Trung Quốc vẫn là “ngôi sao sáng”

Chưa có đánh giá về bài viết

Đất nước đông dân nhất thế giới này đang được nhiều nhà quan sát quốc tế coi là một siêu quyền lực mới trên thị trường thủy sản. Năm 2018, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này hứa hẹn nhiều triển vọng tươi sáng.


Thị trường quan trọng

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc từ 1/1 – 15/12/2017 đạt 1,23 tỷ USD, tăng 51,4% so năm 2016. Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, sau EU, Mỹ và Nhật Bản. Riêng về mức tăng trưởng, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu trong số 10 thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam và bỏ xa mức tăng trưởng của thị trường đứng thứ 3 là Nhật Bản (tăng 18,8%).

Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu tôm, cá tra Việt Nam sang Trung Quốc trong những năm tới vẫn có dư địa tăng trưởng ở 2 con số. Riêng với cá tra, TS Yang Yong, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Guangzhou Nutriera Biotechnology (Trung Quốc) khẳng định, cá tra Việt Nam có nhiều ưu điểm như sức sống tốt, năng suất cao, đầu vào về dinh dưỡng thấp, thịt trắng, xương ít… Nếu chất lượng thịt và dinh dưỡng được cải thiện, thể hiện được sự khác biệt với cá rô phi và các loại cá thịt trắng khác thì sẽ ngày càng được người tiêu dùng Trung Quốc tin tưởng sử dụng và phổ biến hơn.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc không chỉ là thị trường thay thế đầy tiềm năng, mà có thể trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất của thủy sản Việt Nam trong những năm tới, bởi nhu cầu nhập khẩu thủy sản của nước này là rất lớn và đang có xu hướng tăng mạnh. Tuy nhiên, thị trường này vẫn luôn tồn tại nhiều rủi ro, thách thức và bất trắc khó lường trước, nhất là trong vấn đề thanh toán. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng: “Không riêng Trung Quốc mà khi đã làm ăn thì thị trường nào cũng có những rủi ro nhất định. Song không vì thế mà chúng ta quá dè dặt, có thành kiến với thị trường này bởi những trường hợp đó không quá phổ biến. Điều quan trọng là cần thực hiện chuyên nghiệp để tạo sự tin tưởng và nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Khai thác phân khúc nào?

Theo nhà phân tích ngành thủy sản Gorjan Nikolik của Rabobank, doanh số bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc đang cho thấy cơ hội mà các doanh nghiệp thủy sản nước ngoài có thể khai thác. Ông Nikolik nhấn mạnh: “Khuynh hướng dễ nhận thấy, bao gồm mối quan tâm tới thủy sản khai thác tự nhiên, thủy sản nuôi trên biển và các loại giáp xác. Mua sắm trực tuyến ngày càng mạnh đang hỗ trợ cho khuynh hướng trên. Và Trung Quốc là thị trường trực tuyến phát triển nhất trên thế giới, vượt qua các nền kinh tế phương Tây”.

Theo nhận định của ông Gorjan, thương mại trực tuyến có một số điểm ưu việt độc đáo. Nhiều lựa chọn, tiện lợi: Các cửa hàng trực tuyến cung cấp hàng nghìn sản phẩm mới không có ở hệ thống bán lẻ. Tính xác thực: Người mua Trung Quốc tin rằng sản phẩm đúng như được mô tả. Chuỗi đông lạnh: Trong khi chuỗi đông lạnh của Trung Quốc hoạt động tốt cho sản phẩm tươi thì có vẻ không tốt lắm cho các sản phẩm đông lạnh hoặc ướp lạnh và về khía cạnh này của cơ sở hạ tầng logistic, các nhà bán lẻ trực tuyến có ưu thế lớn.

Ngoài ra, ông Gorjan cũng nhấn mạnh, khẩu vị của người Trung Quốc đang thay đổi theo hướng ưa chuộng hơn đối với các sản phẩm thủy sản chế biến, có giá trị gia tăng cao. Đồng quan điểm, TS Yang Yong cho rằng, người tiêu dùng Trung Quốc hiện quan tâm nhiều hơn về chất lượng sản phẩm, mức độ an toàn cũng như sự tiện lợi của sản phẩm; trong đó, thương hiệu sản phẩm là yếu tố quan trọng để họ lựa chọn sản phẩm. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn 20 – 30% để mua những sản phẩm nhập khẩu đảm bảo có những yếu tố trên. Do vậy, các nhà xuất khẩu thủy sản trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có thể đẩy mạnh vào khâu chế biến sản phẩm theo hướng tiện lợi cho người tiêu dùng, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng. Sự tổng hợp của tất cả yếu tố trên, cộng với sự gia tăng các thỏa thuận thương mại tự do của Trung Quốc, các nhà xuất khẩu thủy sản nên cân nhắc khôn ngoan tới tiềm năng của thị trường trực tuyến Trung Quốc.

>> Nhà phân tích ngành thủy sản Gorjan Nikolik của Rabobank: “Khi người Trung Quốc ngày càng giàu có, họ có khuynh hướng chuyển từ các loại thủy sản nước ngọt như cá chép sang các loại thủy sản biển, các loại giáp xác và đặc biệt là thủy sản nhập khẩu”.

Nam Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!