T2, 06/07/2020 01:19

Tôm sú và câu chuyện “trở lại”

Chưa có đánh giá về bài viết

Tôm sú đang được con là cứu cánh cho người nuôi tôm trên thế giới. Tuy vậy, việc phục hồi ngành tôm sú không phải là câu chuyện “một sớm một chiều”.


Giá tôm sú đã vượt tôm thẻ ít nhất 1,5 – 2 USD/kg

Thiếu nguồn cung

Theo một nguồn cung tôm đông lạnh tại Đông Nam Á, giá tôm sú đã vượt tôm thẻ ít nhất 1,5 – 2 USD/kg. Trong khi mức chênh lệch giá giữa hai sản phẩm này vào năm 2016 khoảng 1 USD/kg. Nguyên nhân khiến tôm sú được giá là do sản lượng sụt giảm nhiều năm gần đây do trào lưu nuôi tôm thẻ phát triển mạnh mẽ khắp châu Á. Nguồn cung khan hiếm, đặc biệt là tôm sú chất lượng cao, đã kéo theo tình trạng giá tăng vọt trên thị trường.

Nhu cầu với tôm sú của Việt Nam luôn tăng cao đã đẩy giá tôm sú tăng 5 -7% so cùng kỳ năm ngoái khi nông dân Ấn Độ chuyển sang nuôi tôm thẻ. Trong khi, nguồn cung tôm sú tại Việt Nam luôn khan hiếm từ khi các thương lái Trung Quốc gom tôm sú nguyên liệu tươi sống trực tiếp từ nông dân địa phương. Theo Eric Ng, Giám đốc Công ty Pine Tree Singapore có nhà máy chế biến tôm sú tại Việt Nam: “Các công ty thủy sản đều đang ráo riết săn lùng nguyên liệu tôm sú để chế biến nhưng cung không đủ cầu. Chúng tôi phải cạnh tranh gay gắt với thương lái Trung Quốc mới có tôm nguyên liệu”. Hiện, Pine Tree Singapore đang thực hiện dự án xây dựng một hợp tác xã nuôi tôm cho nông dân Việt Nam qua hợp tác với Chính phủ Singapore để đảm bảo nguồn cung tôm sú ổn định hơn bởi nhu cầu tiêu thụ tôm sú Việt Nam từ thị trường Nhật Bản, Trung Đông và châu Á cũng rất mạnh.

Trung Quốc chuộng nhập khẩu tôm sú từ Việt Nam hơn Bangladesh do khâu vận chuyển thuận tiện hơn, theo Shyamal Das, Giám đốc Công ty M.U. Sea Foods tại Bangladesh. Dù vậy, tôm sú của Bangladesh chưa bao giờ rơi vào cảnh ế ẩm như tôm thẻ hiện nay và Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu tôm sú Bangladesh do nguồn cung từ Việt Nam không đủ đáp ứng. Do đó, giá tôm sú Bangladesh cũng tăng 20 – 25% so cùng kỳ năm ngoái. Md Shoyeb Mahmud, Giám đốc Công ty Thủy sản Jalalabad Frozen Foods thông tin, tôm sú được ưa chuộng vì chất lượng cao hơn tôm thẻ; giá trung bình luôn khoảng 16,5 Usd/kg còn tôm thẻ chỉ 15 USD/kg. Hiện, tôm sú Bangladesh đang chiếm lĩnh thị trường châu Âu, trong đó có Đức, Hà Lan, Anh, Pháp và Bỉ là những nước tiêu thụ nhiều nhất.

Tăng đầu tư

Hãng sản xuất tôm Gallant Ocean tại Đài Loan – đơn vị chuyên xuất khẩu tôm sang Mỹ, châu Âu và nhiều thị trường châu Á luôn đánh giá rất cao tiềm năng của tôm sú. Hãng này đã đầu tư không ít cho hoạt động nuôi tôm sú tại Myanmar. Đại diện Công ty cho biết, sản phẩm tôm sú của họ được nuôi tại Myanmar có nhiều lợi thế lớn vì được nuôi gần biển và sông nên không gặp phải các vấn đề về hóa chất. Hiện, người tiêu dùng trên thị trường châu Âu rất chuộng tôm sú sinh thái hoặc tôm được nuôi theo các tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Do đó, tạo dựng thương hiệu “xanh sạch” cho sản phẩm tôm sú sẽ quyết định vị thế vững chắc của sản phẩm trên thị trường. Gallant Ocean cũng đang đầu tư trại nuôi tôm ở Việt Nam, Thái Lan nhằm mở rộng nguồn cung tôm nguyên liệu, phục vụ chế biến xuất khẩu.

Khi tôm thẻ thất thế trên thị trường, người nuôi tại Ấn Độ rơi vào cảnh khốn khó; theo đó, Chính phủ Ấn Độ đã khuyến khích nông dân quay lại nuôi tôm sú để giảm thiểu rủi ro biến động thị trường và đa dạng hóa mặt hàng thủy sản xuất khẩu.

Trong khi Việt Nam nổi tiếng nhờ xây dựng thành công hệ thống nuôi tôm sú sinh thái tại ĐBSCL, Bangladesh đặt mục tiêu kiên trì bám trụ nghề nuôi tôm sú và không chuyển sang tôm thẻ dù nước láng giềng Ấn Độ đã đặt mục tiêu đạt 1 tỷ tấn tôm thẻ vào năm 2020. Theo Moin Uddin Ahmed, Trưởng nhóm Dự án xúc tiến kinh doanh tôm bền vững tại mạng lưới toàn cầu Solidaridad cho biết, Chính phủ Bangladesh không cấp phép cho nông dân sản xuất tôm thẻ sau khi cân nhắc nhiều thách thức khi chuyển sang tôm thẻ và lợi ích, cơ hội tôm sú mang lại. Solidaridad cũng vừa hoàn thành kế hoạch dự thảo hành động quốc gia cho ngành tôm Bangladesh và vạch ra rất nhiều hướng đi mới để mở rộng sản xuất tôm sú theo hướng bền vững, tạo tương lai vững chắc cho thị trường tôm sú. 

>> A Jayathilak, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (MPEDA) chia sẻ: Chính phủ sẽ bắt tay phục hồi ngành tôm sú qua Tổ hợp NTTS đa loài tại Vallarpadam, Kochi. Tổ hợp bao gồm trại giống tôm sú với năng suất dự kiến 20 triệu tôm giống sạch bệnh hàng năm. Nỗ lực ban đầu này sẽ tái sinh ngành tôm sú sau 2 thập kỷ bị lãng quên và mang lại nhiều lợi ích to lớn cho ngành thủy sản Ấn Độ.

Hà Linh (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!