T2, 06/07/2020 12:27

Tương lai cho thủy sản ĐBSCL

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong chuyến công tác tại ĐBSCL cuối tháng 9 vừa qua và chủ trì Hội nghị “Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ”; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng về tái cơ cấu nông nghiệp. Phần lớn thời gian dành bàn thảo về tái cơ cấu thủy sản trong tình hình biến đổi khí hậu.

Thương hiệu mạnh cho tôm

Kết luận Hội nghị “Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ thành lập tổ xúc tiến lộ trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam. Tổ này do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám phụ trách.

Trước mắt, theo Bộ trưởng Cường, từ nay đến cuối năm phải kiểm soát, ngăn chặn cho được việc sử dụng hóa chất, kháng sinh và nạn bơm tạp chất vào tôm. Thanh tra Bộ đã có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, xử lý nghiêm minh. Mục tiêu năm 2016, con tôm đạt sản lượng 680.000 tấn, xuất khẩu kim ngạch 3,2 tỷ USD, đảm bảo đời sống cho người dân. Tổng kết các mô hình nuôi tôm tốt, làm cơ sở cho những vụ nuôi tới. Bộ sẽ thành lập đoàn công tác tiếp nhận ý kiến và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Cường phân tích, con tôm là một trong số ít đối tượng có lợi thế cạnh tranh của nước ta. Trong đó, nhiều tỉnh có vùng sinh thái đa dạng ngọt, mặn, lợ như bán đảo Cà Mau cho phép con tôm sú phát triển mà trên thế giới ít nơi có được. Còn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa có điều kiện phát triển trung tâm giống sạch. Những năm gần đây, các địa phương có biển phát triển nuôi tôm đạt nhiều kết quả. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4 triệu USD, ít sản phẩm thủy sản nào có được, nhờ đó khu vực này giải quyết phần lớn lợi ích cho xã hội.

Định dạng lại thủy sản đồng bằng sông cửu long

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Cường, ngành tôm dù đã xuất khẩu mỗi năm mang về nhiều tỷ USD nhưng vẫn là hàng hóa nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, năng suất thấp. Thực trạng đó gây khó khăn cho quản trị, kiểm soát, dễ bị tổn thương. Nguyên nhân chính là sự thiếu chủ động của các cấp quản lý và các doanh nghiệp, nhìn con tôm chưa đúng với vai trò, chưa tương xứng với yều cầu phát triển. Trong đó, tổ chức xúc tiến thương mại chưa tập trung nên chưa xây dựng được thương hiệu con tôm.

 Định dạng lại ngành thủy sản

Làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể cho biết, biến đổi khí hậu và nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về ít đã gây ra nhiều thiệt hại. Thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn mấy tháng đầu năm nay khiến GDP của tỉnh Sóc Trăng giảm khoảng 4,3%. Đất của tỉnh Sóc Trăng có 3 vùng: ngọt, lợ và mặn khá ổn định trước kia thì nay bị đảo lộn nhiều vì vùng mặn mở rộng nghiêm trọng. Vùng lợ cho diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp lớn nhất nước, đến 9/9/2016 đạt hơn 39.000 ha, nhưng đang gặp khó khăn do nguồn nước bị ô nhiễm và thiếu vốn. Kinh tế khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 28% tổng số hộ, cao nhất ĐBSCL, khoảng 70.000 – 80.000 người dân đã phải bỏ quê đi làm ăn xa.

Còn tại tỉnh Bạc Liêu, đến hết tháng 8 đã có 16.272 ha nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, đứng thứ hai cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung cho biết, nhiều doanh nghiệp tiên phong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi tôm nước lợ, đáng chú ý là công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín cho lợi nhuận bình quân 600 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nuôi tôm siêu thâm canh cần vốn lớn nên người dân khó tiếp cận. Trong lúc, thiên tai và tình trạng ô nhiễm môi trường đang gây cho việc nuôi tôm cũng như cả ngành thủy sản nhiều khó khăn.

Bí thư Thể và Chủ tịch Trung đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ nâng cao chất lượng giống, quan trắc bảo vệ nguồn nước và về lâu dài, đầu tư lấy nước biển sạch phục vụ vùng nuôi thủy sản. Bên cạnh, tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách tích tụ đất đai để đẩy mạnh cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, xu thế nước ngọt về ít, nước mặn dâng cao, xói lở nhiều sẽ làm đảo lộn cơ cấu sản xuất. Trách nhiệm của quản lý là phải tìm ra quy luật mới để khai thác mặt tích cực. “Không thể tổ chức sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống được nữa, phải tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng nhìn ra biển, thế kỷ tới là thế kỷ đại dương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Sản xuất của ĐBSCL cần xác định lại theo giá trị mới, bây giờ hàng đầu là thủy sản, tiếp theo là trái cây, cuối cùng là lương thực”, Bộ trưởng Cường nói. Trong thủy sản, trên nền tảng thiên nhiên mà tính toán các đối tượng nuôi có lợi nhuận cao. Vùng nước lợ tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng như toàn vùng ĐBSCL có tôm sú và một số loài tôm bản địa rất quý, không phải nơi nào cũng có, cần được khai thác với các phương án tích cực. Vùng nước lợ còn cần chú trọng gạo thơm đặc sản với mô hình tôm – lúa.

Theo đó, cần định dạng lại ngành thủy sản. Từ định dạng đưa ra chủ trương, phương án, giải pháp. Tôm sú và tôm bản địa còn có dư địa lớn để phát triển. Tôm thẻ chân trắng phát triển nuôi công nghiệp và bán công nghiệp. Để thực hiện, cần quy hoạch để đầu tư hạ tầng, thu hút doanh nghiệp lớn và phát triển các hợp tác xã. Đó là những cơ sở đảm bảo thắng lợi xây dựng ngành công nghiệp tôm, công nghiệp thủy sản bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích.

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Các cơ quan thuộc Bộ cần phối hợp với địa phương và các thành phần kinh tế rà soát, tìm ra lợi thế phát triển cho tôm. Quy hoạch sẽ có trung tâm sản xuất tôm sú giống, những trung tâm dịch vụ lớn, phát triển các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong thị trường hội nhập. Khi đó, con tôm Việt Nam là ngành hàng lớn, không chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD một năm.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!