T2, 06/07/2020 10:17

Từ anh binh nhì đến nhà khoa học đầu ngành

Chưa có đánh giá về bài viết

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (NCNTTS II) sinh năm 1955 tại Thủ Đức, TP.HCM. Mấy chục năm nay, ông gắn bó với tôm cá như duyên nợ cuộc đời.

Binh nhì và xe đạp

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, Nguyễn Văn Hảo đi bộ đội, chiến đấu 3 năm (1980 – 1983) giúp nước bạn Campuchia. Khi còn ở chiến trường, binh nhì Hảo nghĩ: “Hi sinh thì không bàn nữa. Nếu bị thương sẽ về dạy học. Nếu lành lặn sẽ về làm tiếp nghề thủy sản đã học”.

Về công tác tại Viện NCNTTS, năm 1989 anh được sang Liên Xô học tiến sĩ. Thầy hướng dẫn bảo: “Anh về Việt Nam lấy số liệu sang đây tôi viết giùm cho”. Anh nói: “Tôi qua đây để học”. “Anh muốn học gì?”. Hảo nói muốn học khoa học cơ bản, về ứng dụng ở Việt Nam, chứ học kỹ thuật thì hai nước đặc điểm khác xa nhau quá. Thầy giới thiệu cho Hảo người hướng dẫn khác, như ý nguyện của anh.

Cô giáo hướng dẫn Hảo cũng có con là bộ đội đang ở chiến trường. Bà hết sức đồng cảm và tận tâm giúp Hảo. “Tôi đưa luận án cho bà sửa. Bà sửa một chữ thì tôi phải viết lại cả trang”. Về nước, tài sản Hảo mang theo là một chiếc xe đạp.

 

Trị bệnh cho tôm cá

Quay về Viện năm 1994, gặp ngay đợt dịch bệnh tôm lớn, TS Hảo liền áp dụng kiến thức tế bào học vào xử lý. Năm sau, kết quả này được báo cáo tại một hội nghị ở Thái Lan, gây tiếng vang. Đây là lần đầu, giới khoa học Việt Nam công bố giải pháp của mình dưới góc độ tế bào học.

TS Hảo được bổ nhiệm Phó Viện trưởng năm 1994, Viện trưởng năm 1999. Đây cũng là điều kiện tốt để ông phát huy sở trường. Ông bắt tay xây dựng bộ môn “Mô bệnh học” thủy sản. Ngành khoa học này giúp chẩn đoán chính xác hơn các nhóm bệnh về virus. 

Những năm vừa qua, Viện NCNTTS II đã ứng dụng khoa học Mô bệnh học vào chẩn đoán, điều trị bệnh cho tôm cá, được đánh giá cao. TS Hảo thường nói: “Kết quả máy móc đưa ra chỉ là tiêu bản tế bào bị bệnh; còn lại vấn đề đánh giá, xử lý bệnh đều phụ thuộc kiến thức, kinh nghiệm của con người. Bởi vậy, phải học tập, phấn đấu không ngừng chứ không chỉ dựa vào máy móc”. Ông cũng tìm mọi cách để các nhà khoa học Việt Nam được làm việc với nhiều chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm. 

 

10 năm cũng “chơi”

TS Nguyễn Văn Hảo cho rằng các nhà khoa học phải làm được những gì nông dân cần chứ không phải cứ làm những gì mình có. Tham gia một chương trình của Liên hợp quốc và Na Uy, “Ứng dụng di truyền số lượng trong cải thiện chất lượng di truyền của chọn giống thủy sản”, TS Hảo nói: “Được mở ra một chân trời mới”. Ông quyết định phát triển lĩnh vực làm giống thủy sản dựa vào gen di truyền.

Ông chọn cá Mè Vinh của ĐBSCL để nghiên cứu. Sau khi có kết quả khả quan, năm 2000 ông chuyển qua nghiên cứu làm giống cá tra. Tại một hội nghị ở Thái Lan, nhiều chuyên gia cho rằng không thể thành công trong lĩnh vực giống cá tra. “Vì cá tra 3 năm mới đẻ 1 lần, 1 thế hệ mất 3 năm, mấy thế hệ đã 10 năm”. Nhưng TS Hảo nghĩ: Việt Nam mình có con cá tra, mình không làm thì ai làm? Thế nên, 10 năm cũng “chơi”.

Năm 2011, Viện NCNTTS II đã cung cấp 100.000 con cá tra bố mẹ hậu bị cho ĐBSCL. Đây là thành quả 10 năm kiên trì với đề tài khoa học của TS Hảo cùng các nhà khoa học của Viện, đặt mốc lịch sử cho ngành nuôi cá tra. Khi cá tra nhân giống kiểu tự nhiên đã thoái hóa và yếu dần thì nguồn cá giống quý của Viện đã được đưa ra kịp thời.

 

Hết mình vì khoa học

Giống tôm càng xanh Việt Nam đầu nhỏ, mình to, cho năng suất cao – Ảnh: Phan Thanh Cường

Viện NCNTTS II đang mở rộng nghiên cứu ra nhiều lĩnh vực khác. “Chúng tôi đang làm giống cá rô phi, năm 2013 sẽ có sản phẩm” – TS Hảo cho biết. Một công trình độc đáo khác là làm giống tôm càng xanh. Giới khoa học thường nói, làm giống cá khó một thì làm giống tôm khó nghìn. Thế nhưng, như TS Hảo nói, Viện đã thành công trên lĩnh vực giống tôm càng xanh, sắp làm giống tôm sú, cuối năm 2013 sẽ có sản phẩm chất lượng nhất. Con tôm nhạy cảm, dễ chết. Các nhà khoa học của Viện phải lăn lộn trên hiện trường ngày đêm. Tuổi thọ tôm 1 năm. Những con tôm tốt, nếu không giữ được nguồn gen thì không cách gì tái tạo được. “Một chương trình bảo tồn phát triển nguồn gen quý thế này, thế giới cần đầu tư không dưới 100 triệu USD; chúng tôi chỉ nhận được khoảng 5 tỷ đồng nhưng vẫn làm” – TS Hảo cho biết. Chọn giống tôm càng xanh và cá tra là hai chương trình chỉ có ở Việt Nam. Tôm càng xanh thế giới đầu to, mình nhỏ; tôm càng xanh Việt Nam đầu nhỏ mình to, trọng lượng hơn hẳn. TS Hảo giải thích: “Trên thị trường trôi nổi nhiều giống tôm dân nuôi không lớn. Tôm giống của Viện, cùng thời gian nuôi, cùng lượng thức ăn, mà lớn nhanh hơn. Đó là đóng góp của khoa học”.

>> Năm 1999, khi TS Nguyễn Việt Thắng đi làm Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Viện chỉ còn Nguyễn Văn Hảo là tiến sĩ. Nay, Viện NCNTTS II đã có 15 tiến sĩ, 45 thạc sĩ. TS Hảo nói: “Tôi lạc quan về sự phát triển của Viện. Cán bộ nhân viên ở đây đều giàu năng lực, khát khao cống hiến cho đất nước”.

Nguyên Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!