T2, 06/07/2020 12:52

Tìm cách nâng giá trị hải sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Sản lượng tăng lên nhưng hiệu quả không đạt khiến nghề khai thác hải sản xa bờ chủ lực của tỉnh gặp khó.

Sản phẩm của nghề lưới vây có đầu ra thấp trong thời gian gần đây.Ảnh: N.Q.V

Sản phẩm của nghề lưới vây có đầu ra thấp trong thời gian gần đây. Ảnh: N.Q.V

Trăn trở của ngư dân

Ngoài nghề câu mực khơi với sản phẩm mực xà có đầu ra lên xuống thất thường thì nghề chủ lực khai thác hải sản xa bờ còn lại của tỉnh là lưới vây luôn bị ép giá bán từ đầu năm đến nay. Cập bờ bán cá nục, cá ngừ vào cuối tuần qua, ngư dân Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) – chủ tàu cá QNa-91594 cho biết, chưa bao giờ sản phẩm của nghề lưới vây lại có giá thấp như thời điểm này. Cụ thể, cá nục suôn chỉ có giá 18 nghìn đồng/kg, cá ngừ sọc dưa chỉ có giá 30 nghìn đồng/kg. “Mọi khi tôi bán cá nục gai còn thu được xấp xỉ 20 nghìn đồng/kg mà chừ cá nục suôn – loại cá nục có giá cao nhất lại chỉ bán được 18 nghìn là điều rất khác thường. Cá ngừ sọc dưa rất quý nhưng đầu nậu mua với giá thấp vì cho rằng sản phẩm dư dôi trên thị trường” – ông Bẹn nói. Theo ngư dân này, nhìn chung, mỗi chuyến biển của nghề lưới vây từ đầu năm đến nay đạt về sản lượng. Sau khoảng 15 ngày bám biển ở ngư trường Hoàng Sa, tàu cá QNa-91594 của ông Bẹn thu được trung bình 10 tấn cá nục, cá ngừ. Nếu cập bờ, bán cá ở cảng cá Thọ Quang (TP.Đà Nẵng) thì còn thu được ít lời chứ về bán cá ở các cầu cảng của xã Tam Quang chỉ huề vốn. “Vẫn biết giá hải sản thất thường, lúc lên lúc xuống theo quy luật cung cầu nhưng từ đầu năm đến nay biến động mạnh thì ngư dân chúng tôi rất thấp thỏm” – ông Bẹn nói thêm.

Từ đầu năm đến nay, săn lươn biển lại bất ngờ thu hút nhiều lao động nghề biển của huyện Thăng Bình tham gia. Nguyên nhân là thu nhập thấp nên ngư dân đã chuyển từ nghề lưới vây và lưới rê hỗn hợp sang. Câu lươn biển dù không phải là nghề chính nhưng là sản phẩm xuất khẩu có giá trị. Tuy nhiên, theo các ngư dân, đầu ra rất bấp bênh trong thời gian gần đây. “Tư thương cam kết sẽ mua lươn biển với giá 55 nghìn đồng/kg nhưng lại không thực hiện theo thỏa thuận, chỉ mua với giá 45 nghìn đồng/kg. Nghề này mới, không dễ khai thác được nhiều nên chúng tôi bị lỗ trong các chuyến biển gần đây” – ngư dân Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) – chủ tàu vỏ thép QNa-95997 nói. Theo ông Thu, chuyến biển vừa qua thu được hơn 2 tấn lươn biển sau 17 ngày bám biển Hoàng Sa, bán được 105 triệu đồng. Tuy nhiên chi phí quá lớn, tốn đến 160 triệu đồng nên lỗ tổn. “Mình rất bị động, hải sản càng để lâu thì càng giảm giá trị. Trong khi đó, thương lái chỉ mua lươn với giá 55 nghìn đồng/kg nếu đạt trọng lượng từ 1,5 lạng trở lên” – ông Thu nói.

Tìm giải pháp

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từng bước tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín từ cung ứng hậu cần nghề cá đến khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản thông qua các hợp tác xã kiểu mới là định hướng phát triển khai thác hải sản xa bờ của huyện Thăng Bình. Tuy nhiên, do tiềm lực chưa đủ mạnh, nguồn vốn còn yếu, chưa tiếp cận được cơ chế hỗ trợ của cấp trên, chưa quyết liệt thực hiện nên sản xuất xa bờ của huyện Thăng Bình gặp khó trong thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, trong điều kiện tàu Trung Quốc ngang ngược gây hấn, tranh chấp ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân thu được sản lượng khá đã rất khó rồi. Vậy mà, khi về bờ, giá hải sản lại bấp bênh. Vì thế mà giá trị kinh tế thu được sau chuyến biển không cao, nhiều tàu chỉ thu đủ bù chi. Ông Hương cho rằng, giải pháp đề ra không quá khó. Cái khó là huy động nguồn vốn và cách tổ thức thực hiện ở cấp cơ sở, sự hưởng ứng của ngư dân và doanh nghiệp. “Huyện kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các kho đông lạnh lớn trên địa bàn để thu mua, bảo quản và chế biến hải sản, hạn chế tình trạng ngư dân bị ép giá khi bán sản phẩm ở các địa phương khác. Trên địa bàn chỉ có bến cá nhỏ nên huyện đề xuất cấp trên bố trí xây dựng chợ cá quy mô lớn ở thôn Tân An (xã Bình Minh), giúp ngư dân dễ hơn trong xoay xở đầu ra hải sản. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến hải sản lớn, tạo chuỗi liên kết thu mua – tiêu thụ, qua đó nâng cao sản phẩm hải sản sau khai thác của ngư dân” – ông Hương nói.

Ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, ứng dụng các tiến bộ về khoa học – kỹ thuật, du nhập nghề mới, áp dụng công nghệ bảo quản hải sản tiên tiến sau khai thác là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của nghề khai thác hải sản xa bờ của địa phương. Để thực hiện điều đó, Núi Thành tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để ngư dân mạnh dạn tiếp cận các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước như Quyết định 48/2010/QĐ-TTg và Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, qua đó vừa tăng năng lực sản xuất vừa nâng cao chất lượng hải sản sau thu hoạch. “Điều quan trọng nhất là phải khơi thông cơ chế hỗ trợ của Trung ương để thu hút doanh nghiệp tiếp cận, thành lập đội tàu thực hiện dịch vụ hầu cần đủ lớn, hoạt động trên các vùng biển xa, vừa cung cấp nhiên liệu, các nhu yếu phẩm vừa thu mua hải sản trên biển bằng với giá ở bờ để tăng hiệu quả sản xuất. Tỉnh cũng cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng cá Tam Quang, tạo đòn bẩy cho khai thác lẫn tiêu thụ sản phẩm hải sản. Về phía huyện sẽ đẩy nhanh giải phóng mặt bằng xung quanh khu vực xây dựng cảng cá” – ông Thịnh nói.

>> Quảng Nam hiện có 752 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên; trong đó, số tàu cá có công suất từ 400CV trở lên là 359 phương tiện. Đến thời điểm này, huyện Núi Thành có 350 tàu cá sản xuất xa bờ, huyện Thăng Bình có 152 tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển xa của Tổ quốc. Sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đến thời điểm này là 73.090 tấn; trong đó, sản lượng hải sản của huyện Núi Thành là 50 nghìn tấn, huyện Thăng Bình là 15 nghìn tấn.

Nguyễn Quang Việt

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!