T2, 06/07/2020 01:08

Trách nhiệm phát triển nghề cá bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, Khánh Hòa không còn tàu cá vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp. Khắc phục “thẻ vàng” Thời gian qua, Khánh Hòa đã tích cực triển khai nhiều biện pháp khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu vào thị […]

Hiện nay, Khánh Hòa không còn tàu cá vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp.

Hiện nay, Khánh Hòa không còn tàu cá vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp.

Khắc phục “thẻ vàng”

Thời gian qua, Khánh Hòa đã tích cực triển khai nhiều biện pháp khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu vào thị trường này.

Ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đoàn công tác của EC vừa đến Việt Nam kiểm tra việc thực thi 9 khuyến nghị của EC đối với ngành Thủy sản Việt Nam. Tương tự các địa phương ven biển khác, sau khi EC giơ “thẻ vàng” cảnh báo, Khánh Hòa đã nỗ lực thực thi các khuyến nghị. Trong đó, nội dung được tỉnh tập trung là chống hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Cụ thể, Khánh Hòa đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản và các cơ quan hữu quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khắc phục, như: ban hành các kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục cảnh báo của EU; tổ chức tập huấn cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác hải sản về các quy định liên quan đến IUU. Đồng thời, yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng cam kết không xâm phạm trái phép vùng biển các nước để khai thác thủy sản, không khai thác các loài thủy sản nằm trong danh mục cấm khai thác; bắt buộc chủ tàu cá khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với trạm bờ của Chi cục Thủy sản… Tính đến ngày 23-4, Khánh Hòa đã tổ chức tập huấn tuyên truyền các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, hướng dẫn ghi chép nhật ký khai thác, báo cáo khai thác cho hơn 1.200 chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, địa phương đã thành lập 4 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá đặt tại các cảng: Đại Lãnh, Vĩnh Lương, Hòn Rớ và Đá Bạc. Để kiểm soát tốt các tàu cá hoạt động trên biển không xâm phạm vùng biển nước ngoài, bên cạnh việc theo dõi qua các trang thiết bị gắn trên tàu cá, Chi cục Thủy sản còn giám sát qua tin nhắn tàu cá gửi về trạm bờ của chi cục hàng ngày. Đặc biệt, chi cục đã đẩy mạnh việc thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển để hỗ trợ, giúp đỡ, cảnh báo, giám sát lẫn nhau trong quá trình khai thác ở các vùng biển, đặc biệt là tại các khu vực giáp ranh, chồng lấn giữa các nước.

Không còn tàu cá vi phạm

Theo ông Chánh, đối với 9 khuyến nghị của EC, ngư dân Khánh Hòa vi phạm không nhiều. Trước đây, chỉ có một số ít tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng nhờ tập trung tuyên truyền, nhận thức của ngư dân đã thay đổi. Từ năm 2017 đến nay, không còn tàu cá nào của Khánh Hòa vi phạm quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp. Thực tế, qua các lần kiểm tra trước đây của EC tại các cảng cá, doanh nghiệp xuất khẩu hải sản trên địa bàn tỉnh đều khẳng định, Khánh Hòa cơ bản đảm bảo các quy định của EU về nguồn gốc hải sản xuất khẩu vào thị trường này. Việc thực thi tốt các khuyến nghị của EC là biện pháp hữu hiệu để phát triển nghề cá tỉnh theo hướng bền vững và trách nhiệm. Ngư dân Trần Văn Đông (Hòn Rớ, TP. Nha Trang) cho biết: “Qua tập huấn, tuyên truyền của các ngành chức năng, chúng tôi đã thay đổi nhận thức từ việc tuân thủ quy định khai thác ở các vùng biển của Việt Nam; bật thiết bị định vị tàu cá liên tục để khi tàu cá có nguy cơ đi vào vùng biển chồng lấn sẽ được cảnh báo kịp thời; nhật ký khai thác đã được ghi đầy đủ…”.

Đối với việc xác nhận nguồn gốc hải sản, từ khi đi vào hoạt động đến nay, các văn phòng đại diện đặt tại các cảng cá đã đảm bảo 100% tàu cá được kiểm tra hồ sơ giấy tờ và kiểm tra thực tế khi tàu xuất bến, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu nằm trong danh sách vi phạm, các tàu có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt thủy sản ở vùng biển nước ngoài, nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước. 100% tàu cá được kiểm tra, giám sát, khai báo khi cập cảng; thu nộp nhật ký khai thác; kiểm tra các thông tin ghi trong sổ nhật ký với sản lượng khai thác được; kiểm tra ngư cụ, kích thước mắt lưới. Đồng thời, đảm bảo kiểm tra, thanh tra tại cảng ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với sản phẩm khai thác khác như: cá đáy, cua, ghẹ, cá nổi nhỏ theo khuyến nghị của EC.

Bích La

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!