T2, 06/07/2020 11:49

Tiến sĩ thực của người nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Với nhiều người nuôi tôm, tiến sĩ Nguyễn Văn Năm (ảnh) không chỉ là người thầy, người bạn mà còn là ân nhân, bởi ông đã giúp họ thành công, làm giàu từ tôm. Quy trình nuôi tôm sạch và bền vững của Công ty Công nghệ Hóa sinh Việt Nam đã giúp nhiều người nuôi tôm không chỉ ở các tỉnh ĐBSCL, mà mới đây nhất là Móng Cái, Tiên Yên (Quảng Ninh), Giao Thủy (Nam Định) đã thành công ngay giữa vùng dịch bệnh.

Thẳng thắn và quyết đoán

Đó là ấn tượng khi nói chuyện với vị tiến sĩ này. Ông thường đi thẳng vào vấn đề, và khi hướng đến chủ đề khoa học, chuyên môn, ông nói, ông kể, ông giải thích một cách say sưa và dễ hiểu. Có cảm tưởng như đang diện kiến một người thầy truyền giải cho học sinh những khái niệm khoa học khó hiểu bằng những hình ảnh ví von sinh động và gần gũi. Với chất giọng hào hứng, hài hước, ông giải thích cho chúng tôi nghe về quy trình nuôi tôm sạch bệnh bằng chế phẩm sinh học đang được áp dụng rất thành công của Công ty. Ông so sánh các chế phẩm vi sinh như những “công an, dân phòng, lao công” làm nhiệm vụ “canh gác, bảo vệ, chiến đấu, dọn dẹp” các vi khuẩn, virus gây hại cho tôm. Ông tự hào cho biết, những người nuôi tôm áp dụng quy trình nuôi do công ty ông hướng dẫn đều có một vùng nuôi khỏe mạnh, vững vàng đi qua những vùng “tâm bệnh” ở bất cứ đâu trên toàn quốc.

Quy trình và chế phẩm sinh học của công ty ông đang được áp dụng rộng rãi ở Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Quảng Ninh. Trên tay ông, chiếc điện thoại thông minh có khả năng lưu giữ hàng ngàn số điện thoại, chủ yếu của những người nuôi tôm trên cả nước. Họ gọi cho ông, bất cứ khi nào. Ông sẵn sàng tư vấn trực tiếp cho bất kỳ ai với bất kỳ vướng mắc nào. Sự gần gũi, nhiệt tình và mau lẹ của ông, có lẽ cũng là nguyên nhân khiến “độ phủ sóng” của công ty ông ngày càng rộng. Điều đó đồng nghĩa đóng góp không nhỏ của ông đối với nghề nuôi tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung.

Ông cho biết, quy trình nuôi tôm sạch và bền vững của Công ty đã giúp nhiều người nuôi tôm ở các tỉnh ĐBSCL trong đợt dịch bệnh trên tôm 2012 – 2013; mới đây nhất tại Móng Cái, Tiên Yên (Quảng Ninh), Giao Thủy (Nam Định) đã thành công ngay giữa vùng dịch bệnh.

>> Tiến sĩ Nguyễn Văn Năm ước mơ ngày càng có nhiều người nuôi tôm thành công, để đất nước không còn những nơi lầy lội và thiếu ánh sáng như đất Mỏ Cày (Bến Tre) ông qua. Những đóng góp của ông đều đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Nhưng ông nói, điều đó không quan trọng, mà quan trọng hơn hết là ông sẽ làm được gì cho những người dân nghèo thoát nghèo.

Nhà khoa học tận tụy, say mê

Ông bảo, có lẽ do được sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nên mới dễ hiểu và đồng cảm với nông dân, coi khó khăn của nông dân như của mình như vậy. Ông lớn lên trong một gia đình có 7 anh em, ở Quốc Oai, Hà Nội. Tuổi thơ của ông gắn liền với những bữa cơm toàn khoai, sắn, hiếm khi được bữa no. Ngoài giờ học, ông phải theo anh chị ra đồng làm việc như lao động chính. Với quyết tâm học tập, ông thi đỗ vào Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội). Tốt nghiệp đại học, ông về công tác tại Viện Công nghệ Sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hiện nay.

Cơ duyên đối với ngành thủy sản của tiến sĩ Nguyễn Văn Năm được đánh dấu bằng việc tham gia một đề tài nghiên cứu cứu do Bộ Thủy sản (cũ) chủ trì (năm 2000). Sự thành công của đề tài Giải pháp sinh học xử lý cặn bã trong nuôi trồng thủy sản đã trở thành dấu mốc ông ghi được khi đi sâu vào lĩnh vực này.

Khi bắt tay vào nghiên cứu quy trình nuôi tôm sạch bệnh bằng công nghệ vi sinh, vị tiến sĩ đã gặp không ít khó khăn, trở ngại. Chính việc dám đương đầu và vượt qua khó khăn này đã càng chứng tỏ bản lĩnh tính quyết đoán, lòng dũng cảm và sự khôn khéo của ông.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Năm kiểm tra tôm nuôi

Nghe nói bất cứ nơi nào tôm chết nhiều, khó nuôi, dù xa đến mấy, đường sá đi lại khó khăn, tiến sĩ Nguyễn Văn Năm cũng không quản ngại đến với người nuôi tôm. Công việc bận rộn, nhiều khi phải ăn những bữa cơm vội vàng cho kịp công việc, có khi là những chén rượu thân tình ngay bên đầm tôm, nhưng ông rất vui; bởi đó là lúc gần người nuôi tôm nhất, được nghe người nuôi tôm chia sẻ khó khăn. Người nuôi tôm thường gọi ông là tiến sĩ của họ. “Quy trình nuôi tôm sạch và bền vững” được nhiều người nuôi tôm gọi là “Quy trình tiến sĩ Năm”, cho dễ nhớ. Những buổi tập huấn, hội thảo hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm do tiến sĩ Năm hướng dẫn bao giờ cũng đông chật người, bởi cách hướng dẫn truyền cảm và những kiến thức rất thiết thực. Ít người như tiến sĩ Nguyễn Văn Năm, quy trình của ông khác với quy trình của các nghiên cứu được Nhà nước thông qua trước đó. Ông bền bỉ chứng minh quy trình nuôi tôm không sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học là một hướng đi, hiệu quả, an toàn, sạch bệnh. Thời điểm dịch bệnh tôm bùng nổ, người nuôi tôm đứng bên bờ vực thẳm, ông đã kiên định hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng quy trình nuôi của mình, lấy nước từ vùng nuôi có dịch bệnh để đưa vào ao nuôi tôm. Kết quả thành công đã minh chứng cho sự quyết đoán và những lập luận khoa học chính xác của ông. Sau những thành công đó, tại một cuộc hội thảo do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 12/12/2012, tiến sĩ Nguyễn Văn Năm được nhiều người biết đến bởi những ý kiến thẳng thắn của mình.

 

Nuôi tôm an toàn sinh học

Thực tế người nuôi tôm ngày càng gặp khó khăn do dịch bệnh, môi trường, luôn khiến tiến sĩ Năm trăn trở. Theo tiến sĩ Năm, ngoài những yếu tố do thời tiết, chất lượng giống thì việc sử dụng tràn lan nhiều loại hóa chất diệt khuẩn, diệt tạp, diệt giáp xác độc hại, các chất kháng sinh làm cho môi trường bị nhiễm độc nặng nề theo thời gian khiến tôm dễ mắc bệnh, chi phí đầu vào tăng cao làm cho người nuôi tôm có lãi ít hơn, thậm chí thua lỗ. Để giải quyết vấn đề này, chỉ có thể phát triển nghề nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, bền vững, sử dụng chế phẩm sinh học và vi sinh vật có lợi mới đảm bảo nuôi thành công lâu dài với chi phí thấp, hiệu quả cao.

Tuy nhiên, người nuôi tôm thường khó chọn được chế phẩm sinh học tốt giữa bạt ngàn sản phẩm vi sinh hiện nay. Làm sao để chọn được chế phẩm vi sinh chất lượng tốt? Tiến sĩ Nguyễn Văn Năm cho biết: Một chế phẩm vi sinh tốt phải thể hiện được 4 vai trò: Thứ nhất, có khả năng làm sạch triệt để các chất bẩn trong ao, đặc biệt trong ao nuôi tôm công nghiệp; có khả năng đối kháng vi sinh vật gây bệnh trên tôm. Thứ hai, có khả năng sinh ra các chất ức chế vi sinh vật có hại, cạnh tranh dinh dưỡng…. Thứ ba, virus là đối tượng bị phân hủy bởi vi sinh vật có lợi vì vi sinh vật có lợi có hàng loạt enzym thủy phân ngoại bào làm biến dạng cấu trúc virus. Vì vậy, vi sinh vật được lựa chọn tốt sẽ hạn chế dịch bệnh virus và vi khuẩn trong ao. Thứ tư, tạo thức ăn tươi sống trong ao nuôi tôm. Vi sinh vật ăn chất bẩn, phát triển nên cơ thể nó đi nuôi động vật phù du; chính những động vật phù du này sẽ làm thức ăn tươi sống cho tôm. Bên cạnh đó, vi sinh vật có lợi muốn phát huy tác dụng phải có đủ mật độ, thời gian, không thể lúc mắc bệnh mới dùng. Do đó, ý nghĩa phòng bệnh hơn chữa bệnh rất phù hợp với chế phẩm sinh học.

Bằng tài năng, đam mê, và một trái tim đa cảm, tiến sĩ Nguyễn Văn Năm đang ngày ngày xây dựng Công ty Công nghệ Hóa sinh Việt Nam phát triển theo hướng cung cấp một quy trình nuôi tôm khép kín, từ con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học cho đến quy trình kỹ thuật nuôi, đảm bảo năng suất, hiệu quả hàng đầu.

>> Tiến sĩ Nguyễn Văn Năm quan niệm: Tạo ra sản phẩm tốt nhưng phải làm sao để người dân áp dụng theo quy trình đạt hiệu quả mới là điều quan trọng. Chính vì thế, ông thường xuyên đến các vùng nuôi tôm Bắc, Trung, Nam để tập huấn, hội thảo quy trình nuôi mới và lắng nghe, nghiên cứu đưa ra cách giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh cho người nuôi tôm.

Nguyễn Minh - Thu Hiền

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!