T2, 06/07/2020 11:19

Viên ngọc của Vân Đồn

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo các bậc cao niên, đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) được bao bọc, chia cắt bởi nhiều ngọn núi cao, trong đó núi Ngọc ở ngay giữa đảo. Xưa kia nơi đây vốn nổi tiếng nhiều ngọc trai, thậm chí vào ban đêm, ánh sáng lấp lánh phát ra từ ngọc trai làm sáng rực cả một vùng.

Bám trụ đến cùng

Từ thị trấn Vân Đồn, ngồi 3 tiếng trên tàu sẽ đặt chân tới đảo Ngọc Vừng, nơi được mệnh danh là đảo Ngọc.

Cụ Phạm Văn Nghi (95 tuổi, thôn Ngọc Nam) là người sống lâu nhất trên đảo. Cụ nhớ lại: “Năm 1977, tôi được các đồng chí trên huyện bảo nếu đưa gia đình lên huyện sống thì sẽ cho một căn nhà. Nhưng tôi nghĩ quê hương là chùm khế ngọt, tôi lại là người đầu tiên làm cách mạng ở đảo Ngọc Vừng, là cán bộ thì phải ở lại cùng chịu khó khăn với dân”.

Theo thời gian, các con cụ trưởng thành, rời khỏi đảo đi học tập, công tác, nghỉ hưu cụ về ở với con gái. Năm 1994, một lần nữa đảo Ngọc Vừng khó khăn, người dân bỏ đi quá nửa. “Con cái tôi cũng gọi điện mời bố tới ở cùng. Nhưng lúc đó, các đồng chí ở thường vụ huyện ủy bảo tôi, nếu cụ đi thì dân đảo sẽ đi hết. Tôi vẫn quyết ở lại, đến từng nhà, vận động từng người dân ở lại trên đảo. Ngọc Vừng hồi đó là vùng đất khó khăn nhất của huyện Vân Đồn. Nếu không giữ được dân thì không giữ được đất, được đảo. Cuối cùng còn 500 khẩu bám đảo sinh sống và làm ăn”, cụ Nghi kể lại.

Xe chở khách du lịch tham quan đảo

Cùng cụ Nghi, bà Nguyễn Thị Lợi (78 tuổi) cũng là một trong số những người bám đảo đến cùng. Bà hồi tưởng: “Ngày xưa, tôi làm Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Ông nhà tôi làm cách mạng trong đội Vệ Quốc quân. Thời kháng chiến chống Mỹ, cán bộ phổ biến cho dân thực hiện khẩu hiệu ba không: không biết, không thấy, không nói. Nhiều bộ đội về đây trú ngụ và được bà con bao bọc, chăm sóc. Chồng tôi cũng được huyện phân đất nhưng lúc đó tôi nhất định không rời khỏi đảo. Từ bé tới giờ, chúng tôi sinh ra ở đây, ông bà họ hàng nội ngoại đều ở đây. Xa quê tôi không sống được. Thế là cả nhà tôi không ai đi cả. Hiện nay, ngoài hai con đi công tác và làm việc ở xa, còn lại năm người con của tôi đều sinh sống ở đảo này”.

Thấy người hàng xóm là bà Phạm Thị Viên đang tưới nước cho luống rau trong vườn phía đối diện, bà Lợi tươi cười: “Đấy, chị Viên là người ở bên đảo Quan Lại (huyện Vân Đồn) về đây làm dâu cũng hơn 20 năm rồi”.

Bà Viên tiếp lời: “Năm 1986 tôi đang là công nhân xây dựng thì lấy chồng về đây. Lúc đấy tôi không nghĩ là người dân ở đây lại nghèo đến thế. Bữa ăn nào cũng phải quá nửa già là khoai, sắn. Có con đi học thì phải cõng gạo mang lên cho con. Nhưng ở đây lâu rồi cũng thành quen, nó như quê hương của mình. Con cái tôi đi học xong, cũng muốn các cháu về làm việc, công tác ở đảo”.

 

Cho vùng đất hồi sinh

Từ năm 2001, nghề đánh bắt thủy sản phát triển có chiều hướng chậm lại do ngư trường cạn kiệt, phương tiện đánh bắt nhỏ và cũ, xã đã bắt đầu vận động nhân dân nuôi các lồng bè cá, nuôi tôm. Hai năm sau, 50 ha mặt nước ghềnh nuôi nhuyễn thể (ốc, tu hài) được thí điểm.

“Từ ngày được xã cho vài chục mét nước nuôi ốc, gia đình con gái tôi đã khá hẳn lên. Giống ốc này chỉ cần mua về, thả ra ghềnh, không mất công nuôi, không tốn tiền thức ăn. Theo bọt nước từ ngày này sang ngày khác, ốc lớn lên rồi bắt ốc về mang bán. Mỗi năm trừ giống cũng thu nhập được khoảng vài chục triệu đồng”, bà Lợi chia sẻ.

Theo cụ Nghi, muốn giữ dân ở đảo thì phải giải quyết được kinh tế cho người dân, cần cán bộ có kinh nghiệm, nâng cao dân trí. Giữ được dân mới giữ được đảo. “Vui nhất là nhiều con cháu của đảo này, sau khi đi học tập lại quay trở lại đảo để cống hiến, làm việc”, cụ Nghi hồ hởi nói.

Các em học sinh Trường THCS Ngọc Vừng

Anh Phạm Đức (24 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Vừng là một trong những người tự nguyện về đảo sau khi ra trường. Anh Đức chia sẻ: “Ông bà nội mình đã sống ở đây từ xưa. Nhà mình hiện tại ở huyện Vân Đồn. Nhưng hồi nhỏ, bố mẹ thường cho mình về chơi với bà vào dịp tết. Nghe bà kể chuyện, rồi gặp gỡ mọi người dân trên đảo, mình thấy giống như là nhà mình. Sau khi học xong, mình đã xin về trường tiểu học trong đảo dạy. Hi vọng mình sẽ giúp nhiều em học sinh có kiến thức và trở thành người có ích”.

Ngoài anh Đức, còn rất nhiều người dân ở nơi khác đến làm ăn và lập nghiệp trên đảo, coi đây là quê hương của mình. Sống ở đảo hơn 10 năm, anh Nguyễn Văn Thái (quê Hải Phòng) đã quen cách sinh sống của người dân vùng đảo. Anh Thái chia sẻ: “Hiện nay, vợ con mình đều sinh sống ở đảo. Đảo Ngọc Vừng với những con người hiền lành, chất phác đã giúp đỡ gia đình mình từ lúc còn khó khăn. Bà con ở đây dạy vợ chồng mình cách trồng lúa, trồng khoai, rồi hướng dẫn cách nuôi thủy sản. Ở lại đảo, làm ăn, gắn bó với bà con làng xóm, nơi đây đã là quê hương thứ hai của chúng tôi”.

Ngày nay, đảo Ngọc Vừng đang thay da đổi thịt. Sáng sớm bà con rậm rịch đi xe máy, ra biển bắt ốc. 7 h tối, ánh điện từ máy phát điện sáng rực xung quanh các thôn Bình Minh, Ngọc Nam. Tiếng tivi vang trong mỗi căn nhà. Không chỉ có những người già tâm huyết bám đảo đến cùng như cụ Nghi, bà Lợi mà còn hàng loạt những bạn trẻ đã ở lại sinh sống và làm việc trên đảo. Cùng với những dự án về nước sạch, về điện, đầu tư phát triển du lịch và làm đường xuống thôn Ngọc Hải, và những người yêu đảo, Ngọc Vừng không xa sẽ vươn lên mạnh mẽ giữa biển trời tổ quốc.

>> Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Kỷ Tỵ, năm thứ 10 (1149). Mùa xuân, tháng hai thuyền buồm ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào cảng Hải Đông xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn để mua hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Sau này, thương thuyền của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Trung Cận Đông cũng tìm đường đến giao thương rất nhộn nhịp.

Cẩm Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!