Tiền Giang: Thêm 15.000 ha nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm nay 2015, Tiền Giang có kế hoạch tiếp tục khai thác tốt tiềm năng nuôi thủy sản trên cả ba vùng sinh thái là ngọt, lợ, mặn gắn với chiến lược tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhằm giúp nông dân tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống và tạo thêm nguồn hàng hóa chất lượng tốt, đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo đó, tỉnh này đưa tổng diện tích mặt nước vào nuôi thủy sản trên 15.000 ha, phấn đấu đạt tổng sản lượng thu hoạch từ nuôi trồng gần 140.000 tấn tôm cá các loại. Trong đó, riêng diện tích nuôi nước ngọt trên 6.500 ha, còn lại nuôi nước lợ và nước mặn. Tỉnh tập trung áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật thâm canh để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm đối với các đối tượng nuôi chủ lực: tôm, nghêu, cá tra…

Trong chủ trương tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tỉnh coi trọng việc lồng ghép nuôi thủy sản nước ngọt trong nội đồng vùng ngập lũ trong các mô hình “chung sống với lũ” kiểu lúa – cá, VAC… Đối với khu vực cù lao nhiễm mặn ven biển, tỉnh đa dạng hóa các mô hình nuôi phù hợp lấy tôm sú, tôm thẻ làm đối tượng nuôi chủ lực trong các mô hình như nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm kết hợp luân vụ với trồng lúa (lúa – tôm), nuôi tôm thâm canh…

Tại ấp Mỹ Chánh 4, Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè có diện tích trên 100 ha sản xuất theo mô hình mới đạt tổng thu trên 100 triệu đồng/ha/năm. Tiêu biểu như ông Âu Văn On, cư ngụ tại ấp Mỹ Chánh 4, có 2,4 ha đất canh tác áp dụng mô hình lúa – cá giống mỗi năm thu bình quân trên 200 triệu đồng.

Thả nuôi tôm vụ mới ở Tiền Giang

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Bắc A, hiện nay, nhờ mô hình này, 100% hộ dân trong ấp đã khá và giàu, trên 90% hộ dân cất được nhà kiên cố và mua sắm đầy đủ tiện nghi gia đình.

Còn ông Đặng Văn Hà, tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông quanh năm bị nhiễm mặn nhiều năm nay đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh trên diện tích mặt nước 13 ha. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông lãi trên 300 triệu đồng, trở thành điển hình sản xuất – kinh doanh giỏi ven biển tỉnh Tiền Giang. Và để khắc phục hậu quả hạn mặn, giúp nhân dân vùng ven biển cù lao nâng cao thu nhập, huyện Tân Phú Đông đã tái cơ cấu lại nền nông nghiệp phù hợp với đặc thù vùng đất nhiễm mặn ven biển theo hướng chuyên nuôi thủy sản hoặc kết hợp 1 vụ tôm và 1 vụ lúa/năm. Hiện nay, địa phương này mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên trên 5.800 ha với các mô hình nuôi đa dạng: tôm quảng canh, tôm thâm canh, tôm lúa.

Nguyên An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!