T2, 06/07/2020 10:45

Ương nuôi cá chép… ông Táo

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá chép ông Táo là giống cá chép Nhật, thường có màu vàng hoặc đỏ được dùng để cúng ông Táo và phóng sinh vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm. Muốn cá đạt tỷ lệ sống cao, kích cỡ phù hợp và bán đúng thời điểm, người nuôi cần quan tâm và tìm hiểu rõ kỹ thuật ương nuôi.

Cải tạo ao nuôi   

Diện tích ao nuôi có thể dao động từ vài trăm đến vài nghìn m2 tùy từng hộ nuôi. Mùa vụ ương nuôi bắt đầu từ tháng 8 – 9 (dương lịch). Người có kinh nghiệm có thể mua cá bột về ương, còn không nên mua cá hương về nuôi sẽ ít rủi ro hơn.

 Sau khi tát cạn ao, tiến hành dọn sạch bèo, cỏ xung quanh bờ ao, đầm nén lại bờ ao, đắp lại cống bọng, tiêu diệt hết cá dữ trong ao. Có thể sên vét bớt lớp bùn đáy nếu lượng bùn quá dày, chỉ để độ sâu bùn 10 – 25 cm, rải vôi bột với liều lượng 7 – 10 kg/100 m2, dùng trang, trang phẳng đáy cho vôi trộn lẫn với bùn. Những ao bị chua (có váng phèn) hoặc ao có cá bị bệnh ở vụ nuôi trước thì tăng lượng vôi lên 1,5 – 2 lần. Đảm bảo độ cao của bờ ao 1,4 – 1,6 m

Đáy ao được san phẳng và có độ dốc về cống thoát. Sau khi tẩy trùng đáy ao thì có thể phơi ao khoảng 3 ngày, tiến hành bón lót phân chuồng ủ mục và phân xanh với liều lượng 30 –  40 kg phân chuồng và 40 – 50 kg phân xanh trên 100 m2. Phân chuồng rải đều khắp ao, phân xanh được bó lại từng bó dìm ở các góc ao.

Đối với ao ương cá bột, sau khi phơi đáy, bón phân nên lấy nước vào ao (lọc qua lưới có mắt dày), mực nước 0,7 – 1 m. Đối với ao nuôi cá hương thì có thể lọc nước vào ao khoảng 0,5 m, ngâm ao 5 – 7 ngày nước ao sẽ có màu xanh nõn chuối (màu của tảo), lọc nước tiếp vào ao đạt độ sâu 1 m trước khi thả cá.

 

Thả giống và chăm sóc

Ao ương cá bột, sau khi lấy nước 1 – 2 ngày phải thả cá bột ngay để hạn chế các loài địch hại như như bọ gạo, bắp cày… tấn công (vì cá khi mới thả còn yếu). Mật độ cá thả 150 – 200 con/m2, sau khi thả cần cho cá ăn ngay, thức ăn là trứng gà, vịt, liều lượng 1 quả/3 – 4 vạn cá bột. Trứng được luộc lên, lấy lòng đỏ chà qua vợt vải màn, sau đó hòa loãng, té đều xung quanh ao ngày 2 lần (9 giờ và 17 giờ), cho ăn liên tục trong 3 ngày đầu.

Tiếp đến dùng bột đậu tương trộn với bột cá, cám, ngô theo tỷ lệ (30/30/40) đun chín làm thức ăn và cho cá ăn ngày 2 lần với liều lượng: tuần thứ nhất: 0,5 kg/vạn cá; tuần 2: 1 kg/vạn cá; tuần 3: 2 kg/vạn cá và tuần 4: 3 kg/vạn cá. Bón phân định kỳ 15 ngày/lần, phân chuồng 20 – 30 kg/100 m2, phân xanh 30 – 40 kg/100 m2.

Trong quá trình ương nuôi, những ngày đầu dùng vợt vớt trứng ếch nhái, cóc đẻ trong ao vào sáng sớm hoặc đổ dầu hỏa khung tre di chuyển từ từ quanh ao để tiêu diệt bọ gạo hại cá. Sau 20 ngày ương cần quấy dẻo cá bằng cách dùng trâu hoặc rong rào kéo quanh ao cho nước đục (2 – 3 ngày/lần) để luyện cá.

Nuôi cá chép ông Táo thường thả với mật độ dày – Ảnh: Phan Thanh Cường

Sau 1 tháng, cá bột lớn thành cá hương thì dùng lưới vét thu hoạch để san thưa hoặc bán. Chú ý trong 20 ngày đầu cá còn bé chưa hoàn thiện hết lớp vẩy bên ngoài cơ thể nên không được sử dụng lưới để kéo, tránh làm xây xát cá. Với kỹ thuật ương như vậy, tỷ lệ sống của cá đạt 35 – 50% và kích cỡ 2.500 – 3.000 con/kg. Ở giai đoạn từ hương lên giống, cá chép cạnh tranh thức ăn với nhau rất mạnh, do vậy nếu không san bớt sang ao khác cá sẽ chết rạc do không đủ thức ăn.

Sau khi ương lên cá hương, người nuôi có thể san thưa ra ao khác để nuôi tiếp lên giống, nếu không có ao thì có thể bán bớt cá, chỉ nên nuôi mật độ 50 – 60 con/m2. Khi kéo lưới thu cá, do cá còn nhỏ khả năng chịu đựng với môi trường kém, do vậy cần dùng những tấm lưới nhỏ (màn tuyn) để kéo cá ở từng khu vực trong ao, tránh dùng lưới lớn kéo toàn bộ ao (cá sẽ bị chết do ngạt khi thời gian kéo lưới dài) gây hao hụt lớn.

Trong quá trình ương cá từ giai đoạn hương đến khi xuất bán, cần duy trì nước ao 1 – 1,2 m. Cho ăn thức ăn công nghiệp (độ đạm 25 – 30%) và thức ăn tự chế (nấu chín: bột cá, bột đậu nành, ngô, khoai, mì… được phối trộn với tỷ lệ của bột đậu nành và bột cá chiếm 25 – 35%). Mỗi ngày cho ăn 2 bữa (sáng và chiều). Lượng thức ăn hàng ngày 7 – 10% trọng lượng thân cá. Thức ăn công nghiệp được vãi đều xung quanh gần bờ ao, thức ăn tự chế được chế với nước (dạng sền sệt), cho vào xô té đều xung quanh ao. Chú ý do mật độ thả dày nên cần cho cá ăn đủ bữa và cố gắng phân phối đều thức ăn xuống ao để đảm bảo 90% cá có thể nhận được thức ăn, tránh hiện tượng cá còi. Định kỳ bổ sung phân chuồng và phân xanh hàng tháng để tăng thức ăn tự nhiên. Nếu ao cạn nước phải cấp đủ nước vào ao.

Trong quá trình nuôi cần kiểm tra cá 2 – 3 ngày/lần bằng cách dùng vợt có cán dài, đứng trên bờ xúc nhanh vào những chỗ cá thường tập trung và bắt cá lên quan sát. Cá có màu tươi sáng, khỏe và bụng căng tròn là đạt yêu cầu, nếu cá bụng lép đầu to chứng tỏ bị thiếu thức ăn nên cần tăng thức ăn kịp thời. 

Trong giai đoạn chuyển mùa (cuối thu đầu đông) cá thường nhiễm một số bệnh do vi khuẩn hoặc nấm gây ra, do vậy, cần khử trùng nước ao định kỳ bằng vôi bột (CaO) 1 lần/tháng, liều lượng 2 kg/100 m2 (vôi được hòa loãng té đều xuống mặt ao). Vào mùa đông, khi nhiệt độ hạ thấp cần dâng đủ nước, chỉ cho cá ăn khi nhiệt độ nước từ 180C trở lên và cho ăn vào lúc nhiệt độ cao nhất trong ngày. Thời gian này không được sử dụng lưới chài tránh làm xây xát cá. Khi cá có biểu hiện bị bệnh nấm thủy mi, trên cơ thể có nhiều sợi nấm mọc cụm lại với nhau như các cục bông màu trắng, cần giảm lượng thức ăn (30%), sử dụng formol (7 – 10 ppm) để phun xuống ao 3 lần (2 ngày/lần) và có thể thay 20 – 30% lượng nước trong ao.

Khi cá bị nhiễm bệnh do vi khuẩn, cá có biểu hiện lờ đờ, cơ thể bị xơ, mất nhớt dạt vào bờ và chết dần. Cần giảm lượng thức ăn (30 – 40%) và có thể dùng kháng sinh Ciprofloxacin hoặc Streptomycine (thuốc thú y) với liều lượng 5 – 7 g/kg thức ăn để cho cá ăn. Đồng thời, dùng viên sủi Vicato để khử trùng nước ao với liều lượng 0,5 – 0,8 g/m3 (0,5 – 0,8 ppm), dùng 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày.

Trong quá trình nuôi cần căn cứ vào điều kiện thời tiết, sức khỏe của cá để có sự điều chỉnh thức ăn và bổ sung lượng nước vào sao cho hợp lý, giúp cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.

 

Thu hoạch

Trước khi thu hoạch 15 ngày, cần dùng rong, chà rào kéo quanh ao 1 – 2 lần (3 ngày/lần) để quấy dẻo cá. Từ ngày 20 – 21 tháng 12 (âm lịch) bơm 50% lượng nước ao, dùng lưới vét cá, sau đó bơm cạn bắt hết số cá còn lại.

Cá thu hoạch được chuyển lên bể, gióng nước sạch và sục khí, sau 1 giờ sử dụng ống nhựa dùi lỗ tháo hết lượng nước đục (do cá thải ra), đồng thời cấp nước mới vào bể. Dùng vợt khung vuông vớt bỏ hết lượng đá sỏi, ốc vặn (lẫn cùng với cá khi chuyển vào bể) dưới đáy bể ra ngoài. Đối với bể xi măng có độ sâu nước 50 – 60 cm có thể chứa được 10 – 15 kg cá/m2. Sau khi đưa cá lên bể cần ép (luyện cá) 3 – 5 giờ mới được xuất bán. Trước khi vận chuyển nên chuẩn bị đầy đủ bao tải, túi nylon, dây buộc và bình ôxy để đảm bảo cá khỏe mạnh khi đến tay người sử dụng.

>> Nuôi cá chép ông Táo thì phải thả mật độ dày, sau 5 – 6 tháng nuôi cá đạt trung bình 50 con/kg là phù hợp. Với tỷ lệ sống trên 70%, năng suất đạt  35 – 40 kg/100 m2 ao và giá bán 80 – 100 nghìn đồng/kg, lợi nhuận 40.000 – 50.000 đồng/kg.

ThS. Nguyễn Quang Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!