T2, 06/07/2020 12:52

Vì sao các vụ cháy “tàu cá 67” gia tăng?

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau 3 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản, ngư dân Bình Thuận đã tích cực hưởng ứng đóng nhiều tàu thuyền công suất lớn để ra khơi đánh bắt thuỷ sản và góp phần bảo vệ an ninh trên biển. Đến nay, toàn tỉnh có 1.126 thân “tàu 67” tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động không ít “tàu 67” gặp tai nạn rủi ro. Trong đó, tai nạn cháy đã gây tổn thất khá lớn.

Tàu có công suất 500Cv cháy gần bờ Phan Thiết

Tàu có công suất 500Cv cháy gần bờ Phan Thiết

Cháy do bất cẩn

Năm 2017 tai nạn trên biển có chiều hướng gia tăng, chỉ 9 tháng qua đã có 170 vụ tổn thất thân tàu và 150 vụ tai nạn thuyền viên. Trong số các vụ tai nạn trên biển thì tỷ lệ vụ cháy không nhiều, nhưng mức độ thiệt hại lại khá lớn. Dường như sau khi thân tàu cháy thì chủ tàu bỏ luôn không trục vớt, không sửa chữa và tìm kế sách vay vốn đóng lại tàu mới. Phần lớn các vụ cháy đều do nguyên nhân chủ quan, bất cẩn của lao động, thợ máy trên tàu.

 Điển hình là tàu Bth-97409-TS của ông Phạm Thướng, xã Long Hải, huyện Phú Quý. Tàu bị tai nạn cháy, chìm toàn bộ vào lúc 6g ngày 14/3/2017 ở ngoài khơi. Qua giám định của Công ty cổ phần Giám định Bách Việt xác định nguyên nhân tai nạn cháy do: Hệ thống khởi động tại buồng máy không hoạt động, dây dẫn điện bị hở mạch không được xử lý, khắc phục trong thời gian dài. Khi máy hoạt động ở vòng tua cao kết hợp với dầu bám trên bề mặt máy lâu này không được vệ sinh dẫn đến chập điện và cháy tại buồng máy. Mặt khác, thuyền viên không trực máy trong lúc tàu hành trình nên không thể phát hiện sớm sự cố xảy ra. Khi phát hiện cháy thì đã quá muộn, không thể khống chế được đám cháy…chủ tàu tổn thất gần 8 tỷ đồng. Hoặc vụ cháy tàu Bth-97565-TS của ông Đặng Văn Trường, ngụ tại xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý xảy ra ngày 2/6/2017. Nguyên nhân do tàu bị phá nước kết hợp với hệ thống gas bếp trên tàu bị rò rỉ ống gas, thiệt hại hơn 600 triệu đồng.

Gần đây nhất là vụ tai nạn cháy thân tàu cá vỏ gỗ Bth-99405-TS có công suất 500Cv tại Cảng cá Phan Thiết của ông Lê Phước, thường trú tại phường Đức Thắng (Phan Thiết) vào ngày 15/7/2017. Sau vụ cháy nổ, tàu chìm và hư hỏng hoàn toàn. Nguyên nhân vụ cháy nổ thân tàu được Phòng cảnh sát PCCC và CNCH kết luận: Do chập điện tại dây dẫn điện của thiết bị tiêu thụ điện phía trên bên trong cabin mạn phải của tàu và do sơ suất bất cẩn trong việc sử dụng điện, ước thiệt hại vụ tai nạn cháy này gần 5 tỉ đồng. Ngoài những vụ cháy gây thiệt hại lớn cho chủ tàu nói trên, trong năm 2017 cũng đã xảy ra hàng chục vụ cháy nổ nhỏ khác do chủ quan và khách quan.

Nâng cao ý thức phòng chống cháy

Có thể nói, các vụ cháy thân tàu trong thời gian qua xảy ra cả ngoài khơi lẫn neo đậu gần bờ. Thường các vụ cháy nổ thân tàu sau khi xảy ra chủ tàu không trục vớt, sửa chữa vì cho rằng “sửa chữa tàu cháy tiếp tục hành nghề sẽ gặp xui xẻo”. Hơn nữa giá trị thân tàu và giá trị bồi thường của bảo hiểm gần như tương ứng. Các vụ cháy xảy ra có thể nói do 3 nguyên nhân chính, đó là: Sơ suất trong quá trình vận hành, bị chập điện do dây dẫn điện bị oxi hoá theo thời gian sử dụng, không thường xuyên bảo dưỡng, thay thế; lao động trên tàu bất cẩn khi sử dụng bếp gas nấu ăn trên tàu hoặc ống gas bị rò rỉ và do sét đánh. Ông Đặng Lâm Duy Tân, Phó phòng giám định – bồi thường Công ty Bảo việt Bình Thuận chia sẻ: “Thời gian qua có nhiều trường hợp ở Đức Thắng, Mũi Né xảy ra tai nạn cháy nổ do vệ sinh trên tàu không bảo đảm. Thường thợ máy vệ sinh lau chùi máy bằng dầu, trong phòng máy lại kín gió, chật hẹp… nên khi khởi động máy thì phát hoả từ phòng máy hoặc có tàu đang neo đậu gần bờ không khởi động máy, nhưng lại phát cháy nổ? nguyên nhân chỉ có thể là do trên tàu sử dụng bếp gas bất cẩn…”

Từ những kết luận nguyên nhân các vụ cháy nổ tàu thuyền cho thấy, ý thức của các chủ tàu và người lao động trên tàu về công tác phòng cháy chữa cháy còn hạn chế. Trong thực tế nhiều chủ tàu tuy có trang bị bình chữa cháy, nhưng lại để ở nhà vì lý do đưa lên tàu sợ “xui xẻo”… Thiết nghĩ, cơ quan quản lý phòng chống cháy nổ, chính quyền địa phương cần tăng cường giáo dục ý thức PCCC và CNCH cho các chủ tàu và người lao động trên tàu. Đồng thời, có biện pháp nhắc nhở, kiểm tra, chấn chỉnh các chủ tàu thực hiện nghiêm túc việc trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ PCCC trên tàu để cứu chữa kịp thời khi xảy ra hoả hoạn.

Lê Thanh

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!