Tổng lực bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, từ đầu tháng 8 đến nay, các đơn vị trong tỉnh đồng loạt mở đợt cao điểm ngăn chặn khai thác thuỷ sản tận diệt, thả giống tái tạo thuỷ sản.

Đại diện cơ quan quản lý và các nghiệp đoàn nghề cá ký cam kết bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày 7/8/2017. Ảnh: Việt Hoa

Đại diện cơ quan quản lý và các nghiệp đoàn nghề cá ký cam kết bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày 7/8/2017. Ảnh: Việt Hoa

Chuyển biến mạnh mẽ

Đồng chí Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, khẳng định: Với sự nỗ lực của các đơn vị từ sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện của lãnh đạo tỉnh, việc ngăn chặn khai thác thuỷ sản tận diệt.

Cụ thể, chỉ tính riêng trong 2 tháng qua, toàn tỉnh đã xử phạt 275 vụ vi phạm quy định về khai thác thuỷ sản, tịch thu 168 bộ kích điện, 11 súng bắn điện tự chế, gần 4.500m dây điện và dây hơi, 18 dây đai chì, 61 bộ đồ lặn, 4 máy nén khí, 2 máy đánh bắt thuỷ sản; thu nộp ngân sách nhà nước gần 1,2 tỷ đồng…

Như vậy, chỉ trong tháng 8 và tháng 9, số vụ vi phạm trong khai thác thuỷ sản bị phát hiện đã chiếm tới 30% số vụ và 44% số tiền phạt trong tổng số vụ và số tiền phạt từ đầu năm đến nay.  Một số đơn vị đã triển khai tích cực, như: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, huyện Đầm Hà, Hải Hà, TP Cẩm Phả… Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong 2 tháng cao điểm đã xử lý 85 vụ vi phạm, thu phạt 529 triệu đồng; huyện Đầm Hà xử lý 15 vụ vi phạm, thu phạt 112 triệu đồng…

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại hồ Tràng Vinh (TP Móng Cái). Ảnh Hùng Sơn

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại hồ Tràng Vinh (TP Móng Cái). Ảnh Hùng Sơn

Đặc biệt các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân trên biển, cũng như người dân đánh bắt thuỷ sản ở các khe suối vùng cao. TX Quảng Yên có đến 8.000 ngư dân và 2.800 phương tiện khai thác thuỷ sản, lớn nhất tỉnh là địa phương làm tốt nhất nội dung này. Quảng Yên dành nguồn kinh phí trên 300 triệu đồng “đặt hàng” các tổ chức hội, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền hội viên của mình; trực tiếp thực hiện 15 hội nghị gặp gỡ, phổ biến quy định, đối thoại, giải đáp những thắc mắc của ngư dân; cho ngư dân ký cam kết…

Tính đến hết tháng 8 vừa qua, đã đảm bảo 100% ngư dân trên địa bàn nắm bắt được thông tin về đợt cao điểm ngăn chặn khai thác thuỷ sản tận diệt, cũng như quy định nhà nước liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Riêng huyện Hải Hà đã cấp kinh phí để hỗ trợ duy trì mạng lưới cộng tác viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Trong 2 tháng qua, các sở, ngành trong toàn tỉnh đã trực tiếp tuyên truyền cho hơn 1.200 lượt người; tổ chức 2 lớp tập huấn với 80 cán bộ tham gia; tổ chức ký cam kết với 11 nghiệp đoàn, tổ đội khai thác thuỷ sản, 961 chủ tàu và 40 hộ kinh doanh ngư cụ… về các nội dung quy định cấm trong khai thác thuỷ sản, kinh doanh ngư cụ. Báo Quảng Ninh đã đăng 36 tin, bài, phóng sự chuyên đề phản ánh về công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản toàn tỉnh. Toàn tỉnh in ấn, cấp phát 2.200 bộ tài liệu, 16.000 tờ rơi các quy định về hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hiện hành cho ngư dân. Dự kiến đến hết tháng 12/2017 sẽ in ấn và cấp phát thêm 20.000 bộ tờ rơi tuyên truyền.

Tỉnh cũng đã công khai đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đến người dân, qua đó đã tiếp nhận nhiều tin báo có giá trị trong khai thác thuỷ sản. Bên cạnh đó, đây là kênh giải đáp, tư vấn kiến thức pháp luật liên quan lĩnh vực khai thác thuỷ sản. Trong 2 tháng qua, các đơn vị trong tỉnh cũng đã tổ chức thả con giống thuỷ sản tại các hồ, đập lớn nhằm tái tạo quần đàn của các loài thuỷ sản ở các thuỷ vực nước ngọt nội địa…

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trực tiếp đi thả gần 200.000 con cá giống nước ngọt xuống 9 hồ chứa trên toàn tỉnh, gồm: Hồ Tràng Vinh (Móng Cái), Đầm Hà Động (Đầm Hà), Khe Cát (Tiên Yên), Cao Vân, An Biên (Hoành Bồ), Yên Lập (Quảng Yên), Yên Trung (Uông Bí), Khe Chè, Trại Lốc (Đông Triều). Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Đồng thời kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm đối với các đối tượng cố tình khai thác thuỷ sản mang tính tận diệt… 

Tiếp tục tháo gỡ bất cập

Có thể thấy, với sự vào cuộc của các cấp, ngành từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn, công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bước đầu có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực tế triển khai đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập cần được xử lý.

Đồng chí Hà Vân Giang, Chi Cục Phó Chi Cục Thuỷ sản tỉnh, cho biết: Hiện nhiều quy định của pháp luật chưa theo kịp với thực tế khai thác thuỷ sản hiện nay, ví như danh mục ngư cụ có khả năng khai thác thuỷ sản huỷ diệt còn thiếu. Một số ngư cụ quy định cấm nhưng không triệt để. Đơn cử như lồng bát quái, từ năm 2014 đến nay, được phép của Bộ NN&PTNT, Quảng Ninh mới chỉ cấm trong khu vực nội đồng và ven bờ nên rất khó quản lý. Bởi vậy theo Chi Cục Phó Chi Cục Thuỷ sản tỉnh, cần cấm bổ sung nghề lồng bát quái trên phạm vi các thuỷ vực tự nhiên nội đồng, sông suối và trên biển, bao gồm cả vận chuyển, sản xuất, buôn bán và ở bất cứ kích thước lưới nào; chỉ cho phép sử dụng trong nuôi trồng.

Lực lượng chức năng huyện Hải Hà nhắc nhở một trường hợp ngư dân tàng trữ lồng bát quái trên thuyền khai thác. Ảnh: Thanh Trường (CTV)

Lực lượng chức năng huyện Hải Hà nhắc nhở một trường hợp ngư dân tàng trữ lồng bát quái trên thuyền khai thác. Ảnh: Thanh Trường (CTV)

Bên cạnh đó, lực lượng thực hiện công tác bảo vệ thuỷ sản hiện nay ngoài biên phòng chỉ có thanh tra chuyên ngành Thuỷ sản. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành Thuỷ sản theo Luật Thanh tra, hằng năm phải xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra, chế độ làm việc kiêm nhiệm và thiếu thẩm quyền xử lý. Bởi vậy không phù hợp với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên trên biển, không có tính chủ động, kịp thời như các lực lượng chuyên trách. Trong khi đó, Quảng Ninh là một trong 4 ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước, có bờ biển dài đến 250km, diện tích mặt biển trên 6.000km2, trong đó có trên 43.000ha rừng ngập mặn và bãi triều; 21.800ha chương bãi, cồn rạn, vịnh kín gió; hơn 5.300ha bãi triều nằm ở tuyến cao triều… Với địa bàn rộng như vậy, rất khó khăn cho lực lượng thực hiện công tác bảo vệ thuỷ sản thực thi nhiệm vụ.

Trước tình hình này, theo ông Bùi Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh, Quảng Ninh cần có lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh để chuyên trách xử lý vi phạm trên biển, trong đó có khai thác thuỷ sản. Bên cạnh đó, về lâu dài, tỉnh cần tập trung xây dựng và thực hiện chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân; có chính sách giải bản tàu cá công suất nhỏ không đủ điều kiện hoạt động; cơ chế trích lại kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản cho các địa phương để đầu tư, nâng cao thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ công tác thanh, kiểm tra trên biển; quy định cấm khai thác thuỷ sản ven bờ trong mùa sinh sản; quy định tạm thời đăng ký cho các đối tượng bè phương tiện bằng các chất liệu mới…

Việt Hoa

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!