T2, 06/07/2020 01:46

Vài suy nghĩ về quản lý khai thác thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

LTS: Khai thác là một trong những lĩnh vực chủ chốt của ngành thủy sản, trong đó, khai thác biển luôn nhận được sự quan tâm lớn của các cấp, ngành, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế cả nước. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang có nhiều vấn đề bất cập, rất cần tháo gỡ sớm để phát triển bền vững. Tác giả Lâm Hồng Thanh đã có những ý kiến đóng góp xác thực. Thủy sản Việt Nam xin đăng tải nội dung này

Khai thác biển là một thế mạnh của nền kinh tế nước ta

Chủ trương phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước là một chính sách hoàn toàn đúng đắn và hiệu quả. Bên cạnh các ngành kinh tế biển khác thì phát triển ngành thủy sản trong nuôi trồng và khai thác biển là một thế mạnh của nền kinh tế nước ta, vừa phát huy lợi thế của lực lượng lao động khai thác biển, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động nghề cá, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo Tổ quốc.

Tuy nhiên, việc quản lý khai thác thủy sản ở nước ta còn một số bất cập, cụ thể trên một số mặt sau :

Công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái biển

Chưa có những chính sách cụ thể và giám sát chặt chẽ trong việc quy định thời gian và sản lượng được phép, dẫn đến việc khai thác liên tục và sản lượng lớn làm cho cá không đủ thời gian tăng trưởng gây cạn kiệt về số lượng. Đồng thời trước áp lực phải trả lãi ngân hàng, chi phí của chuyến biển và thu nhập nuôi gia đình đã dẫn đến tàu thuyền phải khai thác ở vùng biển nước ngoài, vi phạm các luật pháp quốc tế.

Do đó, nếu chúng ta cấm biển trong 2 – 3 tháng ở những bãi cá đẻ gần bờ thì sản lượng cá sẽ được khôi phục và tăng cả chục lần; vừa bảo vệ nguồn lợi biển (gồm hải sản và môi trường biển), vừa đảm bảo hiệu quả nghề khai thác của ngư dân. Mặt khác, đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT đàm phán với các nước để đưa ngư dân đi đánh bắt hợp pháp ở nước ngoài.

Tổ chức xã hội nghề cá của cộng đồng ngư dân

Nên tổ chức các hiệp hội nghề cá của cộng đồng ngư dân dưới sự lãnh đạo của chính quyền tại các địa phương có nghề cá phát triển để làm chỗ dựa cho ngư dân trong đóng sửa tàu thuyền, khai thác và tiêu thụ hải sản…, tránh việc ngư dân hoạt động rời rạc, phụ thuộc vào nậu vựa, tiến tới hình thành các chợ cá đấu thầu và trung tâm thương mại thủy sản. Các chính sách quản lý của Nhà nước mọi mặt về thủy sản sẽ đơn giản và hiệu quả hơn (thông qua các hiệp hội ngư dân như một pháp nhân) trong việc cấp tín dụng đóng mới tàu thuyền, bảo vệ và thống kê được nguồn lợi thủy sản, phổ biến và triển khai các chính sách về thủy sản như vùng đánh bắt và nguồn gốc thủy sản…, qua đó chấm dứt việc đánh bắt cá bất hợp pháp.

Ngoài ra, thông qua hiệp hội này, ngư dân còn được hỗ trợ đào tạo ngành nghề khai thác, cung ứng lao động đi biển, đầu tư các hình thức chế biến và bảo quản sản phẩm tiên tiến, thụ hưởng các phúc lợi đời sống và tinh thần, tiến tới một xã hội ổn định và văn minh.

Quan niệm chưa đúng về cảng cá

Cảng cá là một hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho xã hội nghề cá đông đảo của cộng đồng ngư dân trong việc tiếp nhận các dịch vụ hậu cần nghề cá trước mỗi chuyến biển, tiêu thụ hải sản và sửa chữa trang thiết bị tàu thuyền, tránh trú bão khi thời tiết biến động, kiểm soát an ninh trong xuất nhập cảng cá, thống kê chủng loại và sản lượng đánh bắt…. Những việc này nếu là cảng tư nhân hay cổ phần không thể đáp ứng được. Cảng cá khác hẳn với cảng thương mại ở chỗ cảng thương mại chỉ có tính chất, quyền lợi của một doanh nghiệp (không phải của cộng đồng) và xu hướng là chạy theo lợi nhuận.

Do không nắm được tính chất của cảng cá nên đã có địa phương chủ trương cổ phần hóa cảng cá. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển của nghề khai thác thủy sản. Cảng cá là nơi thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản tại địa phương đối với các thành phần kinh tế từ cá nhân, tổ chức và các doanh nghiệp được hưởng lợi khi hoạt động tại cảng, qua đó giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ven biển và là nguồn thu thuế vô cùng lớn cho nhà nước.

Quy hoạch và tổ chức quản lý các cảng cá

Trong những năm qua, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều quan tâm nỗ lực phát triển cảng cá, do vậy, hệ thống cảng cá đã hình thành và phát triển trên khắp cả nước, từ đất liền cho đến các vùng đảo xa xôi, mang đến cho nghề cá sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, trong quy hoạch cảng cá còn chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể :

Chưa dành diện tích đủ lớn cho cảng cá và khu phụ trợ, chưa có chính sách khuyến khích để các thành phần kinh tế vào cảng đầu tư (xã hội hóa) các hạng mục công trình tham gia làm dịch vụ hậu cần và tiêu thụ hải sản, góp phần thu hút tàu thuyền về cảng. Có quy hoạch để tương lai hình thành chợ cá đấu thầu và trung tâm thương mại thủy sản.

Hình thành các Ban Quản lý cảng cá hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cộng đồng (thay vì dự nghiệp có thu hoặc công ích) và được quyền chủ động quản lý mọi mặt hoạt động trong phạm vi cảng dưới sự giao kế hoạch hàng năm của Sở NN&PTNT địa phương.

Có quy định cụ thể về nhiệm vụ và trách nhiệm của các Ban Quản lý cảng cá, tránh nhầm lẫn giữa quản lý doanh nghiệp và quản lý nhà nước tại cảng.

Có quy định cụ thể về phân loại cảng cá dựa vào đặc thù hoạt động thực tế. Ví dụ, cảng cá được phép xuất nhập cảng đối với tàu cá nước ngoài và loại không được phép (trong tương lai hòa nhập thương mại với nước ngoài), vì liên quan đến vấn đề kiểm dịch thủy sản và an ninh quốc gia tại cảng cá được phép xuất nhập cảng.

Quan điểm xây dựng chính sách quản lý khai thác

Phải coi người dân là chủ thể để phục vụ, chứ không phải không quản lý được thì cấm. Đồng thời, phải quan tâm hệ quả của lệnh cấm đối với đời sống ngư dân và lĩnh vực tài chính đất nước (ảnh hưởng dây chuyền trong xã hội).

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!