T2, 06/07/2020 01:11

Tín hiệu mới từ giá tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Ghi nhận tại các tỉnh ĐBSCL, trong tháng 6, thị trường tôm tại đây đã phần nào sôi động trở lại, giá tôm theo đó cũng dần được cải thiện và theo dự báo sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.

Những diện tích tôm thu hoạch từ nửa sau tháng 6 đều bán được giá cao hơn   Ảnh: Xuân Trường

Những diện tích tôm thu hoạch từ nửa sau tháng 6 đều bán được giá cao hơn Ảnh: Xuân Trường

Chênh lệch về giá

Qua khảo sát, giá tôm do các doanh nghiệp chế biến ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau niêm yết tại nhà máy không có sự chênh lệch lớn với nhau. Cụ thể: tôm thẻ loại 100 con/kg giao động 72.000 – 90.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá 89.000 – 104.000 đồng/kg, loại 60 con/kg giá 93.000 – 108.000 đồng/kg, 50 con/kg giá 101.000 – 113.000 đồng/kg, 40 con/kg mức 109.000 – 116.000 đồng/kg và 30 con/kg giá 138.000 – 153.000 đồng/kg.

Giải thích thêm về mức giá có sự giao động lớn của từng kích cỡ, đại diện một doanh nghiệp cho biết, đây là mức giá được tính theo hàm lượng ẩm (độ tươi – PV) của tôm. Vị đại diện này giải thích thêm: “Sở dĩ chúng tôi đưa ra khung giá rộng như thế là để hạn chế tình trạng các đại lý ngâm nước, nhằm đảm bảo chất lượng tôm ngay từ khâu nguyên liệu”.

Nếu nhìn vào bảng giá trên có thể thấy, nếu người nuôi đạt năng suất, tôm không nhiễm kháng sinh và có màu sắc tốt thì vẫn có lợi nhuận từ 10.000 – 20.000 đồng/kg nhưng thực tế không hẳn như thế. Chị Lê Bích Phượng ở huyện Phú Tân (Cà Mau), chia sẻ: “Do số lượng không nhiều và không có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, nên phần lớn người nuôi bán tôm cho các đại lý và tất nhiên là mức giá cũng sẽ thấp hơn so giá của nhà máy. Cụ thể như tôm thẻ chân trắng không nhiễm kháng sinh loại 100 con/kg giá cao nhất cũng chỉ được 114.000 đồng/kg, 50 con là 106.000 đồng/kg 40 con là 114.000 đồng/kg và 30 con là 140.000 đồng/kg”.

Khảo sát thêm về giá tôm thẻ tại một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL cho thấy có sự chênh lệch nhất định. Bạc Liêu, tôm thẻ loại 100 con/kg nuôi ao đất giá 70.000 – 75.000 đồng/kg, ao bạt tôm có màu tốt giá 80.000 – 90.000 đồng/kg. Tôm thẻ 60 con giá 95.000 đồng/kg và 50 con giá 105.000 đồng/kg. Tại khu vực Hà Tiên (Kiên Giang) theo ông Đỗ Thanh Ngân, giá tôm 100 con mua ngang 75.000 đồng/kg, nếu kiểm kháng sinh đạt có giá 78.000 đồng/kg. Còn tại Sóc Trăng, giá bán tôm tại ao, tôm thẻ loại 100 con nuôi ao bạt có màu sắc đẹp giá 80.000 – 90.000 đồng/kg, còn ao đất giá 75.000 – 80.000 đồng/kg. Riêng tại Trà Vinh, tôm thẻ 100 con mua ngang giá 70.000 đồng/kg, còn nếu kiểm kháng sinh đạt có giá 76.000 – 80.000 đồng/kg, loại 50 con giá 99.000 đồng/kg và loại 40 ao bạt giá 118.000 đồng/kg.

Nhiều đơn hàng tôm được ký kết

Theo đánh giá của người nuôi tôm, với mức giá tôm hiện tại, người nuôi đã bắt đầu có lời, nhưng “rất meo”, vì chỉ cần trục trặc chút đỉnh trong quá trình nuôi rất dễ bị thua lỗ. Anh Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX Dịch vụ NTTS Cái Bát (Cà Mau), nhận xét: “Từ đầu tháng 6 đến nay, giá tôm ở tất cả các size cỡ đều tăng vài ngàn đồng mỗi ký so với thời điểm cuối tháng 5, nhưng người nuôi tôm vẫn chưa thật sự an tâm vì ngoài chuyện tăng chậm, giá tôm có lúc cũng lên xuống bất thường và nhất là lợi nhuận chưa đủ để bù đắp cho những khi tôm bị thiệt hại”.

Giải thích thêm việc giá tôm tăng chậm thời gian qua, các doanh nghiệp đưa ra 2 lý do cơ bản: Một là tình hình tiêu thụ 5 tháng đầu năm chậm nên hầu hết doanh nghiệp đều tồn kho một lượng tôm nhất định và thứ hai là sự biến động lớn của giá tôm thế giới khiến việc đàm phán các hợp đồng mới trở nên khó khăn hơn.

Theo tiết lộ của một doanh nghiệp, từ đầu tháng 6 đến nay, nhiều khách hàng ở các thị trường lớn bắt đầu quay lại đặt hàng tôm của Việt Nam để chuẩn bị cho nhu cầu thị trường dịp lễ, tết cuối năm. Vị doanh nghiệp này chia sẻ: “Hiện tại, nhiều nhà máy đã có một số lượng đơn hàng nhiều hơn so với 5 tháng đầu năm, nên họ sẽ thu mua tôm nguyên liệu mạnh hơn nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu chế biến phục vụ chế biến đáp ứng yêu cầu của các dơn hàng hiện tại cũng như trong thời gian tới”.

Hiện tại, diện tích còn tôm và diện tích chưa thả của các tỉnh khu vực ĐBSCL vẫn còn khá lớn, nên với những dự báo trên sẽ là tin vui để người nuôi tôm trong khu vực an tâm đầu tư chăm sóc, nhằm đạt năng suất và chất lượng cao nhất. Tuy nhiên, người nuôi cũng cần thận trọng trong việc cập nhật giá tôm để đưa ra quyết định khi nào thu hoạch, thu hoạch tôm ở kích cỡ nào để bán được giá nhất và đặc biệt là áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi nhằm giảm giá thành, tăng hiệu quả của vụ nuôi.

>> ThS Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng khuyến cáo: “Hiện nay, giá tôm đang hồi phục và theo dự báo còn tiếp tục tăng, vì vậy người nuôi tôm không nên ồ ạt bán tháo tôm cỡ nhỏ, mà cần nuôi tôm về size lớn để bán được giá cao. Ngoài ra, cũng cần hạn chế việc lạm dụng thuốc, hóa chất vào ao tôm và quản lý cho ăn vừa đủ để tiết kiệm thức ăn; đồng thời, chủ động liên kết vật tư đầu vào nhằm giảm tối đa giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất”.

Mai Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!