Vì sao cần hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản?

Chưa có đánh giá về bài viết

Hàng năm, ngành thủy sản mang về lượng ngoại tệ không hề nhỏ, và hầu như năm sau đều cao hơn năm trước, thế nhưng, cả doanh nghiệp và người nuôi đều “lợi nhuận thu về thấp”, thậm chí hòa vốn và không ít nông dân phá sản. Vì sao vậy?

Chuộng nguyên liệu ngoại nhập

 Bộ NN&PTNT cho biết, 10 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 5,4 tỷ USD, giảm gần 18% so cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu thủy sản đạt gần 1 tỷ USD, tăng 3% so cùng kỳ năm ngoái. Thị trường nhập khẩu lớn nhất là Ấn độ (chiếm 37,5%), tiếp đến là Đài Loan (8,6%), Na Uy (7,8%), Nhật Bản (6,8%), Hàn Quốc (6,3%). Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu thủy sản dạng nguyên liệu chế biến phục vụ tái xuất khẩu, một số khác tiêu dùng nội địa. Trong lĩnh vực tôm, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu hơn 34.000 tấn tôm nguyên liệu từ 20 nước, về chế biến xuất khẩu.

Trong bối cảnh hiện nay, không thể có giao thương một chiều mà luôn ở xu hướng hai chiều; một quốc gia xuất khẩu những sản phẩm có thế mạnh và nhập khẩu trở lại những sản phẩm mà trong nước không sản xuất được. Điều đáng lo nhất, Việt Nam nhập khẩu khá nhiều thủy sản từ Ấn Độ, với mặt hàng chủ yếu là tôm, phải chăng do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp chế biến?

hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản

Nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để chế biến – Ảnh: Duy Khương

Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng tôm nuôi trong nước không giảm mà còn có xu hướng tăng. Đối với tôm sú, diện tích thả nuôi, tính đến hết tháng 10, là 577.843 ha (tăng 4,5% so cùng kỳ năm trước), sản lượng 215.799 tấn (tăng 0,2%). Như vậy, sản lượng tôm sú không giảm quá nghiêm trọng nhưng tại sao nhập khẩu vẫn tăng? Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ năm 2011 Ấn Độ giữ vị trị số 1 trong việc cung cấp thủy sản cho Việt Nam, và tôm chiếm 90% giá trị nhập khẩu đó. Năm 2014, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Việt Nam 1,05 tỷ USD, tăng gần 46% so cùng kỳ năm 2013, trong đó Ấn độ chiếm 33,5%. Như vậy, 10 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu thủy sản đã gần bằng cả năm ngoái. Cứ đà này, giá trị nhập khẩu thủy sản năm nay có thể đến 1,2 tỷ USD.

 

Những bất cập

Bỏ qua yếu tố nguồn cung hạn chế, vấn đề còn lại là do giá thành sản phẩm. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) giải thích trong một hội nghị liên quan thủy sản tại TP Hồ Chí Minh: So với giá tôm nguyên liệu, giá tôm Ấn Độ thấp hơn khoảng 2 USD/kg, tương đương 40.000 – 43.000 VND/kg. Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh xuất khẩu tôm Việt Nam giảm do sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực (Thái Lan, Ấn Độ) hay từ các nước Nam Mỹ…, buộc doanh nghiệp phải hạ giá thành sản xuất. Và phương án giảm giá tôm nguyên liệu là lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp. Vì thế, dễ hiểu vì sao doanh nghiệp cứ tăng nhập khẩu tôm, cho dù nguồn cung trong nước không khan hiếm mà còn tăng.

Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến ngành thủy sản Việt Nam. Lý do, khi không còn quá phụ thuộc nguồn cung thủy sản nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp bằng cách này cách khác sẽ ép giá người nuôi. Còn phía người nuôi, khi nhận thấy nuôi tôm không có lãi sẽ bỏ ao. Lúc này, sự phụ thuộc vào nguồn thủy sản nguyên liệu nhập khẩu ngày càng nhiều. Trong 3 năm qua, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đều tăng hai con số, đã phần nào chứng minh doanh nghiệp ngày càng thích nhập khẩu nguyên liệu.

Theo quy định của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các mặt hàng nông sản chỉ được hưởng ưu đãi thuế suất khi đó là nguồn sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên, còn các mặt hàng nhập khẩu để chế biến xuất khẩu từ các nước ngoài TPP sẽ không được hưởng ưu đãi này. Vì thế, khi Việt Nam nhập khẩu tôm từ Ấn Độ hay các nước ngoài TPP thì sẽ bất lợi, vì sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ. Lúc đó, những vấn đề tưởng có lợi thế (về giá thành sản xuất) nhưng lại gặp bất lợi về thuế xuất khẩu.

Nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng luôn bị chi phối bởi yếu tố thời tiết, dịch bệnh. Vì thế, thời gian tới, ngành nuôi tôm Ấn Độ nếu gặp dịch bệnh thì sản lượng sẽ giảm. Điều này từng xảy ra trong quá khứ. Lúc đó, nguồn cung giảm, chắc chắn giá tôm nguyên liệu sẽ. Còn trong nước, người nuôi tôm đã “treo ao”. Khi đó, doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu trong nước không còn lựa chọn nào hơn chấp nhận giá cao để có tôm nguyên liệu, nhằm đáp ứng các đơn hàng đã ký trước đó.

>> 10 tháng đầu năm 2015,  giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 5,4 tỷ USD, trong khi thủy sản nhập khẩu cũng ở ngưỡng 1 tỷ USD. Như vậy, cứ 5 đồng xuất, chúng ta phải bỏ ra 1 đồng để nhập, và có thể thời gian tới còn số này còn tăng.

Út Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!