Tôm chậm lớn, trách nhiệm quy ai

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau hơn một tháng kể từ ngày nhiều hộ dân trên địa bàn Hà Tĩnh phản ánh hàng chục ha nuôi TTCT vụ xuân hè 2017 chậm lớn bất thường, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức.

Thu hoạch tôm cỡ nhỏ ở Hà Tĩnh

Thu hoạch tôm cỡ nhỏ ở Hà Tĩnh

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm 2017, Công ty Thông Thuận – Hà Tĩnh đã cung cấp 84 triệu con giống tôm trên địa bàn tỉnh. Một số vùng nuôi tôm tập trung của huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh; vùng nuôi trên cát tại Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà… tôm nuôi trên 80 ngày đạt cỡ 160 – 250 con/kg, không đồng đều và tỷ lệ sống thấp. Hiện tượng tôm chậm lớn diễn ra ở tất cả các vùng nuôi, các hình thức nuôi (thâm canh, bán thâm canh, nuôi trên cát, nuôi ao đất…) và bắt gặp ở hầu hết các loại giống. Trong đó tỷ lệ tôm còi cọc, chậm lớn và nhiều nhất là giống tôm của Công ty Thông Thuận.

Gần đây nhiều hộ nuôi trồng ở các xã Kỳ Hải, Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Khang, Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh liên quan đến việc thả tôm giống của Công ty CP Thủy sản Thông Thuận cũng nuôi mãi không lớn, một số ao tôm chết từ khi còn nhỏ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc HTX NTTS Hải Phú (xã Kỳ Hải) cho biết, vụ tôm xuân hè 2017, HTX mua 1,1 triệu giống của Công ty Thông Thuận, thả nuôi quảng canh trên diện tích 25,5 ha. Tuy nhiên, mới chỉ nuôi được 30 ngày thì tôm đồng loạt chết, đến 40 ngày sau thì chết trắng hồ; 2 hồ còn lại cũng phải xả bỏ vì nuôi mãi không lớn. Thiệt hại gần 200 triệu đồng; tuy nhiên, đến nay, phía Thông Thuận vẫn chưa có ý kiến hay hỗ trợ về chính sách nào (?!).

Trước đó, đại diện Công ty Thông Thuận cho rằng tôm chậm lớn không thể đổi lỗi tại giống bởi còn nhiều yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, người nuôi trồng và cơ quan chức năng đều chung nhận định nguyên nhân là do lỗi giống bố mẹ.

Một hộ nuôi tôm chia sẻ, họ không đủ thẩm quyền để kết luận tôm chậm lớn do đâu nhưng qua kinh nghiệm nuôi bao năm nay, dám chắc là do chất lượng giống kém. Bây giờ ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho họ đây (?!). Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho hay: “Để xét nghiệm, xác định được tôm giống có biểu hiện bất thường là rất khó nhưng đứng ở góc độ quản lý nhà nước hay kinh nghiệm của người nuôi tôm tôi vẫn nhận định là do lỗi từ tôm giống bố mẹ. Phía Công ty Thông Thuận đã gửi giống ra Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) để truy tìm nguyên nhân, nhưng chưa có kết quả. Riêng với địa phương, việc xác định nguyên nhân đã nằm ngoài khả năng, giờ phải chờ kết quả từ Vụ Nuôi trồng Thủy sản”.

Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh có văn bản số 203/TS-NTTS gửi Vụ Nuôi trồng Thủy sản đề nghị “hỗ trợ, xác định nguyên nhân tôm giống thả nuôi chậm phát triển”. Sau đó, Tổng cục Thủy sản cũng đã có văn bản số 2188/TCTS-NTTS trả lời về việc này và đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh và Bình Thuận kiểm tra hồ sơ sản xuất của Công ty Thông Thuận; thống kê toàn bộ số tôm bố mẹ nhập khẩu và số lượng tôm giống được kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh và tôm giống thả nuôi tại Bình Thuận của Công ty từ 1/1 – 31/7/2017. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh thống kê tôm giống Thông Thuận sản xuất, cung cấp cho những người nuôi (địa chỉ, số lượng, sản xuất từ nguồn tôm mẹ nào) trên địa bàn tỉnh; Đồng thời, kiểm tra, đánh giá lại hiện trạng nuôi TTCT của các hộ nuôi sử dụng tôm giống của Công ty này.

Thanh Nga

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!