Tôm nhân tạo liệu có tốt hơn?

Chưa có đánh giá về bài viết

Với thị trường thịt, không quá xa lạ khi Công ty Impossible Food đã tạo ra thịt nhân tạo với sản phẩm nổi bật “Impossible Burger”, nhưng một công ty khởi nghiệp thực phẩm khác ở Thung lũng Silicon, Mỹ đang tìm cách làm điều tương tự với hải sản, khởi đầu là tôm.

Các sản phẩm tôm chay của New Wave Foods

Hiện tại có hai nguồn cung cấp tôm chính là đánh bắt và nuôi trồng. Song cả hai đều có những tác động tiêu cực tới môi trường và hệ sinh thái. Có ý kiến cho rằng, nên tiết chế nhu cầu tiêu thụ tôm nhưng điều đó là không khả thi. Một giải pháp khác là sản xuất tôm nhân tạo, nghĩa là dùng các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật, gia vị, hương liệu để tạo ra một thứ trông có vẻ như tôm thật.

Và trong nỗ lực biến ý tưởng thành hiện thực, New Wave Foods, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco, Mỹ đã đặt mục tiêu tạo ra sự thay thế bền vững. Bằng cách sử dụng tảo và kỹ thuật nuôi cấy đặc biệt trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã tạo ra tôm nhân tạo với hình dáng, giá trị dinh dưỡng và đặc biệt là cũng đổi màu đỏ khi được nấu lên như tôm thật.

Ý tưởng này được đề xuất và nghiên cứu bởi Jennifer Kaehms, một cựu sinh viên tại Đại học California San Diego. Kaehms cho biết, hãng đang thử nghiệm nhiều cách khác nhau để trích xuất protein từ tảo, từ đó tạo thành một cấu trúc hình dáng và giá trị dinh dưỡng như tôm thật. Điểm đặc biệt ở đây chính là cách sắp xếp cấu trúc các loại protein sao cho nó đạt độ cứng, độ giòn, độ mềm… như tôm thật và đồng thời, cũng có thể chuyển từ xám sang đỏ khi nấu chín. Kaehms nói đây chính là bí quyết độc quyền của họ.

Vào mùa thu năm 2015, những nhà nghiên cứu của New Wave đã làm việc 8 tuần liên tục tại phòng thí nghiệm IndieBio San Francisco. Ban đầu, họ định làm vây cá mập nhân tạo cũng từ gốc thực vật nhưng cuối cùng lại chuyển sang thí nghiệm tôm vì thị trường tiêu thụ sản phẩm này rộng lớn hơn.

Dominique Barnes, Giám đốc điều hành (CEO) New Wave Foods và nhà khoa học Michelle Wofl đã cố gắng tạo ra con tôm có màu sắc và mùi vị giống tôm thật nhất. Họ phân tích tôm thật để tìm ra các thành phần cấu tạo nên nó. Sau đó họ phát hiện ra chính các protein thực vật và tảo biển là thức ăn của tôm sẽ giúp những con tôm nhân tạo này có được màu sắc, mùi vị và giá trị dinh dưỡng hoàn hảo nhất.

Theo Dominique Barnes, thực tế sản phẩm tôm trong phòng thí nghiệm của New Wave có lượng protein cao và chất béo thấp hơn tôm thật ngoài tự nhiên, đây là sự khác biệt rõ rệt nhất về mặt dinh dưỡng của chúng. Tôm nhân tạo từ gốc thực vật này được khách hàng phản hồi rất ngon và thích hợp cho những người ăn chay hoặc muốn kiềm chế bệnh béo phì.

Sản phẩm đã được phát triển suốt hai năm rưỡi, gần đây chính thức ra mắt tại California. New Wave Foods hiện đang bán cho các nhà điều hành dịch vụ thực phẩm tại các trường đại học, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, Công ty đang có kế hoạch hợp tác với các nhà bán lẻ, cả trong và ngoài nước, để đưa “tôm chay” đến với nhiều đối tượng hơn. Vừa qua, New Wave Foods đã có đơn đặt hàng 200 pound từ Google. New Wave Foods cũng đang làm việc với Công ty sushi kosher ở San Francisco.

Tại thời điểm này, thật khó để nói liệu New Wave có thể vượt ra được khỏi thị trường ngách của những người ăn chay và bảo vệ môi trường và lên các cửa hàng tạp hóa bên cạnh tôm thật, nơi mà công ty khao khát hay không. Nhưng có một sản phẩm chất lượng là một khởi đầu tốt.

Phương Ngọc

Businessinsider, Sfgate, Delimarketnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!