T2, 06/07/2020 12:52

VASEP kiến nghị giảm phí cấp Giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác xuống 200.000 đồng/lần

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 9/10/2017, VASEP đã gửi Công văn số 158/2017/ CV-VASEP tới Bộ Tài chính góp ý về mức phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản đánh bắt tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 230/2016/TT-BTC (TT230/2016) của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá, kiểm định trang thiết bị nghề cá; phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản.

VASEP đề nghị mức phí phù hợp cho việc cấp Giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác (SC) là 200.000 đồng/lần thay cho mức phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đang hiện hành theo TT230/2016 là 700.000 đồng/lần.

Theo VASEP, mức giảm này là hợp lý và tuân thủ đúng nguyên tắc của Luật phí và lệ phí về “thu đủ bù chi” theo các hoạt động thực tế của Ban quản lý Cảng cá. Phù hợp với chủ trương, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “giảm chi phí” cho doanh nghiệp, trường hợp này, cũng đồng thời là giảm phí cho cộng đồng ngư dân, cũng như tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP và các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ các năm qua.

Đồng thời, việc này cũng phù hợp với thực tế hoạt động thẩm định nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác mà sẽ được triển khai theo quy định của Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT sắp ban hành. Theo đó, hoạt động thẩm tra và cấp giấy SC sẽ do nhân viên Ban Quản lý cảng cá thực hiện tại cảng. Việc giám sát từng lô nguyên liệu lên cảng (để phục vụ hoạt động thẩm định, cấp giấy SC) sẽ được thực hiện trực tiếp tại tàu cá cùng với các hoạt động kiểm tra thông tin khác của tàu mà BQL Cảng cá vẫn đang tiến hành như hiện nay nên gần như không phát sinh thêm nhiều chi phí về đi lại và nhân sự cho Cảng cá. Công tác đối chiếu dữ liệu, hồ sơ về tàu thuyền sẽ được thực hiện trên cơ sở dữ liệu điện tử mà Cảng cá sẽ được cung cấp khi thực hiện dịch vụ công do Bộ NN&PTNT giao.

Việc quy định mức phí cố định cũng giúp giảm bớt thủ tục và thời gian dành cho việc tính toán phí thẩm định đồng thời đảm bảo sự minh bạch với các bên có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 22/02/2017, VASEP cũng đã gửi Công văn số 25/2017/CV-VASEP tới Bộ Tài chính kiến nghị về mức phí quy định tại 4 Thông tư về phí trong công tác thú y, khai thác thủy sản và an toàn thực phẩm.

Trong đó, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính soát xét và bổ sung hướng dẫn/quy định mức phí phù hợp cho thủ tục chứng nhận lại thủy sản khai thác khi Giấy chứng nhận bị rách, nát không còn nguyên vẹn do TT230/2016 chưa có quy định mức phí cho hoạt động này.

Ngoài ra VASEP cũng kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh giảm mức Phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản xuống. Việc “bù đắp chi phí” như quy định trong luật cần phải tính toán sát thực với quy định và thực tế của công việc này.

Theo phản ánh của các DN hải sản, mức 700.000 đ/lần là quá cao và chưa có cơ sở khi hoạt động Thẩm định này chủ yếu chỉ bao gồm các công tác hành chính như tiếp nhận hồ sơ từ DN, kiểm tra hồ sơ, đối chiếu với các dữ liệu khai thác của tàu thuyền, cảng cá, kiểm tra việc mua hàng thực tế tại cảng (chỉ đối với dưới 5% số lô để thẩm tra) và cấp giấy xác nhận. Mức phí này quá cao làm tăng gánh nặng chi phí cho DN trong bối cảnh DN đang gặp nhiều khó khăn và đang rất cần được hỗ trợ nâng cao khả năng cạnh tranh như Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ.

Trong thực tế hiện nay, các lô hàng XK sang EU và sắp tới là thị trường Mỹ đều phải xin cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác. Một lô hàng XK có thể có nhiều giấy xác nhận nguyên liệu do thực tế mua từ nhiều đợt và từ nhiều địa phương khác nhau. Do đó, chi phí xác nhận nguyên liệu cho một lô hàng XK là một con số không nhỏ, và điều dễ hiểu đó là chi phí mà DN phải trả thêm tính từ 1/1/2017.

Tạ Hà

Vasep

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!