Vì sự bền vững các mô hình thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều cách làm mới trong nuôi trồng thủy sản được áp dụng đã bước đầu có hiệu quả; nhưng lợi ích lâu dài những mô hình này cần được quan tâm hơn nữa.

Thay đổi phương thức sản xuất

Thời gian gần đây, người nuôi trồng thủy sản trong cả nước đã triển khai nhiều cách làm mới, thay đổi phương thức canh tác cũ như độc canh, độc con, hiệu quả không cao sang những đối tượng nuôi khác như cá đồng, thực hiện nuôi kết hợp, xen canh (như mô hình cá – lúa, tôm – lúa, tôm – cá…) và phần nhiều trong số đó mang lại kết quả tích cực.

Năm 2013, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cần Thơ thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực kết hợp cấy lúa tại gia đình ông Nguyễn Hữu Huynh (xã Hòa An B, phường Thới Hòa, quận Ô Môn), bước đầu có kết quả khá. Sau gần 6 tháng thả nuôi, tôm phát triển nhanh, đồng đều khoảng 25 con/kg, với giá bán bình quân 260.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng 40 triệu đồng/ha. Ông Huynh cho biết, kết hợp một vụ lúa một vụ tôm sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất, năng suất cao, vật nuôi ít dịch bệnh, không làm tổn hại môi trường (vì không sử dụng hóa chất, kháng sinh); nếu mô hình này được nhân rộng sẽ tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập.

Mô hình tôm càng xanh – lúa đang được nhân rộng tại Cần Thơ – Ảnh: Phan Thanh Cường

Phong trào nuôi cá – lúa vụ 3 tại tỉnh Nghệ An thời gian qua; ngoài hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân, còn làm tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí cải tạo sản xuất. Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: Năm 2012, diện tích cá – lúa vụ 3 toàn tỉnh đạt khoảng 3.000 ha, sản lượng gần 3.000 tấn, năng suất bình quân 8 tạ/ha, trị giá 20 triệu đồng/ha. Thời gian qua, người dân các huyện  Hưng Nguyên, Thanh Chương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu… đã tận dụng diện tích vùng ruộng lúa có độ thấp trũng, nguồn nước thuận lợi, tiến hành thả cá sau vụ hè thu kết thúc và hiệu quả ngoài mong đợi. Một trong những huyện đạt hiệu quả cao nhất là Thanh Chương, với 500 ha (2011) đã tăng lên 700 ha (2012); năm nay toàn huyện phấn đấu đạt diện tích nuôi cá vụ 3 khoảng 1.200 ha. Ông Lê Đình Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp Thanh Chương cho biết, huyện có phong trào nuôi cá vụ 3 từ lâu; 2 năm gần đây phong trào này phát triển mạnh hơn, do sau khi thực hiện xong công tác chuyển đổi ruộng đất, hệ thống bờ bao, kênh mương đã được cải tạo, nâng cấp tương đối hoàn chỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nuôi cá.

 

Cần hướng đi bền vững

Hiệu quả những mô hình nuôi kết hợp đa con triển khai tại nhiều địa phương đã được nhìn nhận. Tuy nhiên, đây có được coi là hướng đi lâu dài, bền vững trong tình hình nuôi trồng thủy sản hiện nay hay không, cần sự đầu tư và quan tâm hơn nữa. Bởi các mô hình này còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường, chi phí đầu tư, kinh nghiệm sản xuất, thị trường tiêu thụ…

Mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa mùa nước nổi đã và đang trở thành tiềm năng, thế mạnh của người dân thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, không chỉ giải quyết việc làm thời gian nhàn rỗi trong mùa nước mà còn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mô hình này phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, do hàng năm nếu lũ về sớm và lớn thì người nuôi tôm rất thuận lợi cho việc thả nuôi, còn nếu lũ về trễ và nhỏ thì người nuôi gặp nhiều khó khăn. Do đó, để có thể nhân rộng mô hình này khó có tính khả thi cao.

Tại xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, một trong những mô hình đang đem lại hiệu quả kinh tế giúp không ít hộ thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả, đó là việc tận dụng diện tích đất trống của bờ vuông tôm để trồng cây rau, màu. Mô hình không mới, nhưng do kết hợp xen canh và luân canh nhiều loại cây, rau, màu, nên nhiều hộ có thu nhập ổn định. Điển hình như gia đình ông Võ Văn Tươi (ấp Vĩnh Bình), trồng 2.500m2 rau màu (mướp đắng, dưa leo, cải, đậu đũa, ớt…) cho thu nhập bình quân 250.000 – 300.000 đồng/ngày. Ngoài hiệu quả kinh tế còn hiệu quả xã hội, giải quyết việc làm cho số lao động nhàn rỗi và cải thiện bữa ăn của người dân. Hiện, xã Vĩnh Lộc có gần 20 ha đất bờ vuông tôm đã được nông dân cải tạo trồng rau màu, nhưng việc trồng rau màu trên bờ vuông tôm cũng mới ở quy mô nhỏ lẻ; nếu tập trung sản xuất thành vùng nguyên liệu rau màu an toàn thì cần có đầu ra ổn định để tránh tình trạng cung vượt cầu.

Thị trường tiêu thụ cũng là mối quan tâm hàng đầu của người nuôi cá tại huyện Núi Thành (Quảng Nam), vì để mô hình chuyển đổi được áp dụng rộng rãi vào sản xuất, góp phần phát triển nuôi thủy sản nước lợ trong thời gian đến ổn định hơn thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa, như: phải bố trí mùa vụ nuôi sao cho hợp lý; đồng thời, tìm hiểu nhu cầu thị trường để gắn kết việc sản xuất với khâu tiêu thụ được thuận lợi hơn.

>> Ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Nghệ An: Việc phát triển nuôi cá – lúa vụ 3 ở Nghệ An chưa xứng tiềm năng diện tích mặt nước sẵn có, do quy hoạch ruộng đồng còn nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư; công tác chăm sóc, quản lý trong quá trình nuôi của người dân chưa cao. Do vậy, rất cần sự quan tâm của các cấp ngành, quy hoạch vùng nuôi, thị trường tiêu thụ, cải thiện kỹ thuật nuôi…

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!