Triệu phú tôm càng xanh

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, nhờ phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm càng xanh, nên nhiều nông dân ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã thoát được cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu.

Ông Hứa Văn Điển (SN 1958) ngụ ấp Long Thành, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông là một trong những nông dân điển hình, dám nghĩ dám làm và thành công với mô hình nuôi tôm càng xanh. Lần đầu tiếp xúc, nhiều người rất dễ lầm tưởng ông Điển là người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành thủy sản bởi kiến thức và sự am tường về kỹ thuật nuôi tôm của ông. Tuy nhiên, ông Điển vốn là một nông dân có ý chí cầu tiến và lòng đam mê đối với con tôm càng xanh.

Ruộng tôm càng xanh mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Điển

Ông Điển tâm sự, cái duyên để ông gắn bó với tôm càng xanh hơn 10 năm nay là năm 2003, tình cờ trong 1 bản tin thời sự, ông thấy ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang có mô hình nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi cho hiệu quả kinh tế cao. Thế là ông có suy nghĩ: “Ở An Giang mùa lũ cũng không khác ở quê mình, sao người ta có thể tận dụng để làm giàu, còn mình thì cứ bỏ đất trống”.

Nghĩ là làm, ông khăn gói qua An Giang học tập kinh nghiệm. Năm đầu tiên ông về nuôi thử nghiệm trên 2ha, dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng sau mùa nước lũ năm 2004 ông thu lãi trên 150 triệu đồng. Ở thời điểm này, đưa ra quyết định nuôi tôm vào mùa lũ của ông Điển được xem là một trong những quyết định mạo hiểm và táo bạo. Cũng từ đó, nhiều nông dân ở huyện Tam Nông mạnh dạn phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi, góp phần cải thiện thu nhập cho nhiều nông hộ.

Không dừng lại với những thành công ban đầu, với ý chí không ngừng học tập kinh nghiệm nuôi tôm. Hơn 10 năm qua, ông Điển đã đi nhiều nơi học tập kỹ thuật sản xuất mới và đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu cho nghề nuôi tôm càng xanh.

Theo tính toán của ông Điển, nuôi thủy sản nói chung và nuôi tôm càng xanh nói riêng cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này khá cao và mô hình dễ thất bại nếu người nuôi không nắm vững kỹ thuật. Với kinh nghiệm 10 năm trong nghề ông Điển đúc kết: “Con giống và môi trường nước là hai yếu tố vô cùng quan trọng mà người nuôi tôm cần phải nắm. Tôm càng xanh dễ nuôi, song những năm gần đây do chất lượng tôm giống không tốt, thêm vào đó nguồn nước sông bị nhiễm các loại thuốc hóa học từ ruộng lúa thải ra, nên đã gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi”.

Nhờ đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, đến nay gia đình ông Hứa Văn Điển vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo, trở thành một trong những nông dân điển hình của huyện Tam Nông. Ông được UBND tỉnh Đồng Tháp phong tặng danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền.

Hiện nay, bằng kỹ thuật cho tôm rã vụ quanh năm nên thu nhập từ sản xuất tôm của gia đình ông Điển rất cao. Trung bình với 7ha đất mặt nước, ông có thể cung cấp cho thị trường 13 – 14 tấn tôm thương phẩm/năm, thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng mỗi năm. Nhờ làm ăn hiệu quả nên gia đình ông mua thêm được 3ha đất chuyên canh tác lúa, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Không những là một nông dân làm kinh tế giỏi, ông Điển còn được đông đảo bà con nông dân quý mến bởi sự chân chất, nhiệt tình giúp đỡ bà con lối xóm cùng nhau phát triển kinh tế. Ông Huỳnh Thanh Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thành A cho biết: “Dù là người có công rất lớn trong phát triển và nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh ở xã, song anh Điển lại là một người rất hòa đồng và nhiệt tình với bà con lối xóm. Đáng quý hơn, đối với công tác xã hội anh rất nhiệt huyết, góp phần rất lớn trong công tác xã hội cho địa phương”.

Mỹ Lý

Báo Đồng Tháp Online

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!