T2, 06/07/2020 11:44

Vì sao giá cá tra mãi “đỏng đảnh”?

Chưa có đánh giá về bài viết

Lâu nay, người nuôi cá tra tại ĐBSCL đã quá quen với việc giá cá lên xuống thất thường. Nhiều lý giải cho rằng, đây là quy luật thị trường. Tuy nhiên, liệu có điều gì bất thường trong đó?

Thời gian đầu năm nay, người nuôi cá tra khấp khởi mừng vì mỗi kg cá bán lãi được 1.000 – 1.500 đồng, có cơ hội tái đầu tư nhằm trả nợ dần dần. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, giá cá tra nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu đã giảm xuống dưới 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi của nông dân đa phần 21.000 – 23.000 đồng/kg. Nếu có cá thu hoạch thời điểm này thì người nuôi cầm chắc lỗ nặng. Theo người nuôi cá tra, chỉ những ai đủ tiền mặt để nuôi mới đảm bảo bán được hòa vốn, còn nhờ cậy các đại lý và thương lái thì hết đường gỡ.

 

Nhiều vấn đề nan giải

Khi được hỏi nguyên nhân giá cá tra nguyên liệu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đổ lỗi rằng do biến động thị trường và tỷ giá. Theo VASEP, có trên 90% doanh nghiệp thủy sản chọn USD là đồng tiền thành toán thương mại quốc tế cho các đơn hàng. Do đó, sự biến động tỷ giá đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương cho rằng, sự mất giá của đồng Euro so với USD khiến các nhà nhập khẩu tại châu Âu gặp bất lợi. Nhiều khách hàng giảm giá tới 10 – 15% so với trước. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp Việt Nam phải giảm giá bán để đẩy hàng đi hoặc trữ hàng chờ giá lên. Và khi doanh nghiệp khó khăn thì họ “buộc” người nông dân phải cùng chia sẻ, đấy là lý do giá cá tra nguyên liệu luôn ở mức từ hòa đến lỗ.

Còn PGS-TS Võ Thị Thanh Lộc (Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL) cho rằng: “Việt Nam đang chiếm 97% thị phần cá tra thế giới. Nhiều năm qua, chuỗi giá trị cá tra không dự báo được nhu cầu của thị trường, dẫn tới không quy hoạch sản xuất, xảy ra tình trạng cung lớn hơn cầu hay ngược lại”. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú (An Giang)  lo ngại, nếu không kiểm soát lại cung cầu thì tình hình sẽ càng tệ hơn.

Thu hoạch thời điểm này, người nuôi lỗ nặng – Ảnh: LHV

Đại diện một doanh nghiệp có vùng nuôi cá tra tại Cần Thơ cho rằng trên thị trường hiện có quá nhiều công ty xuất khẩu cá tra nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Có công ty cần xoay dòng vốn nên buộc phải bán rẻ? Để cạnh tranh, các công ty khác cũng “nối gót”. Cạnh tranh theo kiểu mạnh ai nấy làm mà chưa tính tới được chuyện hợp nhất vì lợi ích chung của cả ngành hàng…

 

Lỗi của quy trình khép kín?

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay vùng nuôi của doanh nghiệp chiếm tới 50 – 70% tổng diện tích nuôi cá tra (bao gồm cả vùng nuôi của doanh nghiệp và nuôi gia công cho doanh nghiệp). Đây là kết quả của việc kêu gọi doanh nghiệp nên tự lo nguyên liệu để chủ động sản xuất.

Một số chuyên gia cho rằng, khi doanh nghiệp chủ động được càng nhiều thì sự phụ thuộc vào nông dân càng giảm, và khi đó họ dễ dàng nắm quyền quyết định giá cá trên thị trường. Nếu thị trường hút hàng thì không sao, còn bán chậm thì nông dân thua lỗ là điều chắc chắn.

Điều này dẫn đến hậu quả tất yếu là nông dân đã yếu thế nay càng nhỏ bé hơn trong cuộc cạnh tranh bất đối xứng này. Vùng nuôi của nông dân sẽ ngày càng dịch chuyển sang tay doanh nghiệp, và từ địa vị “ông chủ”, họ phải làm thuê cho doanh nghiệp bằng chính tài sản của mình. Tuy nhiên,không phải lúc nào cũng dễ thở.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, HTX Thới An chia sẻ, nhiều công ty tập trung vào vùng nuôi theo kiểu khép kín, cung cấp lượng cá theo nhu cầu chế biến. Một số công ty có nhà máy chế biến thức ăn thủy sản và đầu tư vùng nuôi cá tra, với khả năng cung cấp cá nguyên liệu cho nhà máy lớn. Do đó, khi thị trường xuất khẩu chưa mạnh thì hợp đồng với hợp tác xã hay người nuôi cá bên ngoài cũng giảm số lượng cá nguyên liệu.

TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, ai cũng thấy nguyên nhân nhưng không làm được. Nghịch lý ở chỗ, ai hy sinh cho ai và lợi ích thuộc về người nào. Vấn đề hiện nay là giữa các tỉnh cũng như doanh nghiệp, người nuôi đang thiếu thông tin dự báo về sản lượng cá tra.

>> Ông Trương Quang Phú, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Vĩnh Long: Vì sao cũng là con cá tra, chế biến như nhau nhưng có doanh nghiệp xuất khẩu được 8 USD/kg, có doanh nghiệp chỉ 1 – 1,5 USD/kg? Có lẽ, doanh nghiệp uy tín sẽ xuất bán được giá cao, còn doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu chộp giật mới bán giá thấp như vậy.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!