Tôm Bangladesh chung sức vượt khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Thị trường tôm thế giới lao dốc, giá xuống, nhu cầu giảm, cộng với sự biến đổi khí hậu, là đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp nuôi tôm Bangladesh. Nhưng không vì thế mà ngành này tụt lại phía sau.

Quay lại thị trường nội

Giá xuất khẩu tôm sú cỡ lớn, mặt hàng chủ yếu xuất sang thị trường EU đã giảm từ 9,20 USD/pound xuống còn 5 – 5,5 USD/pound trong quý 1 của năm tài khóa. Có nhiều nguyên nhân khiến mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bangladesh, trong đó chủ yếu do nguồn cung tôm thẻ chân trắng từ Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia tăng đột biến; lượng hàng tồn tại thị trường Mỹ còn nhiều và sự sụt giá của đồng euro, đồng ruble. Các nhà chế biến cho biết nhu cầu tiêu thụ tôm cỡ nhỏ và trung bình đang lao dốc nhanh. Theo Cục Xúc tiến xuất khẩu Bangladesh, doanh thu xuất khẩu tôm trong 10 tháng đầu năm tài khóa đã giảm 3,6% so cùng kỳ, còn 440 triệu USD.

Bangladesh đẩy mạnh nuôi tôm ven biển ứng phó biến đổi khí hậu – Ảnh: Cafod

Làn sóng tôm rớt giá lan rộng khắp thế giới, không ngoại trừ Bangladesh. Nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường lớn như EU, Mỹ đồng loạt suy yếu. Trước tình cảnh đó, nông dân nuôi tôm Bangladesh đã đưa con tôm quay ngược trở lại thị trường nội địa. Theo Shoyeb Mahmud, Giám đốc Công ty Jahanabad Seafood, các công ty xuất khẩu tôm trả 4,24 USD/kg tôm nguyên liệu từ cỡ nhỏ tới trung bình, nhưng thương lái địa phương lại thu mua tôm với giá 4,40 tới 4,82 USD/kg để bán nội địa, mặt hàng đắt nhất tại thị trường nội địa là tôm sú. Hiện, nhu cầu thu mua mặt hàng này đang tăng cao. Tuy vậy, sức tiêu thụ của thị trường nội địa không khiến thị trường tôm Bangladesh quay lại thời hưng thịnh. Atiar Rahman, một nông dân nuôi tôm sú tại vùng Bagerhat – tỉnh nuôi tôm sú trọng điểm ở Tây Nam Bangladesh cho biết, doanh số bán nội địa chưa đủ hòa vốn bởi giá bán tôm năm nay chỉ bằng ½ giá bán hồi đầu năm ngoái nhưng là giải pháp cứu nông dân thoát khó khăn chồng chất khi xuất khẩu giảm sút.

 

Giải cứu nuôi tôm ven biển

Bangladesh là một trong những quốc gia thích hợp nhất thế giới để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) ven biển nhờ nguồn lợi lý sinh và điều kiện khí hậu nông nghiệp thuận lợi. Ngành NTTS ven biển ở Bangladesh đã được định hướng nuôi tôm để phục vụ xuất khẩu. Hai đối tượng nuôi chủ lực là tôm càng xanh và tôm sú. Nuôi tôm là một phần trong chính sách phát triển NTTS ven biển của Bangladesh, khởi xướng năm 1970 và được mở rộng năm 1980. Nhưng ngành tôm nuôi ven biển Bangladesh đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hiện tượng biến đổi khí hậu như: lũ lụt, lốc, gió xoáy, hạn hán, thay đổi nồng độ muối và nước biển dâng. Do đó, Chính phủ Bangladesh đã nhanh chóng áp dụng phương thức tổng thể nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu lên ngành NTTS ven biển gồm quản lý sông miền duyên hải, tăng cường biện pháp kiểm soát lũ lụt.

Nông dân một số tỉnh ven biển đã xây ao nuôi cao hơn để bảo vệ tôm suốt mùa lũ; đồng thời trồng thêm cây xanh, hoa màu trên bờ đê quanh ao để chống xói mòn và giảm bùn thải trong ao nuôi. Một số nơi dựng hàng rào bảo vệ và lưới quanh ao để hạn chế thất thoát, cũng như sự xâm nhập của những động vật ăn thịt trong tự nhiên. Họ sử dụng kênh tưới tiêu ngầm cùng hệ thống thoát nước thích hợp hỗ trợ nuôi tôm mùa khô. Ngoài ra, Chính phủ cũng giới thiệu một số loại lúa chịu hạn và chịu mặn tốt trồng xen nuôi tôm. Mô hình kết hợp tôm nước lợ, ngọt bắt đầu được nhân rộng ở nhiều tỉnh. Chính phủ cũng khuyến khích nông dân tích trữ nước mùa mưa và đẩy mạnh hoạt động trồng rừng ngập mặn, giảm thiểu những tác động từ các đợt thủy triều dâng. Rừng ngập mặn được coi là công cụ hữu hiệu duy trì hệ sinh thái ở Sundarbans và tây nam Bangladesh – khu vực có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới.

Với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, Cơ quan quản lý nghề cá, nông dân được trợ giúp kỹ thuật kịp thời. Sự gắn kết hoạt động thành một khối thống nhất giữa các bên liên quan tại Bangladesh đã tạo ra một sân chung để chia sẻ kiến thức, cùng nhau hiện thực hóa các kế hoạch, chiến dịch để ứng phó biến đổi khí hậu thành công, giúp ngành nuôi tôm ven biển vững mạnh.

>> Bangladesh có 850.000 nông dân nuôi tôm, diện tích 275.000 ha. Tổng sản lượng tăng đều mỗi năm, từ 75.000 tấn năm 2003 – 2004 lên 140.000 tấn năm 2012 – 2013, tăng trưởng trung bình 9% trong vòng 1 thập kỷ. Năm 2012 – 2013, Bangladesh xuất khẩu gần 44.000 tấn tôm, trị giá 396 triệu USD. Nuôi trồng thủy sản ven biển đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cung cấp lương thực, dinh dưỡng, thu nhập, việc làm cho người dân.

Tuấn Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!