Trở thành đại gia nhờ tin tưởng cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong khi nhiều hộ nông dân nuôi cá tra thua lỗ phải “treo ao” thì mỗi năm ông Nguyễn Văn Đời (Năm Đời) vẫn lãi bạc tỷ, trở thành tỷ phú cá tra giàu nhất xứ Cù lao Tân Phong.

Không ngại gian nan

đại gia cá tra - ảnh 1Là nông dân vùng sông nước miền Tây, cần cù, nhạy cảm với thị trường, ông Năm Đời (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) quyết tâm làm giàu từ con cá tra trên quê hương mình.

Ông Năm Đời kể: “Thấy tiềm năng từ con cá tra nên từ năm 2003 tôi đã quyết định đầu tư nuôi thâm canh đăng quầng ven sông Tiền với diện tích 5.000 m2. Ban đầu, do mới vào nghề, thiếu kinh nghiệm quản lý, vốn sản xuất, kinh nghiệm phòng trị bệnh cho cá, nhất là chưa nắm được kỹ thuật nuôi nên vụ đầu tiên thất bại nặng nề”.

Gian nan ngay vụ đầu nhưng không nản chí, ông khăn gói sang An Giang làm thuê cho các hộ nuôi cá để học hỏi kinh nghiệm thực tế hơn một năm. Sau đó, ông trở lại Tiền Giang, đào hai ao cá tra, mỗi ao khoảng 5.000 m2, tiếp tục ước mơ làm giàu với con cá tra.

Nhờ những kinh nghiệm học hỏi được trong quá trình làm thuê, cộng với việc chọn đúng mô hình nuôi nên ông đã quản lý tốt ao nuôi của mình, hạn chế được dịch bệnh, tỷ lệ cá hao hụt ít nên giá thành nuôi ở mức hợp lý. Vấn đề còn lại là giá cả thị trường. Lần này may mắn đã mỉm cười với Năm Đời, khi giá thành nuôi cá năm 2005 chỉ khoảng 7.000 đồng/kg nhưng giá cá thu hoạch 14.500 – 17.500 đồng/kg, lợi nhuận thu được hơn 2 tỷ đồng.

Thắng lợi, ông mạnh dạn chuyển hết 6 ha đất vườn cây ăn trái sang nuôi cá, đồng thời mua thêm đất để mở rộng diện tích. Những năm 2006 – 2008, ông liên tục thắng lớn với lợi nhuận hàng chục tỷ đồng/năm.

Năm 2014 – 2015, không ít nông dân nuôi cá tra phải bỏ ao, chuyển sang nghề khác hay phải bán đất trả nợ thì Năm Đời lại mở rộng thêm hai ao nuôi cá tra. Hiện, ông có tổng cộng 13 ao nuôi cá tra thâm canh, mỗi ao khoảng 5.000 m2 ở Cồn Phú Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) và Cồn Lác, huyện Chợ Lách (Bến Tre). Ngoài ra còn 6 ha đất trồng nhãn Idol tại cù lao Tân Phong và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

 

Niềm tin tuyệt đối

Dẫn tôi tham quan hệ thống ao nuôi của mình, ông Năm Đời hào hứng chỉ từng công trình và giải thích: Mỗi ao sâu 3 – 3,5 m, với hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, đảm bảo nguồn nước trong ao luôn lưu thông, sạch, cấp đủ ôxy cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cá.

đại gia cá tra - ảnh 2

Nhiều hộ nuôi cá tra vẫn có lãi – Ảnh: Bảo Yến

Trước khi bắt đầu mỗi vụ nuôi, ông đều thuê nhân công vét đáy ao, diệt cá tạp, bón vôi xử lý mầm bệnh. Sau khi cải tạo ao thì lấy nước vào ao để chờ vụ nuôi mới. Về vật tư đầu vào, ông trực tiếp đi chọn con giống, mua thuốc, thức ăn trực tiếp từ công ty, chủ động được khâu kỹ thuật, sử dụng nhân công hợp lý nên giá thành nuôi chỉ 20.000 – 21.000 đồng/kg. Thời gian nuôi trung bình 9 – 10 tháng, tùy theo tình hình thị trường thì xuất bán cho các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu.

Theo ông Năm Đời, trong hoạt động nuôi cá tra thâm canh, cần quản lý tốt môi trường ao nuôi để hạn chế độc tố, vi khuẩn gây hại cho cá, đồng thời phải theo dõi chặt tình hình sức khỏe của cá để có biện pháp phòng trị bệnh kịp thời. Chính vì hiểu rõ con cá tra, cộng với việc nắm vững kỹ thuật nuôi nên cá của ông Năm Đời ít khi bị dịch bệnh, năng suất luôn đạt hơn 300 tấn/ha. “Nuôi cá tra chỉ sợ cá rớt giá thôi chứ chuyện kỹ thuật nuôi thì tôi rành”, ông Năm Đời cười hề hề.

Bước qua thời kỳ hoàng kim, nghề nuôi cá tra có dấu hiệu “tuột dốc” với tình trạng giá cả và đầu ra bấp bênh, không ít nông dân đã bỏ nghề, bán ao trả nợ hay chuyển sang nuôi đối tượng khác, nhưng ông Năm Đời chưa bao giờ có ý định bỏ ao nuôi bởi ông tin tiềm năng cá tra. “Tôi luôn tin rằng nghề nuôi cá tra sẽ đi vào nề nếp, người nuôi rồi sẽ có lợi nhuận xứng đáng với công sức đầu tư. Tâm niệm của tôi là đã đào ao thì phải cố gắng hết sức sao cho hiệu quả cao nhất”, ông Năm Đời chia sẻ.

 

Sẻ chia bí quyết làm giàu

Với kinh nghiệm nuôi cá tra hơn 10 năm, ông Năm Đời đúc kết: Để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu thì việc quản lý môi trường ao nuôi, quản lý sức khỏe cho cá là vô cùng quan trọng; trong đó cần chú ý khâu chọn giống, mật độ thả, không sử dụng hóa chất kháng sinh; nhất là cần áp dụng phương pháp cho cá ăn một ngày – nghỉ một ngày, hay cho cá ăn một ngày – nghỉ ba ngày; nếu giá cá thấp thì phải nuôi cầm chừng chờ giá. Việc áp dụng phương pháp cho ăn gián đoạn không chỉ giúp cá sử dụng hiệu quả thức ăn, giảm hệ số thức ăn mà còn hạn chế chất thải từ nuôi cá, giúp bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, “bí quyết” vượt khó quan trọng nhất của Năm Đời trong thời điểm ngành cá tra “tuột dốc” là liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để ổn định đầu ra cho sản phẩm và đảm bảo lợi nhuận.

Đã ngoài lục tuần nhưng ông Năm Đời vẫn còn nhiều hoài bão lớn với con cá tra, như: Sản xuất cá giống, thức ăn, nuôi cá và chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, ông tạm hài lòng với những thành quả đã đạt được, bởi như ông nói “nhìn lên không hơn mấy ai, nhưng nhìn xuống ít ai bằng mình”.

>> Ông Nguyễn Văn Đời: “Từ đầu năm 2015 đến nay, nhờ sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp tỉnh, tôi đang áp dụng VietGAP trong nuôi cá tra để từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay. Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ phấn đấu đáp ứng 104 tiêu chí để đạt chứng nhận VietGAP”.

Nguyễn Quang Trí

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!