Tỏa sáng những tấm gương thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau 8 năm với 3 lần tổ chức, Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam lần thứ 4 năm 2017 trở lại với rất nhiều kỳ vọng, trong đó có rất nhiều những gương điển hình xuất sắc mới.

Nhiều cá nhân, tập thể hoạt động tích cực trong sản xuất thủy sản   Ảnh: Trần Út

Nhiều cá nhân, tập thể hoạt động tích cực trong sản xuất thủy sản Ảnh: Trần Út

Những đóng góp ý nghĩa

Theo chia sẻ của Hội đồng bình chọn, năm nay Danh hiệu có sự góp mặt đông đảo của nhiều doanh nghiệp thủy sản ở đầy đủ các lĩnh vực, từ sản xuất giống, nuôi, chế biến xuất khẩu đến dịch vụ hậu cần, nghiên cứu, chứng nhận… Cùng với nuôi trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ, sản xuất, dịch vụ hậu cần nghề cá, các nông dân, ngư dân, thì Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam 2017 sẽ có sự tham gia của lĩnh vực thủy sản truyền thống như nước mắm, chế biến thủy sản khô; các nhà hàng, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân…

Nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong ngành, được người nuôi thủy sản tín nhiệm như: Công ty TNHH Grobest Việt Nam, Công ty Thăng Long, Skretting, Công ty CP Công nghệ tiêu chuẩn sinh học Vĩnh Thịnh, Công ty TNHH Giống thủy sản Dương Hùng, Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung…

Ông Nguyễn Văn Năm, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Hóa Sinh Việt Nam chia sẻ, Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam là động lực, tinh thần cổ vũ to lớn cho nhiều doanh nghiệp như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong hoạt động, góp phần vào sự phát triển chung của ngành…

Vinh danh người thật, việc thật

Theo Ban tổ chức, các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đạt Danh hiệu chất lượng vàng thủy sản Việt Nam cần đảm bảo 4 tiêu chí: Hiệu quả kinh tế; Hiệu quả xã hội; Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; Bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái. Cùng đó, Danh hiệu sẽ vinh danh những gương người thật, việc thật, những người không chỉ tích cực trong sản xuất, góp phần phát triển thương hiệu, kinh tế địa phương, mà còn khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.

Đến nay, sau 6 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận gần 200 hồ sơ của các doanh nghiệp, đơn vị/cá nhân từ 53 tỉnh, thành trong cả nước. Trải qua 3 vòng sơ loại, đã có những bộ hồ sơ đủ tiêu chuẩn để Hội đồng Giám khảo bình chọn. Cũng theo nhận định của Ban Tổ chức, sau mỗi lần tổ chức, số lượng các đơn vị tham gia lại tăng lên, điều này đã thể hiện được thương hiệu cũng như sự lan tỏa của Chương trình trong cộng đồng những người làm thủy sản; là nơi mà những doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động được tôn vinh. Kết quả, Ban Tổ chức đã chọn ra được 100 cá nhân, tập thể ngành thủy sản để vinh danh Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam. Cùng đó, Ban Tổ chức đã đề xuất bằng khen của Bộ NN&PTNT cho 10 tập thể, 10 cá nhân; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 5 tập thể xuất sắc.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam – Trưởng ban tổ chức chương trình bình chọn và trao tặng “Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam” lần thứ 4 cho biết: “Kết quả này không chỉ biểu dương những đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân với ngành thủy sản, mà còn phản ánh chất lượng của Chương trình trong lựa chọn và tôn vinh được những “bông hoa đẹp” trong hàng triệu “bông hoa tiêu biểu”, đi lên từ mồ hôi, nước mắt, thành đạt trong sự nghiệp và tích cực trong công tác xã hội, từ thiện… Họ đang ngày đêm đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững”. 

>> Để vinh danh những tấm gương ngành thủy sản, Lễ tôn vinh và trao tặng Danh hiệu “Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam” lần thứ 4 năm 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 21/12/2017 tại Khách sạn DaeWoo, Hà Nội.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!