Vẫn nan giải chuyện quy hoạch

Chưa có đánh giá về bài viết

Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm cá tra để vượt qua khủng hoảng, nuôi là khâu đầu tiên có vị trí quan trọng nhất. Bởi chất lượng cá tra nguyên liệu có giá trị quyết định toàn chuỗi, nếu xảy ra sai lầm từ đây sẽ không thể sửa chữa về sau. Trong nuôi, Nghị định 36 của Chính phủ đặt vấn đề quy hoạch lên hàng đầu.

Chưa theo quy hoạch

Địa phương nuôi cá tra diện tích lớn nhất ĐBSCL là tỉnh Đồng Tháp. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch nuôi cá tra của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ngày 11/9/2014, tỉnh Đồng Tháp năm 2015 có diện tích mặt nước 1.500 ha, sản lượng 370.000 tấn; đến năm 2020, diện tích 2.000 ha, sản lượng 500.000 tấn.

Thế nhưng, số liệu của Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, đến hết năm 2014, diện tích nuôi cá tra là 2.036 ha, sản lượng 373.232 tấn. Như vậy, diện tích đã vượt quy hoạch phê duyệt cho năm 2020, sản lượng vượt quy hoạch phê duyệt cho năm 2015. Hơn thế, cũng theo Sở Công thương, trong diện tích đã nuôi cuối năm 2014, có 930 ha ngoài vùng quy hoạch, chiếm gần 45,7% tổng diện tích nuôi.

Cuối tháng 3/2015, đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp kiểm tra tình hình quản lý và sử dụng đất công ở một số huyện, phát hiện việc cho thuê đất công nuôi cá tra ngoài quy hoạch khá phổ biến. Ở huyện Tam Nông có 270 ha đất tại xã Tân Công Sính đang liên kết nuôi cá tra sai quy hoạch; ở huyện Cao Lãnh cũng có gần 300 ha đất nuôi cá sai quy hoạch.

Hậu quả của nuôi cá tra không theo quy hoạch, Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp thẳng thắn nhìn nhận: “Gây ra tình trạng lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu; chất lượng, giá cả không ổn định”.

Một số doanh nghiệp đã chủ động nguồn nguyên liệu cá tra – Ảnh: Ngọc Trinh

Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, vài năm gần đây có sự thay đổi trong nuôi cá tra, dịch chuyển từ hộ cá thể sang hợp tác với công ty và trang trại. Một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đã liên kết với hộ nuôi để bao tiêu sản phẩm, số khác tự tổ chức vùng nuôi. Nhiều doanh nghiệp có cả nhà máy chế biến thức ăn cho cá tra. Như thế, các doanh nghiệp đang phát triển hình thức khép kín từ sản xuất đến chế biến xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh, thu lợi nhuận cao. Diễn biến này tạo thêm động lực thúc đẩy ngành cá tra vượt qua sự tự phát manh mún, tuy nhiên cũng tạo sức ép điều chỉnh quy hoạch.

Vẫn ở tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2014, UBND huyện Tân Hồng có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT bổ sung hơn 36 ha vùng nuôi cá tra của Công ty TNHH Hùng Cá (Công ty Hùng Cá) vào quy hoạch. Diện tích ấy gồm hai khu nuôi ở xã Tân Công Chí, một khu nuôi ở xã Tân Hộ Cơ, đều đã đào ao nuôi cá tra nhưng hơn một nửa chưa chuyển mục đích đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản.

 

Doanh nghiệp thiếu vốn

Phát triển sản xuất khép kín cần vốn rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp lại chưa nâng cao được năng lực nên càng khó khăn về vốn. Không ít doanh nghiệp vẫn trong vòng vây nợ xấu, cái khó bó cái khôn, lúng túng phương án sản xuất kinh doanh, vốn ngân hàng không tiếp cận được nên kết quả là hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2011 có 2.018 hộ dân dư nợ nuôi cá tra, thì đến năm 2014 chỉ còn 1.326 hộ, giảm 34,3%. Trong lúc, số doanh nghiệp dư nợ nuôi và chế biến cá tra vẫn là 32. Còn tổng vốn cho vay nuôi và chế biến cá tra năm 2014 gấp hơn 2,4 lần năm 2011.

Nhiều doanh nghiệp vẫn đang thiếu vốn để sản xuất cá tra khép kín – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Kim ngạch xuất khẩu cá tra của tỉnh Đồng Tháp năm 2014 là 541 triệu USD, tăng 13% so với 475 triệu USD của năm 2011. Rõ ràng, kim ngạch xuất khẩu tăng chưa tương ứng với đầu tư nuôi trồng. Nguyên nhân chính ở nhiều doanh nghiệp chế biến hoạt động kém hiệu quả. Theo Sở Công thương, các doanh nghiệp chế biến chỉ hoạt động được gần 40% công suất vào năm 2011, và dù tăng lên thì đến năm 2014 cũng mới đạt 50,85%. Đến cuối năm 2014, trong 20 doanh nghiệp chế biến, có 9 doanh nghiệp chỉ hoạt động được 19,42% công suất, nên càng suy yếu.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Tháp đánh giá, từ năm 2012, hộ dân và doanh nghiệp gặp khó trong vay vốn, trả nợ ngân hàng, nợ xấu tăng. Tình trạng phá vỡ hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp và người nông dân diễn ra ngày càng nhiều.

Thực trạng ấy cho thấy, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ hộ nuôi cá thể sang nuôi gia công cho doanh nghiệp, dù đáng khích lệ thì cũng hoàn toàn chưa thuận chèo mát mái. Quá trình thực hiện quy hoạch sẽ còn nhiều khó khăn, cả doanh nghiệp và người nuôi còn phải vượt qua nhiều thách thức, trở ngại về năng lực, tâm lý và cả quản trị. Rõ ràng, thực hiện quy hoạch không phải muốn là được, quy hoạch dù đã được phê duyệt nhưng để đi đến kết quả thực tiễn còn lắm gian nan.

 

Những tia hy vọng

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho ngành cá tra, giữa năm 2014, các ngân hàng thương mại đã thí điểm cho vay theo chuỗi giá trị cá tra với hai doanh nghiệp ở ĐBSCL. Đó là Công ty Hùng Cá ở tỉnh Đồng Tháp và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An ở tỉnh An Giang. Đến ngày 31/12/2014, ngân hàng thương mại đã giải ngân cho Công ty Hùng Cá 1.401,75 tỷ đồng, cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An 235 tỷ đồng.

Kết quả bước đầu ở Công ty Hùng Cá. Hợp đồng với hộ nông dân nuôi cá tra theo hai hình thức: hợp đồng tay ba và hợp đồng liên kết. Hợp đồng tay ba thực hiện giữa Công ty Hùng Cá với hộ nuôi và doanh nghiệp bán thức ăn thủy sản; thức ăn được cung cấp cho hộ nuôi và Công ty Hùng Cá bao tiêu cá tra nguyên liệu theo giá thị trường; khi thu hoạch mới thanh toán tiền thức ăn. Còn hợp đồng liên kết nuôi cá, Công ty Hùng cá đầu tư ao và toàn bộ chi phí, kỹ thuật; hộ nông dân chịu trách nhiệm nuôi; chia lời theo tỷ lệ thỏa thuận.

Hình thức thứ nhất, hợp đồng với 20 hộ dân, ước chia lãi một năm cho một hộ hơn 1 tỷ đồng. Hình thức thứ hai, liên kết với 306 hộ, ước một năm một hộ được hơn 400 triệu đồng. Đến hết năm 2014, Công ty Hùng Cá đã trả được vốn vay hơn 355 tỷ đồng. Đánh giá của ngành ngân hàng: “Cái được lớn nhất là người dân không phải lo về nguồn vốn đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y… và nhất là đầu ra của con cá do doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch. Qua đó thúc đẩy khu vực nông nghiệp nông thôn phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong thời gian tới”.

Vấn đề ở đây là khi thúc đẩy được mối liên kết bền chặt cùng có lợi giữa người nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến thì quy hoạch cũng được thực hiện tốt hơn để nâng cao chất lượng cá tra. Theo khảo sát của ngành công thương và ngân hàng tỉnh Đồng Tháp, đa số diện tích vùng nuôi thuộc các doanh nghiệp hoạt động tốt, có khả năng áp dụng nhanh hơn tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ để xây dựng vùng nuôi đạt các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, ASC…

Tuy nhiên, để thực hiện tốt quy hoạch, các địa phương vùng ĐBSCL cũng đang kiến nghị có phương thức tăng cường liên kết, hợp tác để đảm bảo quy hoạch, kế hoạch toàn vùng. Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã được Nghị định 36 đặt vào vị trí làm cầu nối liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị cá tra, đang bước đầu phát huy vai trò. Theo Hiệp hội, khi thực hiện tốt quy hoạch, xây dựng các mối liên kết nuôi trồng và chế biến bền chắc, sẽ là cơ sở hình thành các cụm công nghiệp chế biến cá tra hiện đại.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!