Triển khai Nghị định 67: Ngư dân vẫn chưa được hưởng lợi

Chưa có đánh giá về bài viết

Đến thời điểm này, việc triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về “một số chính sách phát triển thủy sản” đã ban hành được nhiều Quyết định và Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc thực thi do chưa hiểu hết một số quy định, hướng dẫn đó; còn ngư dân thì chưa tiếp cận được nguồn vốn.

Kịp thời và đúng đắn

Nghị định 67 đã quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta.

Cụ thể, các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên. Đặc biệt, Nghị định đã khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn vỏ thép/vật liệu mới, với thời gian vay 11 năm, lãi suất ưu đãi chỉ 1 – 3%/ năm.

Ngay sau khi Nghị định 67 có hiệu lực từ ngày 25/8/2014, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 25/2014/TT-BNNPTNT quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu cá, Thông tư số 26/2014/TT-BNNPTNT quy định yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá và Thông tư số 27/2014/TT-BNNPTNT quy định về nội dung và định mức duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép được hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP… nhằm cụ thể hóa, sớm đưa chính sách vào cuộc sống.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cũng như chính những ngư dân được thụ hưởng chính sách thì Nghị định 67 của Chính phủ là một chính sách đúng đắn, đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn của đánh bắt thủy sản xa bờ.

Thực tế, ngay sau khi Nghị định 67 được ban hành, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các địa phương cũng đã nỗ lực triển khai các giải pháp để sớm đưa nghị định vào cuộc sống. Nhiều hội nghị, hội thảo quy mô cấp quốc gia, cấp tỉnh đã được tổ chức tại Khánh Hòa, Đà Nẵng… để hướng dẫn triển khai chính sách này.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, các nội dung hiện nay của Nghị định 67 đã được Chính phủ, Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc, xem xét trên nhiều mặt, thảo luận kỹ, cẩn trọng, nhiều lần, rút kinh nghiệm từ việc triển khai các chính sách hỗ trợ đóng tàu trước đây.

“Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành nhiều lần trực tiếp đi khảo sát thực tế tại địa phương, gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo địa phương, với bà con ngư dân sở hữu tàu, trực tiếp đánh bắt thủy sản để đưa ra những quy định phù hợp nhất…”, Phó Thủ tướng thông tin.

Chủ trương của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, hết sức kịp thời. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách lại đang gặp một số vấn đề khó khăn, vướng mắc  khiến các địa phương tỏ ra lúng túng.

 

Nhiều địa phương khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép – Ảnh: Nguyễn Huy

Nhiều điểm chưa rõ

Theo ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thì trong các Thông tư hướng dẫn mà Bộ NN&PTNN ban hành chưa làm rõ khái niệm thế nào là hoạt động khai thác hải sản xa bờ, có khả năng tài chính, đang hoạt động nghề cá hiệu quả. “Cần làm rõ khái niệm này với tiêu chí và điều kiện cụ thể để tránh việc các ngân hàng và tỉnh triển khai phê duyệt danh sách và cho vay không đúng mục tiêu và chủ trương”, ông Viết kiến nghị.

Cũng liên quan đến những quy định, điều kiện cho vay tín dụng ưu đãi, nhiều người chưa nắm được phải cần những điều kiện gì, quy định gì, phương án kinh doanh như thế nào mới được tiếp cận nguồn vốn này.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, chính ông còn chưa rõ các quy định cho vay này huống gì ngư dân. “Phương án kinh doanh được đưa ra trong thông tư hướng dẫn là chủ tàu chịu hay đơn vị nào chịu? Chỉ nói là phương án kinh doanh khả thi nhưng có hiệu quả không?”, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 67 là khuyến khích đóng mới tàu đánh bắt xa bờ có công suất máy chính từ 400 CV trở lên, hoặc đối với tàu có công suất dưới 400 CV thì phải nâng cấp máy chính từ 400 CV trở lên. Rồi thì chủ phương tiện phải hoạt động có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể, được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Rõ ràng, với những quy định trên, áp dụng vào tình hình thực tế của địa phương, ngư dân sẽ khó có thể tiếp cận được vốn vay theo nghị định này. Bởi ai cũng biết, hầu hết phương tiện đánh bắt khai thác trên địa bàn đều có công suất nhỏ, tàu có công suất cao nhất cũng chỉ đạt ở mức 200 CV. Bên cạnh đó, hoàn cảnh kinh tế gia đình của ngư dân còn nhiều khó khăn nên họ sẽ khó đáp ứng được yêu cầu về tài chính. Và đương nhiên, việc đóng mới tàu cá sẽ gặp khó và càng khó khăn hơn khi các tàu nhỏ nâng cấp để khai thác xa bờ.

Ông Phan Hiển, Chủ nhiệm HTX dịch vụ và khai thác hải sản xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ, ngư dân chỉ được giải thích và hướng dẫn về lãi suất cho vay ưu đãi theo các loại công suất tàu, vật liệu tàu, ngoài ra không biết gì hơn, nên hiên vẫn chưa ai tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

Được biết, đến thời điểm này, tất cả những khó khăn, vướng mắc của Nghị định 67 đang được các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước tổng hợp, xem xét và tìm giải pháp để hiện thực hóa, giải quyết những bất cập mà địa phương phản ánh.

Riêng các quy định về thủ tục vay vốn, tại một cuộc họp mới đây tại Đà Nẵng, chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Chính sách đã có rồi, không thể để ngư dân, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn. Vướng ở đâu, ngân hàng phải tìm biện pháp tháo gỡ ngay ở đó”.

>> Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế: về vấn đề vốn tín dụng ưu đãi, ngành Ngân hàng cam kết đảm bảo đủ nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của bà con ngư dân đóng mới trên 2.000 tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.

Hoàng Lan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!