Trà Vinh: Dân đổ xô nuôi cá lóc, chính quyền loay hoay

Chưa có đánh giá về bài viết

Thực trạng này không chỉ phá vỡ quy hoạch, cơ cấu mùa vụ mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi môi trường nuôi ngày xuống cấp.

Tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng đào ao nuôi cá lóc đã diễn ra từ nhiều năm nay, đặc biệt vài tháng trở lại đây diễn ra rầm rộ trong khi ngành chức năng vẫn gặp khó trong việc quản lý.

Anh Lê Văn An ở xã Lưu Nghiệp Anh (Trà Vinh) đã hơn 20 năm gắn bó với cây mía nhưng kinh tế gia đình không khá nổi nên quyết định phá bỏ 5 công mía để đào ao nuôi cá lóc. Để có thể biến ruộng mía thành ao cá, anh phải bỏ ra gần trăm triệu đồng từ vốn vay ngân hàng. Đầu tư số tiền lớn, nhưng anh không có cơ sở nào để tin rằng đồng vốn mình bỏ ra sẽ chắc chắn mang lại hiệu quả.

 

Ao cá lóc bị ô nhiễm vì không có kênh thoát nước

“Mía bây giờ không có, giá bấp bên quá, thành thử gia đình tôi chuyển qua nuôi cá lóc vì thấy lợi nhuận cao hơn. Bây giờ theo phong trào, thấy nuôi có lợi nhuận cao thì gia đình tự phát múc hầm nuôi thôi”- anh Lê Văn An tâm sự.

Nhiều người đổ xô đào ao nuôi các lóc là vì gần 3 tháng nay giá cá lóc ổn định ở mức khá cao, từ 40.000 đồng đến 42.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau 5 tháng nuôi, nông dân thu lãi từ 80 triệu đến 100 triệu đồng/1.000m2 mặt nước. Trong khi trồng lúa hoặc mía cùng diện tích chỉ thu lãi từ 3-5 triệu đồng, thậm chí còn bị lỗ vốn. Từ lợi nhuận quá hấp dẫn, chỉ tính từ giữa tháng 8 đến nay, diện tích nuôi cá lóc tại huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã tăng lên gần 300ha, gấp đôi so với năm ngoái. Tuy nhiên phong trào nuôi cá lóc nói trên chủ yếu do tự phát, ngoài quy hoạch, vì thế, nếu diện tích nuôi không được cân nhắc tính toán sẽ dấn tới môi trường bị ô nhiễm. Bên cạnh đó đầu ra của các lóc chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chưa có ký kết xuất khẩu, giá biến động liên tục.

Ông Ngô Văn Nghiêm ở xã Định An, người có hơn 5 năm nuôi cá lóc cho biết: “Nông dân nuôi đạt thì có lời nếu không đạt thì thâm. Hồi đó thì ít hộ nhưng bây giờ quá nhiều. Việc nuôi cá lóc mở rộng khiến nguồn nước càng bị ô nhiễm”.

 

Người dân đào ao nuôi cá lóc

Dù biết tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng chính quyền địa phương vẫn loay hoay chưa có hướng giải quyết. Đây là vùng đất nhiễm mặn, thủy lợi chưa hoàn chỉnh, hiệu quả sản xuất rất thấp nhưng không thể đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi vì khu vực này nằm trong vùng quy hoạch khu kinh tế mở định hướng năm 2020 của Chính phủ. Do đó ngành chức năng chỉ có thể đưa ra khuyến cáo, vận động người dân không mở rộng diện tích. Tuy nhiên  vào thời điểm người nuôi thu lãi cao thì những khuyến cáo này hoàn toàn vô tác dụng.

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Trà Cú cho biết: “Trước tình hình nuôi tự phát như vậy, huyện gặp nhiều khó khăn. Cái thứ nhất chúng tôi không quy hoạch được vùng nuôi vì đây là khu Kinh tế mở Định An không thể quy hoạch chồng lên quy hoạch do đó hệ thống thủy lợi không đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Hướng tới khi khu kinh tế mở Định An dần dần phát triển, huyện đề xuất với các ngành liên quan quy hoạch lại vùng nuôi mà chức chắc vùng nuôi này nằm ngoài khu kinh tế mở Định An”.

Sản xuất có lãi, thu nhập tăng lên là điều đáng mừng, nhưng sản xuất thiếu bền vững chạy theo lợi nhuận trước mắt thì người nông dân đã có nhiều bài học đau xót từ khoai lang tím, dưa hấu, nuôi cá rô đầu vuông… Khi đã bỏ vốn ra đào ao, nếu nuôi không đạt hiệu quả thì chỉ có cách bỏ hoang. Vì vậy địa phương cần sớm đưa ra chủ trương rõ ràng để tránh hậu quả xấu cho người nông dân.

Sa Oanh

VOV Online

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!