Tuyên Quang: Nuôi cá lồng trên sông Lô

Chưa có đánh giá về bài viết

Hơn 10 năm nay, người dân xóm 11, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) đã phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Lô, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ chăn nuôi cá lồng, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Anh Chử Ngọc Hùng là một trong những hộ nuôi cá lồng trên sông Lô đầu tiên của xóm cho biết: Từ việc đánh bắt cá trên sông Lô, năm 1998, gia đình anh chuyển hẳn xuống ở dưới nhà bè, anh quyết định đầu tư chăn nuôi cá lồng. Năm đầu, anh tự đánh bắt được cá chiên giống để nuôi, đầu tư đóng lồng, tự đi đào giun về làm thức ăn cho cá. Do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nên hơn 100 con cá chiên lồng của gia đình anh đã bị dịch bệnh chết. Không nản chí, anh tiếp tục đầu tư tiền mua cá giống, tìm nguồn mua cá con làm thức ăn cho cá, phát triển lên 2 lồng và nuôi với mật độ thưa hơn để thuận lợi cho cá sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay, bình quân mỗi năm gia đình anh thu được hơn 30 triệu đồng tiền cá. Năm 2013, gia đình anh đã thoát nghèo. 

 

Chị Nguyễn Thị Thúy, xóm 11, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) kiểm tra sinh trưởng của cá nuôi trong lồng

Chị Nguyễn Thị Thúy cũng phát triển chăn nuôi cá chiên lồng, nhưng ngoài nuôi cá thịt, gia đình chị còn ươm cá giống, trở thành địa chỉ cung cấp cá chiên giống cho bà con trong và ngoài xã. Năm 2009, gia đình chị vay 10 triệu đồng của Ngân hàng NN&PTNT thành phố để đầu tư phát triển chăn nuôi cá lồng. Ban đầu, gia đình chị chăn nuôi cá trắm, nhưng nhận thấy cá chiên đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nên quyết định chuyển sang chăn nuôi cá chiên. Nhận thấy, nhiều hộ phải đi mua cá chiên giống ở nơi khác, chị đã quyết định đầu tư một lồng để ươm cá chiên giống phục vụ bà con trong và ngoài xã. Nếu cá chiên thịt có giá ổn định từ 420.000 đến 450.000 đồng/kg, tùy vào cá to hay bé, giá thành có thể cao hơn thì cá chiên giống cũng có giá bán rất ổn định; trung bình gia đình chị bán được hơn 400.000 đồng/kg cá chiên giống. Hiện nay, gia đình chị đang có 2 lồng cá chiên, trong đó có 1 lồng nuôi cá thịt và 1 lồng nuôi cá giống. Sắp tới, anh chị sẽ tiếp tục đầu tư đóng thêm 1 lồng để chuyên ươm cá chiên giống.

Từ vài hộ ban đầu, đến nay xóm 11 đã có 16 hộ phát triển chăn nuôi cá lồng, bình quân mỗi hộ có từ 2 lồng cá trở lên. Thu nhập từ chăn nuôi cá lồng đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá. Theo Hội Nông dân xã, thấy đây là hướng đi đúng, phát triển kinh tế hiệu quả, năm 2014, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã cho 12 hộ hội viên xóm 11 vay 300 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi cá lồng. Mỗi hộ đã được vay 25 triệu đồng, trong thời gian 2 năm với lãi suất thấp để phát triển chăn nuôi cá; nhờ vậy, nhiều hộ ban đầu nuôi 1 lồng cá, đến nay đã phát triển lên 2 đến 3 lồng.

Ngoài chăn nuôi cá chiên, nhiều hộ xóm 11 còn phát triển chăn nuôi cá bỗng, cũng là một loài cá đặc sản đem lại giá trị kinh tế cao. Hiệu quả từ phát triển chăn nuôi cá lồng đã giúp nâng cao đời sống người dân trong xóm, là hướng đi đúng đắn góp phần cùng xã thực hiện đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Huyền Linh

Báo Tuyên Quang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!