T2, 06/07/2020 12:30

Vì sao hải sản ngày càng khó nuôi?

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi trồng hải sản ngày một khó. Đây là đánh giá chung của nhiều chuyên gia và cả nhà quản lý. Bởi hiện nay, nghề nuôi biển đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó nghiêm trọng nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường ven biển.

Thiệt hại tăng liên tục

Ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết, tiềm năng nuôi thủy sản biển ở nước ta rất lớn với gần 250.000 ha, trong khi diện tích nuôi hiện nay chỉ khoảng 40.000 ha. Sản lượng nuôi hải sản tăng mạnh từ 156.681 tấn (năm 2010 với 38.880 ha) lên 308.587 tấn (năm 2015 với 40.102 ha). Tuy nhiên, dù diện tích tăng nhưng nghề nuôi cá biển có xu hướng tụt giảm khi sản lượng từ 34.413 tấn (năm 2012) đến năm 2015 còn 30.550 tấn. Theo ông Khôi, việc nuôi hải sản còn nhiều hạn chế đó là vấn đề thiếu quy hoạch, trình độ kỹ thuật, sản xuất kém, gây ô nhiễm môi trường, phát triển thiếu bền vững; quá trình phát triển kinh tế xã hội khiến môi trường ven biển ngày càng bị ô nhiễm. Mặt khác, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt gió bão thường xuyên xảy ra nhưng lồng nuôi chưa đáp ứng được. Sản xuất con giống hiện mang tính nhỏ lẻ, chưa chủ động còn phụ thuộc tự nhiên, chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm, các chính sách chưa đến được các hộ nuôi…

o nhiem moi trương bien

Thủy sản ở Khánh Hòa chết hàng loạt vì ô nhiễm – Ảnh: Quang Đức

Tại TP Cam Ranh, Khánh Hòa, từ tháng 7 – 10/2016, đã có khoảng 4.000 ô lồng nuôi thủy sản ở đây liên tục chết trắng. Nguyên nhân do không thực hiện kiểm dịch cá giống, sử dụng cá tạp làm thức ăn khiến nhóm vi khuẩn Streptococcus SP gây ra bệnh bỏng đỏ tấn công làm cá chết hàng loạt. Cá nuôi trên đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa) cũng chết trắng lồng với số lượng hàng trăm tấn thiệt hại hàng chục tỷ đồng mà nguyên nhân cũng là do ô nhiễm môi trường khiến cá nhiễm khuẩn Vibrio alginolyticus với mẫu xét nghiệm có vết vi khuẩn dày đặc. Ngoài ra, ở các tỉnh như Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Yên… nhiều diện tích nuôi thủy sản cũng chịu thiệt hại cũng khiến người nuôi biển điêu đứng.

Nhận định về điều này, ông Nguyễn Quang Huy, Viện phó Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho rằng, dịch bệnh có thể xảy ra ở tất cả các đối tượng nuôi điển hình như bệnh sưng vòi tu hài, bệnh sữa ở tôm hùm, bệnh virus, bệnh nhiễm khuẩn… gây chết hàng loạt tại các vùng biển ô nhiễm môi trường, mất độ ô lồng cao. Bên cạnh đó, việc sự cố môi trường Formosa từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế vừa qua sẽ khiến chất lượng, sản lượng nuôi thủy sản biển ở đây giảm. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, việc đảm bảo chất lượng, sản lượng cho các sản phẩm hải sản xuất khẩu hiện nay là vẫn đề rất quan trọng. Nếu một vùng biển ô nhiễm thì rất khó có thể quy hoạch, đặt các dự án, thực hiện việc nuôi trồng, cũng như áp dụng nuôi trồng các thủy sản biển được. Mặt khác, giá thành sản xuất của nước ta còn cao do đó khó cạnh trạnh, sản xuất thiếu ổn định. Cần chọn đối tượng ưu việt, ưu tiên hải sản tươi sống, hướng đến thị trường nội địa nhiều hơn nữa.

Định hướng sớm

Để giải quyết các thách thức trên một cách tổng thể, theo ông Nguyễn Quang Huy phải có một chương trình khoa học, công nghệ riêng dành cho lĩnh vực nuôi biển nhằm giải quyết đồng bộ đến việc phát triển bền vững cho nghề này như: giống, thức ăn, công nghệ nuôi, quản lý về môi trường, công nghệ bảo quản, thị trường sau khai thác…

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tự Trọng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hải Phòng chia sẻ, việc nuôi hải sản đang mâu thuẫn rất lớn từ các mối nguy hại từ các khu công nghiệp, hoạt động xây dựng, du lịch… Như ở đảo Cát Bà, đây là điểm nuôi trồng lớn với trên 500 lồng, sắp tới phải giảm xuống còn trên 100 lồng. Hải Phòng được xác định là trung tâm nghề cá khu vực phía Bắc nhưng thực sự việc đầu tư riêng để phát triển ngành nuôi biển chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, cần có đường lối, chính sách, quy hoạch riêng cho ngành này để khai thác tiềm năng trên diện tích 250.000 ha nuôi biển của cả nước hiện nay.

Ông Phạm Đức Phương, quản lý trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp tại vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, cho biết trại đầu tư 12 tỷ đồng quy mô sản xuất 200 – 300 tấn/năm với công nghệ lồng bè bằng nhựa của Na Uy, hệ thống này có khả năng chịu sóng gió, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm. “Thời gian qua hải sản nuôi tại Khánh Hòa chết hàng loạt ở rất nhiều nơi, nhưng trại nuôi của chúng tôi không bị tác động do nuôi rất xa bờ, không ảnh hưởng việc ô nhiễm ven bờ. Chúng tôi hiện đã chuyển giao công nghệ trên cho 2 doanh nghiệp ở Khánh Hòa và Phú Quốc (Kiên Giang) cũng thu được kết quả tốt. Tuy vậy chi phi khá cao, để áp dụng công nghệ mới này thực sự cần sự hỗ trợ, chính sách của Chính phủ như việc đóng tàu vươn khơi vậy”- ông Phương nói.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng cần phải có những nghiên cứu khoa học nghiêm túc về thị trường để từ đó biết được thị trường cần gì, dự đoán được nhu cầu, xúc tiến thương mại ra sao… từ đó mới có kế hoạch đầu tư, nuôi trồng cho phù hợp.

 
>> Theo VASEP, Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 nước nuôi biển nhiều nhất thế giới với 208,5 nghìn tấn hải sản. Năm 2015, ngành nuôi cá biển của nước ta xuất khẩu gần 35,2 triệu USD; nhuyễn thể 82,4 triệu; cua ghẹ 121,5 triệu USD; ốc gần 4,6 triệu USD…

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!