T2, 06/07/2020 10:16

Ước mơ giản dị của dân chài sông Lô

Chưa có đánh giá về bài viết

Người dân chài lưới ở sông Lô thường đánh bắt cá bằng lưới, xẻo, cụp, thả nắn, tra câu…, nhưng nay chủ yếu đánh bắt bằng kích điện, khiến lượng tôm, cá ngày càng ít đi, hệ quả là đời sống của họ càng thêm khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tư, người dân xóm chài tâm sự: “Tôi theo nghiệp chài lưới trên sông Lô từ khi còn nhỏ, đến giờ vẫn theo nghề này. Trước kia, khúc sông này có nhiều cá, tôm, bạn bè chài lưới cũng nhiều, nhưng mấy năm gần đây, cá ít đi nên cuộc sống người dân vạn chài khó khăn lắm, ngày nào kiếm được 100.000 đồng là may rồi”.

Một cư dân ở kế bên thuyền ông Tư kể: “Đến tôi đã là đời thứ ba theo nghề sông nước, 57 tuổi là bằng ấy năm tôi gắn bó với con sông này. Nhiều khi nhìn cuộc sống trên bờ tấp nập mà thèm, chỉ thương bọn nhỏ, cũng sống ở thành phố mà thân phận khác xa với chúng bạn”.

Do quanh năm lênh đênh trên sông nước, vất vả mưu sinh nên con em của cư dân vạn chài hầu như không được đến trường. Mọi sinh hoạt của các hộ ở đây đều diễn ra trên sông, từ tắm rửa, vệ sinh đến nuôi gia súc, gia cầm. Ngay cả nước ăn cũng múc từ dưới sông lên rồi đánh phèn chua, điện sinh hoạt thì phải nhờ các hộ dân trên bờ kéo xuống…

Cụ Hùng, người dân trong xóm buồn rầu nói: “Đời vạn chài như dân du mục, chẳng khi nào ở yên một chỗ, có lẽ suốt đời, suốt kiếp vẫn chỉ nghèo như thế này thôi. Ước mơ lớn nhất của chúng tôi là được các cấp chính quyền cấp cho mảnh đất để an cư lạc nghiệp, thế hệ con cháu mới được tới trường, có như vậy mới thoát nghèo”.

Chúng tôi rời xóm chài khi màn đêm bắt đầu buông xuống, phía xa vẫn còn thấp thoáng những người dân đang kéo lưới bắt cá, cách đó không xa, hai bên đường là những ngôi nhà cao tầng, xe cộ đi lại nhộn nhịp. Hình ảnh trái ngược đó khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, hy vọng không lâu nữa, chính quyền địa phương sẽ sớm tìm ra giải pháp giúp những hộ này có đất ở, có điều kiện đổi nghề để ổn định cuộc sống.

Hoàng Văn

Kinh tế Nông thôn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!