Tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 6/12, Bộ NN&PTNT phối hợi với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị bàn giải pháp, định hướng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện chỉ thị 19/CT-TTG ngày 30-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ; Tổng kết khai thác vụ cá Nam năm 2018, triển khai kế hoạch kai thác vụ cá Bắc năm 2018-2019.

Hội nghị bàn giải pháp, định hướng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản diễn ra tại Thanh Hóa

Đồng chủ trì hội nghị có: ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa; cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Những năm qua, các địa phương trong cả nước đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, một số tỉnh đã xây dựng Tháng hành động về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ năm 2017 và 6 tháng năm 2018, các địa phương đã tổ chức gần 800 lớp tập huấn cho ngư dân; xây dựng và phát sóng khoảng 850 phóng sự, tin bài trên truyền hình, truyền thanh; khoảng 135.800 tờ rơi, 10.612 pano, áp pích với nội dung tuyên truyền về bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, không khai thác bằng các loại ngư lưới cụ cấm, nghề cấm; vận động tuyên truyền 5.305 hộ dân tham gia cam kết không vi phạm khai thác thủy sản. Đồng thời, triển khai điều tra nguồn lợi hải sản trên biển, thủy sản nội đồng và xây dựng cơ sở dữ liệu; bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa; tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh; đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; công tác thực thi pháp luật, ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản…

Theo báo cáo của 45/63 tỉnh, thành phố, các địa phương đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát 1.159 cuộc với 29.52 phương tiện, chuyển cơ quan điều tra 30 vụ liên quan đến sử dụng xung điện, thuốc nổ để khai thác thủy sản.

Vụ cá Nam năm 2018, ngư dân trong cả nước đã khắc phục khó khăn vươn khơi khai thác hải sản. Sản lượng vụ cá Nam đạt 1.948 triệu tấn, tăng 3,4% so với vụ cá Nam năm 2017. Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 1.800 tấn, khai thác nội địa đạt 148.000 tấn. Các địa phương có sản lượng tăng cao như Thanh Hóa, Trà Vinh, Quảng Ninh, Quảng Bình, Thái Bình, Quảng Nam… Tình trạng khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài giảm đáng kể. Sau khi bị “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, các địa phương đã vào cuộc thực hiện quyết liệt khắc phục tình trạng này. Phát huy kết quả đạt được, trong vụ cá Bắc năm 2018 – 2019, cả nước phấn đấu đạt sản lượng 1.589 triệu tấn. Trong đó, khai thác biển đạt 1.479 triệu tấn, khai thác nội địa 110.000 tấn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các địa phương trong những năm qua. Đồng thời yêu cầu các địa phương trong thời gian tới tập trung triển khai hiệu quả các Nghị định, Thông tư quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản; xây dựng và triển khai Tháng hành động về bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vị cả nước. Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của thủy sản biển và thủy sản vùng nội đồng; Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; Chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tăng cường quản lý thực hiện đồng quản lý, tổ đội khai thác trên biển chia sẻ trách nhiệm, giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp khai thác phù hợp với khả năng cho phép khai thác theo hướng bền vững. Kiểm soát các hoạt động làm suy giảm nguồn lợi, từng bước tiến tới chất dứt hoạt động khai thác bất hợp pháp theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu…

Tin ảnh: Lê Hợi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!