Tỷ phú nuôi tôm nhờ… “ăn may”

Chưa có đánh giá về bài viết

Với 8 ha nuôi tôm tại ấp Ông Tô (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu), ông Nguyễn Đăng Nhân thả nuôi trúng vụ nhiều năm liền. Tôm được mùa, được giá, thu về tiền tỷ. Ông đã tích lũy được “kho” kinh nghiệm nuôi tôm cho mình.

Thu lãi

Tham gia nuôi tôm từ năm 1998, ông Nhân trở thành “thủ lĩnh” khi sở hữu diện tích nuôi lên đến 15 ha; trong đó, 8 ha nuôi tôm và 7 ha dành phục vụ hạ tầng cho cơ sở nuôi.

Ông Nhân tự coi mình là “ăn may” khi hầu như năm nào việc nuôi cũng đem lại kết quả. Không phải ngẫu nhiên mà ông đạt được thành công, bởi ông đã đầu tư công nghệ, dành thời gian “chăm bẵm” tôm như “chăm con mọn”. Những năm trước 2012, ao nuôi của ông cho thu lãi từ 500 triệu đồng trở lên. Đặc biệt, vào năm 2012, ông đã trúng vụ tôm rực rỡ với 6 ha tôm thẻ chân trắng và 2 ha tôm sú, thu hoạch hơn 180 tấn, năng suất trung bình đạt gần 23 tấn/ha/vụ, ông thu về 4 tỷ đồng tiền lãi. Những năm 2013, 2014, 2015, việc nuôi tôm gặp khó khăn về môi trường, dịch bệnh, nhưng ông nuôi vẫn thu được lãi dao động từ 500 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/năm nhờ việc liên kết trực tiếp với một số doanh nghiệp chuyên thu mua tôm nguyên liệu, hoặc một số thương lái.

Theo kinh nghiệm của ông, trong nuôi tôm để thành công, cần đầu tư từ khi cải tạo ao nuôi đến xử lý con giống, kỹ thuật nuôi, chọn thức ăn… Ông Nhân đã chọn lựa tôm giống tại những cơ sở nuôi có thương hiệu, sau khi tôm giống được doanh nghiệp xét nghiệm kiểm dịch dịch bệnh, ông tiếp tục mang tôm đi xét nghiệm tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II. “Qua 2 lần xét nghiệm chất lượng tôm giống, tôi mới hoàn toàn yên tâm thả nuôi”, ông tâm sự. Cùng đó, ông cải tạo ao đầm cẩn thận, kỹ lưỡng, từ bón vôi, lấy nước, diệt tạp, cấy vi sinh, kiểm tra môi trường ổn định, mọi việc phải làm theo đúng quy trình, lần lượt và trình tự.

tỷ phú nuôi tôm nhờ ăn may

Thu hoạch tôm tại nhà ông Nhân

Ông chia sẻ thêm, tùy theo thời điểm mỗi vụ, có thể giảm mật độ nuôi trong ao; xử lý ao lắng cẩn thận; có thể dùng hóa chất diệt khuẩn trong ao; nuôi xen ghép cá rô phi trong ao, đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học khi nuôi. Ông “chuộng” thả nuôi với mật độ thưa, tôm sú là 15 – 20 con/m2, tôm thẻ chân trắng, mật độ 50 con/m2. Ông cũng mạnh dạn đầu tư hệ thống cho ăn bằng máy tự động cho tôm, máy tạo ôxy…

 

Tìm đầu ra cho tôm VietGAP

Không chỉ nuôi tôm hiệu quả, năng suất, sản phẩm tôm của ông còn đạt chất lượng ổn định. Ông Nhân đã đầu tư 5/8 ha thực hiện nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2013 đến nay, ao tôm của ông đã được chứng nhận tiêu chuẩn này.

Tuy nhiên, theo ông Nhân, dù sản phẩm tôm nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VieGAP nhưng khi tiêu thụ trên thị trường chưa được ưu tiên về giá bán. Trong khi đó, để nuôi theo quy trình VietGAP, cần công sức và chi phí tốn kém hơn rất nhiều. Ông Nhân tính toán, chi phí đầu tư kho bãi, kho chứa, ghi chép nhật ký cho ăn, thời gian, chi phí kiểm tra chất lượng sản phẩm định kỳ đều tốn kém hơn việc nuôi thông thường. Ông mong muốn sản phẩm tôm VietGAP được bán với mức giá cao hơn các sản phẩm tôm nuôi bình thường và người nuôi thường xuyên được cán bộ tập huấn kỹ thuật. Ông lo lắng, nếu sản phẩm tôm nuôi VietGAP “ngốn” thời gian, chi phí như vậy mà giá bán không cao hơn so với tôm bình thường, e rằng khó duy trì giữ được nghề nuôi. Diện tích nuôi ngày càng thu hẹp.

Ông hy vọng việc nuôi tôm tại địa phương được đầu tư về hệ thống cơ sở vật chất hoàn thiện hơn. Đặc biệt là hệ thống kênh dẫn nước mặn chuyên biệt đưa vào vùng nuôi, giúp nguồn nước nuôi được đảm bảo, ổn định quá trình nuôi.

>> Cùng với nuôi tôm hiệu quả, ông Nhân cũng nuôi cá rô phi rất “trúng”. Theo ông, việc sử dụng ao lắng là rất cần thiết trong nuôi thủy sản nói chung. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm của mình cho rất nhiều người nuôi tại địa phương và giúp họ áp dụng thành công.

Hương Ly

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!