Triển khai Đề án 52 tại Quảng Nam: Chất lượng dân số đã cải thiện

Chưa có đánh giá về bài viết

Qua 5 năm thực hiện Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) tại 49 xã ở 6 huyện, thành phố ven biển tỉnh Quảng Nam, nhiều lợi ích thiệt thực đã được đem lại cho người dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống được nâng lên.

Nâng cao năng lực truyền thông

Quảng Nam có 6/18 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển với diện tích tự nhiên 1.588 km2, dân số khoảng 910.000 người (số liệu thống kê năm 2013), chiếm 58% dân số cả tỉnh. Nhằm nâng cao nhận thức về công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (DS – KHHGĐ/SKSS), Ban quản lý Đề án 52 tỉnh và Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm DS – KHHGĐ và các địa phương tổ chức đồng bộ nhiều hoạt động truyền thông, hội nghị chuyên đề về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về DS – KHHGĐ, mất cân bằng giới tính khi sinh cho cán bộ địa phương, các ngành, đoàn thể thành viên. Đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp hoặc thảo luận nhóm, phát thanh – truyền hình và trực quan sinh động.

Truyền thông DS-KHHGĐ theo Đề án 52 tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam – Ảnh: Thạch Hà

Ông Huỳnh Thạnh – Trưởng phòng Truyền thông Chi cục DS – KHHGĐ Quảng Nam cho biết, từ năm 2009 đến nay, Ban quản lý Đề án 52 phối hợp với Chi cục tổ chức 619 lần truyền thông tại cộng đồng có lồng ghép với cung cấp dịch vụ; 1.570 lần thảo luận nhóm; gần 198.400 lượt cộng tác viên, cán bộ dân số tư vấn trực tiếp tại nhà đối tượng. Tại 49 xã triển khai Đề án 52 có đội ngũ cộng tác viên dân số ổn định với gần 830 thành viên. Những cộng tác viên dân số luôn theo sát tình hình, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” gặp gỡ các ngư dân để tư vấn, giới thiệu, cung cấp các phương tiện tránh thai. “Mưa dầm thấm lâu”, vượt qua những trở ngại ban đầu, dần dà, ý thức thực hiện các chính sách DS – KHHGĐ của cư dân vùng biển cũng có sự chuyển biến. Chị Phạm Thị Mỹ Hương, ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp (TP. Hội An) tâm sự: “Mỗi năm, chị em được tham gia 2 – 3 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ do Đề án 52 triển khai. Qua đó, chị em hiểu về tình dục an toàn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Từ đó chị em quê biển chúng tôi thay đổi nhận thức, tự giác thực hiện quy mô gia đình nhỏ có 1 hoặc 2 con”.

 

Cải thiện dịch vụ KHHGĐ/SKSS

Công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở 49 xã vùng thuộc Đề án 52 đạt được những kết quả rất khả quan. Đã có hơn 29.000 bà mẹ được khám khai; gần 129.000 trẻ em được khám sức khỏe; 43.000/182.000 lượt phụ nữ khám phụ khoa được điều trị. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở 49 xã vùng dự án sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng lên. Đến cuối năm 2014, tổng số người sử dụng các biện pháp tránh thai là 46.512 người. Trong đó, có 1.844 người tự nguyện triệt sản; gần 36.000 phụ nữ đặt vòng tránh thai; 376 người cấy thuốc tránh thai, số còn lại là thuốc uống tránh thai và dùng bao cao su. Tỷ lệ chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 65%.

Hàng ngàn lượt phụ nữ vùng biển, đảo và ven biển Quảng Nam được tư vấn dịch vụ KHHGĐ/SKSS

Để nâng cao chất lượng dân số khi sinh, các xã, phường, thị trấn triển khai Đề án 52 kết hợp với trạm y tế lập danh sách phụ nữ đang mang thai, phân loại và tổ chức khám thai, cấp viên sắt, tiêm phòng uốn ván; ngoài ra phát hiện, giới thiệu và chuyển tuyến trên những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao. Trong 5 năm qua, có trên 23.300 bà mẹ mang thai được tư vấn; 912 bà mẹ mang thai có các nguy cơ cao được lập danh sách quản lý; gần 21.500 phụ nữ có thai được khám thai 3 lần; 22.300 người được tiêm phòng uốn ván, trên 15.600 bà mẹ mang thai được cấp viên sắt. Theo ông Lương Đình Hải – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ Quảng Nam, Đề án 52 đã góp phần nâng cao chất lượng dân số thông qua việc phát hiện can thiệp sớm tật bệnh ở thai nhi và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Hàng chục ngàn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được được xét nghiệm soi tươi; khám và điều trị phụ khoa; xét nghiệm virut viêm gan B và siêu âm tầm soát ung thư cổ tử cung. Nhìn chung, hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS cho các đối tượng thuộc Đề án 52 có chất lượng, đảm bảo an toàn, cải thiện chất lượng chăm sóc SKSS cho người dân và góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng biển, đảo và ven biển.

Tiến sỹ Mai Văn Mười – Chi Cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ Quảng Nam, Phó trưởng Ban Quản lý Đề án 52 tỉnh cho biết: “Để góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân vùng biển, đảo và ven biển, từ nay đến năm 2020, Đề án 52 tiếp tục tăng cường các mô hình, dự án thiết thực nhằm tăng cường hơn nữa các dịch vụ chăm sóc SKSS; tăng cường và nâng cao hiệu quả truyền thông lồng ghép dịch vụ ở vùng biển, đảo. Đồng thời, chúng tôi tập trung các giải pháp đồng bộ cùng với các cấp, các ngành duy trì bền vững mục tiêu giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con lần thứ ba trở lên và giảm tỷ suất khi sinh (bé trai/bé gái) ở vùng triển khai Đề án”.

>> Vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Quảng Nam có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng và chiến lược phát triển dân số của tỉnh. Chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống của người dân vùng biển, đảo và ven biển được nâng cao sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Thạch Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!