Tôm nuôi liên tiếp “dính” bệnh, người dân Cẩm Lộc điêu đứng!

Chưa có đánh giá về bài viết

Xuống giống được hơn tháng thì trên nhiều diện tích ở xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) tôm nuôi liên tiếp “dính” bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính. Người nuôi tôm điêu đứng vì thiệt hại ngay từ đầu vụ nuôi.

Tôm nuôi chết sạch chỉ sau 2 ngày bị “dính” bệnh hoại tử gan tụy cấp tính

Về vùng nuôi tôm xã Cẩm Lộc, không khí ảm đạm bao trùm vì nhiều diện tích tôm nuôi chết hàng loạt do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính vừa mới xẩy ra. Ông Lê Văn Khởi – chủ đầm tôm ở thôn Vĩnh Lộc, buồn rầu: Tôm nuôi được 45 ngày tuổi, đang khỏe mạnh tự dưng bơi lờ đờ vào bờ rồi chết. Vụ này, ông thả hơn 15 vạn con tôm giống trên diện tích gần 4.000 m2 nhưng giờ chết hết, chẳng còn con nào dưới ao. Tính cả tiền giống và thức ăn, ông mất đứt gần 50 triệu đồng.

Ông Lê Văn Khởi thẫn thờ bên đầm tôm vừa bị “dính” bệnh

Tương tự, ông Lê Xuân Hừng cũng ở thôn Vĩnh Lộc thả hơn 2 vạn con tôm giống, giờ cũng cũng chết sạch. “Lúc đầu thì phát hiện tôm bỏ ăn, sau yếu dần rồi chết hàng loạt. Chỉ trong 2 ngày là tôm chết trắng hồ. Sau tôm chết, các loại giáp xác như cua, còng… cũng chết theo” – ông Hừng cho hay.

Sau tôm thì các loại giáp xác như cua, còng …cũng chết theo

Mấy ngày gần đây, dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính cũng đã lây lan sang một số ao nuôi khác. Qua tìm hiểu, hiện tại có 5 hộ nuôi trên diện tích 1,1 ha bị “dính” bệnh, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Lý – Cán bộ Khuyến nông, khuyến ngư xã Cẩm Lộc, cho biết: Sau khi phát hiện tôm nuôi bị dịch, xã đã xuống kiểm tra và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh, cách ly, không để dịch lan ra diện rộng. Tất cả các hộ có tôm nuôi bị bệnh tuyệt đối không được mở cống cho nước ra ngoài, đồng thời rắc vôi bột xử lý môi trường vùng nuôi. Hiện, các hộ đã kê khai mức độ thiệt hại để nhận hóa chất Chlorine về xử lý môi trường ao nuôi.

Các hộ dân rắc vôi bột tiêu độc khử trung vùng nuôi….


Đóng cống tiêu thoát không xả nước ra ngoài làm lây lan dịch bệnh

Trước đó, các đây chưa đầy 1 tháng, vùng nuôi này cũng bị dịch bệnh đốm trắng tấn công trên diện tích gần 2ha của 5 hộ. Điều đáng nói là, dịch bệnh đốm trắng được phát hiện bắt đầu từ một hộ dân thả con giống không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch… Sau đó, dịch lan ra các ao nuôi khác.

Cho đến thời điểm này, vùng nuôi tôm Cẩm Lộc có hơn 3 ha bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Theo một số chủ đầm nuôi tôm, nguyên nhân trước hết được nhận định là do chất lượng con giống không đảm bảo. Bởi thực tế, những hộ có tôm bị dịch bệnh đều lấy chung một loại giống. Mặt khác, thời tiết đầu vụ nuôi thất thường nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của tôm. Hiện tại, nguy cơ dịch bệnh vẫn đang đe dọa nhiều hồ nuôi tôm khác trong vùng.

Người dân xử lý hóa chất Chlorine môi trường nước để tiếp tục thả giống mới

Người dân xử lý hóa chất Chlorine môi trường nước để tiếp tục thả giống mới

Ông Nguyễn Văn Tuân – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc cho biết: Cẩm Lộc có tổng diện tích 24,5 ha nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh và thâm canh trên ao đất. Mấy năm gần đây, tôm nuôi mang lại hiệu quả rất cao. Năm 2017, toàn xã đạt sản lượng hơn 100 tấn tôm, là 1 trong những địa phương nuôi tôm hiệu quả của tỉnh. Nhưng bước vào vụ nuôi đầu năm nay, tôm nuôi liên tiếp “dính” bệnh, gây thiệt hại về kinh tế và tâm lý cho người dân.

“Không để dịch bệnh tiếp tục lan rộng, xã tập trung quyết liệt chỉ đạo các hộ dân tuân thủ các quy trình phòng chống dịch bệnh. Nếu phát hiện hộ nào vi phạm làm dịch bệnh lây lan sẽ xử lý nghiêm theo quy định” – Ông Tuân nhấn mạnh.

Hữu Trung – Giang Nam

Báo Hà Tĩnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!