Về ấp “xoá trắng hộ nghèo”

Chưa có đánh giá về bài viết

Con đường bê-tông mới tinh, rộng rãi nối liền lộ Xuyên Á là lối dẫn vào ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình. Đây cũng là ấp điểm về mô hình “xoá trắng hộ nghèo” của địa phương. Từ một ấp khó khăn, heo hút, bằng sự kỳ quyết của cả hệ thống chính trị, đến nay ấp đã xoá trắng hộ nghèo, đời sống người dân từng bước được nâng lên, thoát nghèo bền vững.

Nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa.

Nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa.

Đi dọc theo tuyến lộ vào sâu trong ấp Lê Hoàng Thá dễ dàng nhận thấy những cánh đồng lúa xanh mướt, được kết hợp nuôi tôm càng xanh, đang chờ mùa thu hoạch.

“Cầm tay chỉ việc”

Ông Đoàn Văn Hiện, Trưởng ấp Lê Hoàng Thá, khoe: “Đây cũng là một trong những mô hình giúp dân Lê Hoàng Thá vươn lên thoát nghèo thời gian qua. Dù đầu ra khá bấp bênh nhưng có được nhiều thuận lợi và hiệu quả cao vì ít tốn chi phí, không phải cho ăn nên ai nấy đều phấn khởi”.

Từ một vụ lúa “5 ăn 5 thua”, đời sống cơ cực, khi mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa nhen nhóm, bà con đã tận dụng cả diện tích vườn tạp, mở rộng thêm cả 100 ha, nâng tổng số diện tích mô hình đến nay lên gần 480 ha. Không thực hiện qua loa mà bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”, chính quyền địa phương đã cử cán bộ, đảng viên trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ con giống. Đến nay đã trang bị cho người dân những kỹ năng cần thiết để nuôi tôm, lúa đạt hiệu quả cao, năng suất bình quân ước đạt khoảng 200 tấn/ha. Cũng nhờ mô hình này mà nhiều hộ gia đình tăng thêm thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Ông Lê Tuấn An, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bằng, cho biết: “Đây là mô hình dân vận khéo của Mặt trận huyện kết hợp với xã. Lê Hoàng Thá là ấp đầu tiên của xã thực hiện thí điểm mô hình này. Theo đó, mỗi hộ nghèo sẽ được hỗ trợ một khoản tiền để có vốn phát triển kinh tế, nhưng với tiêu chí không để người dân “tự bơi”, đồng thời, để đảm bảo tính hiệu quả, mỗi hộ được xã hỗ trợ cử 1 cán bộ, đảng viên trực tiếp giúp đỡ hộ nghèo thông qua các mô hình như nuôi heo, tôm càng xanh trên ruộng lúa, hỗ trợ mua bán”.

Là 1 trong 3 hộ được hỗ trợ thoát nghèo từ tháng 6/2017, gia đình bà Nguyễn Thị Hữu được Uỷ ban MTTQ huyện hỗ trợ 5 triệu đồng mua xuồng, lưới và trên 100 vịt con để nuôi. Với phương pháp đưa cần câu chứ không đưa con cá, chi bộ ấp thống nhất phân công đảng viên phụ trách phối hợp với chủ hộ cùng đi để mua đồ dùng và vịt con. Đến nay, vịt sinh trưởng tốt, vào lứa sinh sản và có đồng lời, cuộc sống gia đình bà đã ổn định hơn.

Bà Hữu vui mừng cho biết: “Hoàn cảnh gia đình ban đầu rất khó khăn, chỉ sống một mình, con cái lại ở xa, phải mướn đất làm vuông nuôi tôm. Năm nay tui cũng đã ngoài 60 tuổi rồi, nhờ hỗ trợ mà có được chiếc xuồng bơi thăm vuông, rồi nuôi vịt cải thiện cuộc sống”.

Quyết tâm xoá nghèo bền vững

Bằng nguồn vốn trợ lực từ nhiều phía, địa phương đã ra sức tiếp cận vốn cho người nghèo. Đối với người già neo đơn được tiếp cận các nguồn an sinh xã hội, những hộ thuộc diện dân tộc nghèo được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đồng thời hỗ trợ vốn để chăn nuôi, mua bán đối với hộ thiếu vốn sản xuất.

Nhờ vậy, với 256 hộ toàn ấp, đến nay ấp Lê Hoàng Thá đã hoàn toàn “xoá trắng hộ nghèo”, kinh tế người dân trong ấp ngày càng được nâng lên, cuộc sống nhiều hộ trở nên khấm khá. Đây là nỗ lực không chỉ riêng cán bộ, đảng viên, chính quyền địa phương mà hơn hết là sự cố gắng vươn lên thoát nghèo của chính bản thân người dân địa phương.

Ông Lê Tuấn An đánh giá: “Hiện xã chỉ còn 2,45% hộ nghèo. Trong đó, ấp Lê Hoàng Thá đã hoàn toàn xoá trắng hộ nghèo. Đây là điều đáng mừng. Nhìn chung, các hộ thoát nghèo đã qua có kinh tế khá ổn định. Xã cũng làm đề nghị theo quy trình của huyện đối với hộ mới thoát nghèo liên hệ với Ngân hàng Chính sách – Xã hội vay thêm vốn để mở rộng sản xuất. Tính tới thời điểm này, có thể nói các hộ thoát nghèo khá bền vững”.

Hồng Nhung

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!