng, trong lồng, trong bể xi măng, trong ao đất, ao lót bạt nhựa trải cát… cho giá trị kinh tế cao song cũng nhiều rủi ro.

Ốc hương có giá trị kinh tế cao   Ảnh: Vũ Mưa

Ốc hương có giá trị kinh tế cao Ảnh: Vũ Mưa

Hiện trạng

Ninh Thuận có 1.500 ha có thể nuôi tôm. Hàng năm, duy trì khoảng 1.000 ha nuôi tôm, trong đó 500 ha nuôi trên cát, 500 ha nuôi tôm ven đầm Nại, 100 ha đang nuôi các đối tượng như hàu Thái Bình Dương, cá mú, cá chẽm, cua ghẹ, cá chim vây vàng… và số diện tích còn lại đang bỏ trống. Ninh Thuận cũng có điều kiện phát triển sản xuất giống và nuôi ốc hương thương phẩm trong ao đất tại các xã ven đầm Nại và ao nuôi tôm lót bạt trên cát ở ven biển Từ Thiện, Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhiều người kỳ vọng chuyển qua nuôi ốc hương mang lại hiệu quả sẽ sử dụng gần hết các ao nuôi tôm đang để trống do dịch bệnh.

Từ năm 2009 đến nay, diện tích nuôi ốc trên toàn tỉnh đã tăng lên đáng kể. Đến cuối tháng 11/2017 là 109 ha và sản lượng 1.500 tấn, bằng 127% so cùng kỳ năm 2016. Giá bán giao động ở mức 140.000 – 290.000 đồng/kg với kích cỡ 150 con/kg tùy theo thời điểm.

Mặc dù hiệu quả cao, song người nuôi cũng phải đối mặt với dịch bệnh và tác động điều kiện thời tiết. Điển hình vào những tháng cuối năm 2016, mưa lớn kéo dài, nước nhạt, ốc giảm ăn và chết khiến một số hộ nuôi thua lỗ nặng; hay trong tháng 10/2017 mưa bão lớn đã khiến nhiều hộ nuôi ốc hương tại Ninh Thuận mất trắng, người nuôi gặp cảnh khó khăn,

Triển khai mô hình nuôi ốc hương

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận thực nghiệm mô hình nuôi ốc hương trong ao đất bằng hình thức nuôi lưới; với mật độ thả 300 con/m2 trong lưới, quy mô 2.000 m2. Sau thời gian nưôi 175 ngày, ốc đạt cỡ bình 170 con/kg, thu về 604.860 con, tỷ lệ sống 93%, sản lượng 3.558 kg. Lượng thức ăn gồm tôm, cá, ghẹ là 10.364 kg, hệ số chuyển đổi thức ăn FCR là 2,91, chi phí hơn 500 triệu đồng, doanh thu hơn 800 triệu đồng; trong đó có cả tiền thu từ ngao tự nhiên, cá rô phi, cá dìa và tôm sú thả nuôi không cho thức ăn khoảng 20 triệu đồng.

Là hộ tham gia mô hình nuôi ốc hương thương phẩm trước đây, anh Võ Tưởng, thôn Mỹ Tân 2, xã Thanh Hải, Ninh Hải cho biết, gia đình anh thả nuôi 3 lồng ốc hương, với hơn 70 vạn con. Do được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc kỹ nên ốc hương phát triển tốt, ít bị bệnh. Sau khi thu hoạch, gia đình thu lãi được gần 80 triệu đồng/năm. Tương tự, anh Dương Văn Minh, ở thôn Mỹ Tân 2 tham gia mô hình chia sẻ: “Mỗi một vụ gia đình tôi thả nuôi khoảng 1 triệu con ốc hương giống cho 4 lồng với tổng số tiền đầu tư hơn 100 triệu đồng. Ốc phát triển tốt cho năng suất đạt trung bình là 180 con/kg, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi được gần 100 triệu đồng/năm”.

Theo người nuôi, ốc hương chủ yếu ăn tôm, cá, ghẹ… mỗi ngày chỉ cần cho ốc ăn một lần vào sáng sớm khi thủy triều xuống. Trước khi cho ốc ăn, cần dọn vệ sinh khu để loại bỏ xác thức ăn thừa ra ngoài. Trong quá trình nuôi, thấy ốc bị dịch bệnh thì phải xử lý môi trường nuôi, thường xuyên bổ sung các chất bổ dưỡng vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng giúp ốc phát triển tốt và đạt hiệu quả cao.

Mặc dù, ốc hương được đánh giá là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng, nhưng nhiều địa phương chưa thể khuyến khích phát triển đại trà đối tượng này; bởi chi phí đầu tư lớn và cũng dễ thất bại do bị dịch bệnh. Vì vậy, người nuôi rất cần phải tuân thủ kỹ thuật trong các khâu cải tạo ao đìa, chọn con giống và xử lý nguồn nước… và phòng trị bệnh cho ốc hương; cùng đó, cân nhắc theo từng điều kiện cụ thể để áp dụng.


>> Theo Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận, để mô hình nuôi ốc hương trong ao đất bằng hình thức nuôi lưới phát triển bền vững, thời gian tới, địa phương cần quy hoạch vùng nuôi, mở thêm các lớp tập huấn để người nuôi nắm được các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho ốc; tạo điều kiện vay vốn để người dân mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập.

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!