U Minh: Nhân rộng các mô hình sản xuất

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Cà Mau; nhưng với quyết tâm cao, huyện U Minh đã đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững và từng bước hoàn thiện các tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến xây dựng NTM.

Tôm - lúa, mô hính đem lại hiệu quả bền vững   Ảnh: Diệu Lữ

Tôm – lúa, mô hính đem lại hiệu quả bền vững Ảnh: Diệu Lữ

Theo đó, địa phương đã chú trọng phát triển các mô hình sản xuất để gia tăng thu nhập cho người dân. Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, để thực hiện được mục tiêu kinh tế của huyện phát triển bền vững, huyện định hướng những mô hình cụ thể. Đó là, đối với vùng quy hoạch ngọt hóa, huyện chỉ đạo các ngành, các cấp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thâm canh tăng vụ trên lúa cao sản; mô hình cánh đồng lớn trên lúa cao sản; mô hình đa cây, đa con trên cùng một diện tích; mô hình sản xuất kết hợp lúa – cá đồng; mô hình trồng rau, màu an toàn; mô hình nuôi lươn trong can nhựa; mô hình bán thâm canh cá sặt rằn; mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng… Ðối với vùng được chuyển đổi sản xuất 1 vụ lúa – 1 vụ tôm, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện cánh đồng lớn lúa – tôm; mô hình lúa – tôm càng xanh; mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến; mô hình nuôi tôm kết hợp với cua, cá kèo… Ngoài ra, còn thực hiện mô hình nuôi gà nòi lai. Ðối với khu vực trong lâm phần, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh; mô hình rừng – cá; mô hình trồng cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái.

Địa phương cũng tranh thủ bằng nhiều nguồn vốn từ các nguồn vốn khoa học công nghệ, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2016, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135. Qua đó, huyện còn tập trung chỉ đạo mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân để áp dụng biện pháp khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm và năng suất cho người dân. Tổ chức hội thảo mô hình đa cây, đa con để nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất và nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả; thực hiện sản xuất đa canh trong khu vực lâm phần để góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai, tăng thu nhập kinh tế, cải thiện môi trường sinh thái, đồng thời thúc đẩy kinh tế phát triển.

Giai đoạn 2016 – 2020, U Minh phấn đấu mỗi năm giảm khoảng 4% hộ nghèo, để đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 2.300 USD, trở thành một trong những huyện NTM của tỉnh Cà Mau. Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền huyện U Minh tập trung hoàn thành sớm việc cấp sổ đỏ cho cư dân nhận đất, nhận rừng; hoàn thiện hơn nữa hạ tầng nông thôn, nhất là đường bộ và hệ thống thủy lợi; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho nhà nông; khuyến khích hộ dân trồng rừng thâm canh, áp dụng các loại giống cây rừng lai tạo mới phù hợp đồng đất nhiễm phèn nhưng kháng dịch bệnh gây hại; đẩy nhanh việc thành lập, liên kết các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng rừng, trồng cây ăn trái… nhằm nâng cao chuỗi giá trị trên cùng đơn vị diện tích.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!