Về Bạc Liêu xem “Nuôi tôm có trách nhiệm”

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là cách làm của Tổ hợp tác 30/4, nằm cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 15 km về phía đông. Ở đó, một nhóm nông dân nuôi tôm đã tự lập ra tổ hợp tác và áp dụng BMP (Thực hành quản lý tốt hơn).

Nâng cao tính cộng đồng

Tổ hợp tác 30/4 được thành lập năm 2006, với 15 thành viên, quản lý diện tích khoảng 50 ha; trong đó, 70% nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp (nuôi “tôm – rừng”); 30% còn lại nuôi tôm công nghiệp.

Nhận định về hiệu quả sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, ông Trần Quốc Tuấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác 30/4 cho hay, đây là hình thức góp phần nâng cao tính cộng đồng trong sản xuất, giúp người dân dễ trao đổi kinh nghiệm, thả tôm theo khuyến cáo, thu hoạch cùng thời điểm…; từ đó giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả. Riêng với Tổ hợp tác 30/4, đã thành lập được quỹ với số tiền 60 triệu đồng, cho tổ viên vay khi gặp khó khăn về vốn sản xuất với lãi suất 1%/tháng. Lãi suất này được góp lại vào quỹ chung để tổ chức sinh hoạt hàng tháng.

Ông Trần Quốc Tuấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác 30/4 giới thiệu mô hình “nuôi tôm có trách nhiệm”

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Phòng, một tổ viên cho hay, ý nghĩa thiết thực của hình thức tổ hợp tác là góp phần giảm chi phí xét nghiệm tôm giống trước khi thả nuôi; trong quá trình sản xuất các xã viên sẽ cùng nhau bảo vệ thủy sản nuôi của nhau, hạn chế thất thoát.

Đến nay, hình thức sản xuất theo tổ hợp tác trong nuôi tôm có trách nhiệm đã được khẳng định là mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao tính cộng đồng trong sản xuất. Đây cũng là một trong những hình thức sản xuất có thể chủ động ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu và tình trạng tôm chết hàng loạt hiện nay.

 

Áp dụng BMP

Tháng 2/2012, được sự hỗ trợ của Dự án “Thúc đẩy chứng nhận và Quản lý thực hành nuôi tôm tốt hơn cho các hộ quy mô nhỏ tại Việt Nam”, do Danida – Đan Mạch tài trợ, WWF – Việt Nam đã làm việc, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật… cho các tổ hợp tác áp dụng BMP nhằm giúp họ nâng cao năng lực tổ nhóm, cải thiện năng suất, giảm thiểu dịch bệnh, từ đó gia tăng lợi nhuận nhưng vẫn đảm bảo việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo ông Tuấn, từ khi có sự hỗ trợ của Dự án, áp dụng BMP, tại hầu hết các hộ nuôi trong Tổ hợp tác đều giảm thiểu sự xuất hiện dịch bệnh, cải thiện tốc độ tăng trưởng, giảm chi phí nuôi, cải thiện điều kiện môi trường nuôi, nâng cao năng suất, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm… “Riêng hộ tôi, với khoảng 2,6 ha diện tích nuôi tôm – rừng, trước chỉ thu được 200 triệu đồng/ha/năm từ tôm, cua kết hợp thì hiện tăng gấp đôi, đạt 400 triệu/ha/năm. Ngoài ra, khi áp dụng BMP, chúng tôi còn ghi lại nhật ký nuôi hàng ngày; đây là điều kiện tiên quyết trong truy xuất tôm trên thị trường, giúp chúng tôi dễ dàng tiếp cận hơn đối với các chứng nhận quốc tế như ASC” – Ông Tuấn nói.

Với chi phí thấp vì không cần thức ăn, tận dụng thiên nhiên, không dùng hóa chất, không tốn công chăm sóc nhưng sản phẩm thường có giá bán cao hơn 5 – 10% so với tôm thông thường, bởi những ưu điểm về an toàn thực phẩm… Mô hình “nuôi tôm có trách nhiệm” đang mở ra hướng đi đầy triển vọng cho người dân vùng rừng ngập mặn.

Tuy đã có nhiều bước tiến đáng kể nhưng trên thực tế người dân vẫn chưa mấy thiết tha với mô hình này, bởi còn phải đối diện nhiều khó khăn, như: chủ yếu vẫn phụ thuộc thiên nhiên; năng suất tương đối thấp; sản lượng không cao; thị trường tiêu thụ còn hạn chế… Hơn nữa, người dân vẫn còn những băn khoăn về lợi ích kinh tế của việc đạt chứng nhận và đầu ra cho sản phẩm có chứng nhận. Vì thế, việc bảo đảm đầu ra ổn định với giá thành tốt nhất cho nông dân là vấn đề cần được các ngành chức năng, doanh nghiệp và đối tác quan tâm trong thời gian tới.

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!