Trắng tay sau mưa lũ

Chưa có đánh giá về bài viết

Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua khiến 80 người thiệt mạng, 23 người vẫn đang mất tích và nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản bị ảnh hưởng; gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung bộ. Hiện, các địa phương đang tích cực khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Nuôi tôm thất bát sau mưa lũ Ảnh: CTV

Nuôi tôm thất bát sau mưa lũ Ảnh: CTV

Theo báo cáo của các địa phương, đến 19/10, trận mưa lũ lịch sử cướp đi sinh mạng của 80 người (trong đó Hòa Bình: 29 người, Yên Bái: 17, Sơn La: 6, Hà Nội: 2, Thanh Hóa: 16, Nghệ An: 9, Quảng Trị: 1). 23 người hiện vẫn mất tích (Sơn La: 2 người, Yên Bái: 11, Hòa Bình 5, Thanh Hóa: 5). Thiệt hại về người của đợt mưa lũ trung tuần tháng 10 gấp hàng chục lần so cơn bão số 10 đi qua các tỉnh miền Trung vào tháng 9 (4 người tử vong).

Hòa Bình

Ngày 19/10, UBND tỉnh Hòa Bình họp báo để thông tin về tình hình thiệt hại do mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh trong tháng 10/2017. Toàn tỉnh có 34 người chết, mất tích, trong đó đã tìm thấy 29 thi thể nạn nhân, còn 5 nạn nhân ở huyện Đà Bắc chưa tìm thấy; 12 người bị thương. Riêng tại huyện Tân Lạc, mưa lũ đã gây sạt lở, khiến 18 người bị vùi lấp, tử vong. Các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Kỳ Sơn có trên 3.100 hộ dân bị ngập lụt, mức ngập 1 – 3 m; trên 900 hộ bị sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở phải di dời. Đến ngày 19/10, ước tổng thiệt hại toàn tỉnh là 1.630 tỷ đồng.

Phú Thọ

Đã hơn nửa tháng trôi qua kể từ khi cơn lũ trên sông Bứa càn quét xóm ven sông xã Quang Húc, huyện Tam Nông, khung cảnh trong làng vẫn trong tình trạng hoang tàn, đìu hiu. Thiệt hại nặng nề nhất vẫn là các hộ nuôi cá lồng trên sông Bứa. Chỉ sau một đêm, 30 lồng cá nuôi tập trung của 6 hộ dân ở đây gần như bị “xóa sổ” hoàn toàn. Toàn bộ số cá trong lồng ước gần 40 – 50 tấn đều bị cuốn theo dòng nước lũ, một số lồng còn lại cá bị sặc bùn, thiếu ôxy dẫn đến chết hàng loạt. Thời điểm lũ dâng, trong các lồng chủ yếu là cá lăng, cá điêu hồng, cá trắm… trọng lượng 1,2 – 1,5 kg/con. Trong khi chỉ khoảng hơn 1 tháng nữa, khi cá có thể xuất bán, mỗi hộ sẽ thu về hàng trăm triệu đồng.

Thái Bình

Sau đợt mưa lũ vừa qua, hàng chục tấn cá lăng, cá điêu hồng cho giá trị cao của hộ ông Phạm Văn Thư và Phạm Văn Chiến ở xã Hồng Phong (huyện Vũ Thư) đồng loạt chết trắng bụng. Khi Thủy điện Hòa Bình buộc phải xả lũ trong những ngày đầu tháng 10 với lưu lượng lớn xuống hạ lưu đã làm toàn bộ lồng bè nuôi cá giá trị cao chết hàng loạt. 65.000 con điêu hồng mới được thả nuôi từ tháng 4 hiện đã chết sạch. Xót xa nhất, khoảng 3.000 con cá lăng thương phẩm được thả nuôi từ đầu năm 2016 chuẩn bị bán cho thương lái (có trọng lượng 4 – 5 kg/con), giờ mất trắng do sặc nước. Tổng số cá trong 13 lồng bè bị chết lên tới 78,5 tấn, trong đó, 65 tấn cá điêu hồng, còn lại là cá lăng. Với thời giá xuất tại lồng bè là 50.000 đồng/kg cá điêu hồng và 70.000 đồng/kg cá lăng thì số tiền thiệt hại của hai hộ dân xã Hồng Phong phải gánh chịu là rất lớn.

Thanh Hóa

Theo UBND huyện Vĩnh Lộc, đợt mưa lũ vừa qua đã gây ngập úng gần hết diện tích hoa màu, thủy sản và thiệt hại nặng cơ sở hạ tầng của các xã trên địa bàn huyện. Với 70% diện tích nuôi thủy sản (564,8 ha), trong đó, Vĩnh Hưng là xã bị thiệt hại nặng nề nhất; tất cả tôm, cá, hoa màu… của người dân đã chìm trong nước. Báo cáo thống kê của UBND xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tình trạng ngập úng trong những ngày qua đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ 250 ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản, trong đó khu vực nội đê chiếm 159 ha, ngoại đê 61,5 ha, 30 ha còn lại nuôi cá truyền thống. Nghiêm trọng hơn, tất cả 256,5 ha nuôi ngao ở khu vực vùng triều của 178 hộ vẫn đang chìm sâu trong bùn lầy, nguy cơ mất trắng hiển hiện trước mắt.

Nghệ An

Sau bão số 10 và trận lũ vừa qua, hàng chục hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc cũng chỉ còn những đầm không. Những hồ đập bạt tốc trắng bờ cát, bể khô khốc không giọt nước, các chủ hồ nuôi cũng không thèm ngó tới bởi đã trắng tay. Đôi ba hồ còn lại, người dân đang cố sửa chữa từ những thứ còn sót lại để đổ lại giống đợt mới mong vớt vát được phần nào đó. Anh Trần Văn Bình (xóm 5, xã Nghi Tiến) là một trong những chủ hồ có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lớn nhất tại đây với diện tích 6 hồ 5,1 ha. Sau cơn bão số 10, anh thả nuôi hơn 50 vạn tôm giống trên diện tích hơn 6.000 m2 chưa được 15 ngày thì đợt lũ giữa tháng 10 ập đến; toàn bộ hồ nuôi và số tôm vừa thả lại bị nước lũ kèm nước triều từ biển dâng vào cuốn trôi ra biển.

Hà Tĩnh

Cũng do mưa lớn, nhiều diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị ”sốc” nước, chết hàng loạt, nhiều hộ phải thu hoạch sớm để vớt vát được ít nào hay ít đó. Mưa lớn suốt cả hơn hai tuần giữa tháng 10 đã khiến nguồn nước trong ao nuôi bị ngọt hóa, ông Nguyễn Văn Mại (xã Hộ Độ, Lộc Hà) phải thường xuyên tăng thêm lượng muối để duy trì môi trường sống cho con tôm. Mỗi ngày ông phải đổ cả tấn muối xuống 5 ao nuôi cho hơn 1,5 triệu con tôm với cỡ 200 con/kg. Thế nhưng tôm nuôi của ông hiện rất lười ăn và bắt đầu yếu dần. Nếu tiếp tục xảy ra mưa lớn thì chắc phải thu hoạch “non” mới hy vọng vớt vát được ít tiền giống.

>> Đại diện Công ty Grobest tại Hà Tĩnh cho biết, sóng biển dữ dội tàn phá toàn bộ hệ chắn sóng nuôi tôm của Công ty. Đê vỡ khiến nước biển tràn vào san bằng toàn bộ khu vực nuôi tôm có 28 hồ với khoảng 60 tấn thương phẩm, thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Cùng đó, là tình trạng biển xâm thực diễn ra mạnh, nếu muốn khắc phục lại hệ thống kè này phải khảo sát, thiết kế lại từ đầu  và cần một nguồn kinh phí lớn.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!