Tìm lời giải cho ao tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá tôm không ổn định, giá vật tư đầu vào, điện không ngừng tăng, đặc biệt là chất lượng giống vẫn chưa được khắc phục…, là những vấn đề đang đặt ra đối với ngành chức năng từ trung ương đến địa phương.

Con giống vẫn là tâm điểm

Được xác định là yếu tố then chốt quyết định phần lớn thành bại trong mỗi vụ sản xuất, nhưng hầu như tình trạng tôm bị thiệt hại đều có phần không nhỏ từ con giống kém chất lượng. Đã có sự quan tâm, chỉ đạo điều hành, số lượng cơ sở sản xuất giống tăng lên mỗi năm nhưng vẫn không đáp ứng được con giống chất lượng cho người nuôi. Phải chăng đó là vấn đề kiểm soát, quản lý và quy hoạch sản xuất chưa hiệu quả.

Tại Ninh Thuận, thủ phủ tôm giống của cả nước, nơi có hàng trăm cơ sở sản xuất, chất lượng tốt cũng có, chưa đạt yêu cầu cũng có; người nuôi cho biết, tôm mua về thả nuôi vẫn bị chết. Những đơn vị làm ăn chân chính, những cơ sở sản xuất lớn tuân thủ nghiêm quy định quốc tế đang ngày đêm phải chống chọi số lượng tôm kém chất lượng, không qua kiểm dịch được rao bán dễ dàng và người nuôi sử dụng nhiều.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất giống có giấy phép kinh doanh, đăng ký chất lượng, đăng ký nhãn hiệu, bao bì đầy đủ; nhưng khi xuất bán lại không đóng gói bao bì, nhãn mác theo quy định… Đơn cử, tại tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 200 cơ sở sản xuất và ươm tôm giống để bán; trong đó số cơ sở đầu tư mạnh quy mô, ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh để có tôm giống chất lượng cao chỉ chiếm 20%. Nguyên nhân tôm chết còn được nhận định là do phần lớn người nuôi không đưa tôm đi xét nghiệm trước khi thả nuôi. Hầu hết người dân mua con giống từ các trại tôm giống về thả với quan niệm “may nhờ, rủi chịu” nên tình trạng tôm chết nhiều vẫn chưa được khắc phục. Còn tình trạng thương lái sử dụng lại đàn tôm giống đã nhiễm bệnh bán cho người nuôi.

Chất lượng tôm giống vẫn chưa ổn định – Ảnh: Máy Cày

 

Giải pháp nào

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bạc Liêu đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tại nhiều vùng miền, lắng nghe ý kiến người nuôi. Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật theo dõi sát từng vùng nuôi, hướng dẫn người dân xử lý thiệt hại và thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường; phổ biến, hướng dẫn, thông báo những thay đổi bất thường, giúp người nuôi chủ động ứng phó; khuyến cáo người nuôi nhỏ lẻ thực hiện xét nghiệm con giống đầy đủ trước khi thả nuôi…

Sở NN&PTNT Cà Mau khuyến cáo, phải khẩn trương cải tạo ao đầm theo đúng quy trình kỹ thuật, chuẩn bị sẵn sàng cho các điều kiện thả giống. Hiện, độ mặn tại các vùng nuôi tôm còn khá cao và thời tiết đang giao mùa, môi trường biến động lớn; một số nơi nguồn nước ngoài sông còn cạn và ô nhiễm nên hạn chế lấy nước vào ao, đầm. Tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, môi trường, khi thấy thuận lợi thì thả giống ngay (dự báo vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 dương lịch). Nên chọn giống tôm có uy tín, chất lượng tốt và qua kiểm dịch để thả nuôi. Cần thực hiện liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất để giảm chi phí đầu vào; thường xuyên liên hệ với cán bộ khuyến ngư, thú y cơ sở để được hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi và phòng, chống dịch bệnh. Theo dõi sát sự phát triển của tôm nuôi (nhất là sự biến động môi trường); áp dụng các quy trình kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh…

Ông Nguyễn Văn Út, tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi tôm công nghiệp (NTCN) bằng chế phẩm sinh học ở ấp Tân Phú, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, Cà Mau cho rằng, hiện nay người NTCN bằng chế phẩm sinh học lãi ít, có khi hòa vốn, thì người NTCN theo phương thức nuôi truyền thống khó có lãi, chưa kể rủi ro. Diện tích đầm “treo” sẽ nuôi con gì cho phù hợp, đang là nỗi trăn trở của rất nhiều hộ dân NTCN.

Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, điều tra tình hình sản xuất giống trong cả nước để có biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý cả khâu sản xuất và lưu thông con giống, để người nuôi mua được tôm giống với giá hợp lý, không mua phải tôm giống xấu, chất lượng kém. Triển khai quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất giống, có biện pháp xử lý đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện, đồng thời hướng dẫn chính quyền cơ sở thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất.

Tăng cường phối hợp với những trung tâm đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ngành thủy sản lớn để đào tạo cán bộ kỹ thuật cho các trại sản xuất, kinh doanh tôm giống; chuyển giao, phổ biến quy trình sản xuất giống sạch cho các trại sản xuất giống địa phương, từng bước nâng cao chất lượng sản xuất giống tại chỗ. Cần có quy định cụ thể chất lượng tôm giống thế nào thì đạt yêu cầu, để làm căn cứ cho các cơ sở sản xuất; đồng thời tạo điều kiện để điều tra, thẩm định dễ hơn.

Vận chuyển tôm giống cũng là một vấn đề cần được quản lý phù hợp, nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ sở sản xuất với lượng giống họ đưa ra thị trường, không phân biệt nuôi cho xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa.

Nghiên cứu mô hình kiểm định tôm bố mẹ mà Ấn Độ đang làm để áp dụng thống nhất cơ sở duy nhất kiểm định nguồn giống bố mẹ nhập khẩu và cả nội địa hóa trước khi các cơ sở mang về sản xuất ra tôm giống và kiểm định trước khi đưa ra lưu thông. Nguồn giống tốt, sạch bệnh sẽ giúp người nuôi giảm giá thành đáng kể trong chi phí con giống và cả trong chi phí thuốc, chế phẩm thuộc chu trình nuôi.

Cần tăng đầu tư cho các địa phương, vùng miền có nhiều lợi thế sản xuất con giống như Ninh Thuận, Bình Thuận…; hỗ trợ các doanh nghiệp, trại sản xuất giống chất lượng đầu tư nghiên cứu, tạo con giống tốt nhất cho người nuôi.

>> Cơ quan chức năng các địa phương cần tăng cường lực lượng kiểm tra chặt chẽ lượng tôm giống vận chuyển, kiểm tra bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; tuyên truyền cho hộ nuôi chỉ mua tôm giống của các cơ sở có đủ giấy chứng nhận đã được cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm dịch, đưa vào nuôi đúng hướng dẫn kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!