T2, 06/07/2020 12:43

Triệt để ngăn chặn khai thác trái phép

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước tình trạng ngư dân đưa tàu đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài diễn ra ngày càng nghiêm trọng, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành lệnh khẩn để giảm thiểu và chấm dứt vấn nạn này.


Khó theo dõi sát

Từ cuối năm 2015 đến nay, tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm lãnh hải nước bạn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang.

Thời gian gần đây, do việc xuất khẩu thủy sản đánh bắt tăng mạnh và rất được giá đã khiến một số ngư dân quá ham đánh bắt mà đi vào lãnh hải một số quốc gia, khiến số vụ vi phạm bị nước bạn bắt giữ có chiều hướng tăng. Tại các vùng biển chồng lấn, rất nhiều tàu cá thuộc nhiều quốc tịch, thậm chí không rõ quốc tịch cùng khai thác chứ không riêng gì tàu cá của Việt Nam. Cùng đó, việc mua bán thủy hải sản trên biển cũng nhộn nhịp, khiến các tàu cá Việt Nam dễ bị cuốn theo tàu của nước khác đánh bắt tại các vùng biển chồng lấn và xâm nhập sâu vào lãnh hải các nước, gây ra sự phản ứng từ phía ngư dân nước bạn và các bộ phận kiểm ngư của họ ngăn chặn quyết liệt.

Mặt khác, theo quy định, các tàu cá khai thác hải sản xa bờ phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của pháp luật Việt Nam, mở máy hoạt động 24/24 giờ để cơ quan chức năng quản lý, giám sát. Các tổ chức nghề nghiệp cũng luôn khuyến cáo nhắc nhở các tàu thuyền chỉ đánh bắt trong hải phận quốc tế. Song thực tế, một số chủ tàu đánh bắt xa bờ cho phóng viên biết: “Do mải đi theo các luồng cá nên một số tàu cá của ta đã tiến vào lãnh hải các nước và bị phía bạn bắt giữ”.

Gỡ khó cho quản lý và ngư dân

Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ  đã có Chỉ thị số 689/CT-TTg về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Lần này, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung giải quyết một số việc cấp bách để hạn chế đến mức thấp nhất việc tàu cá Việt Nam khai thác trên lãnh hải nước bạn.

Với trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng cao thì việc đánh bắt trên các ngư trường quốc tế ở xa bờ là xu hướng tất yếu và thể hiện sự lớn mạnh của nghề cá Việt Nam. Tín hiệu vui cho bà con ngư dân, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan sớm tăng cường đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác về thủy sản và tổ chức cho ngư dân đi khai thác thủy sản hợp pháp tại một số nước, thiết lập đường dây nóng chống đánh bắt bất hợp pháp, tuần tra chung với các nước có biển liên quan.

Chính phủ cũng đang rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện, triển khai đồng bộ các chương trình, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành thủy sản, trong đó có Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản; Kế hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến 2020; Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chính sách phát triển thủy sản, khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Hàng năm một số nước, điển hình như Hàn Quốc, tuyển dụng nhiều lao động nghề cá Việt Nam trong lĩnh vực khai thác. Phía Nhật Bản cũng thường sang Việt Nam tư vấn để các ngư dân đánh bắt bán sản phẩm cho họ. Thay vì đánh bắt tại các vùng biển chồng lấn để bán sản phẩm cho thương lái nước ngoài ngay trên biển rồi bị bắt giữ, với đội ngũ đánh bắt xa bờ thuộc loại “thiện chiến”, Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác với các nước trong lĩnh vực khai thác ở nhiều ngư trường, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và uy tín cho nghề cá Việt Nam.

>> Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Hồng Cẩn: Ngư trường quốc tế và ngư trường của các nước là rất rộng và nhu cầu đánh bắt thủy hải sản của thế giới là rất lớn. Nếu Việt Nam xây dựng những đội tàu đánh bắt tốt, lợi thế về nhân công có trình độ, hoàn toàn có thể phối hợp khai thác với các nước tại một số vùng biển của nước bạn.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!