T2, 06/07/2020 12:54

Việt Nam sản xuất thành công tôm bố mẹ

Chưa có đánh giá về bài viết

Thông tin đặc biệt này được đưa ra ngày 11/11, khi Tập đoàn Việt – Úc công bố đã nghiên cứu, gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ thành công. Đây là một niềm vui lớn cho ngành tôm Việt Nam. Tham dự Lễ công bố tại dinh Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh có ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các lãnh đạo cơ quan ban ngành và chuyên gia đến từ Australia.

Tập đoàn Việt - Úc ký kết hợp tác với các đối tác chiến lược

Tập đoàn Việt – Úc ký kết hợp tác với các đối tác chiến lược

Phá bỏ “lệ thuộc” về tôm giống

Ngành tôm hiện có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Trong ngành này dân gian có câu “Nhất giống, Nhì môi, Tam mồi, Tứ kỹ”. Con giống đóng vai trò quan trọng thứ nhất của một vụ nuôi và tôm bố mẹ là yếu tố then chốt để quyết định chất lượng con giống.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, chúng ta phải nhập khẩu 100% tôm bố mẹ từ Mỹ, Singapore và Thái Lan. Điều này làm ngành tôm Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài cả về lượng và chất khiến nguy cơ rủi ro rất lớn. Sự lệ thuộc quá lớn, không thể chủ động nguồn tôm bố mẹ đã khiến một số quốc gia xuất khẩu trên thế giới phải trả giá không nhỏ.

Với chất lượng vượt trội, trong năm 2017 này, tại một số vùng nuôi như Nghệ An, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Bạc Liêu…, tôm giống Việt – Úc đã góp phần giúp người nuôi thành công hơn 80%. Để khích lệ tinh thần, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã tổ chức lễ tuyên dương và tặng thưởng cho các cán bộ công nhân viên và lãnh đạo tại các chi nhánh này.

Đầu tư công nghệ đỉnh cao


Ông Nguyễn Công Cẩn – Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Việt – Úc thao tác bắn “chip” theo dõi tôm

“Năm 2014, nhu cầu của tôm lên rất cao trong khi chúng ta lại thiếu hụt nguồn tôm bố mẹ. Đó mới chỉ là về mặt số lượng, còn về chất lượng, chúng ta hầu như không thể kiểm soát được. Trong bối cảnh chung đó, Tập đoàn Việt – Úc đã nghiên cứu và thành công trong việc sản xuất và chủ động tôm bố mẹ. Điều đó giúp ổn định kim ngạch xuất khẩu cho ngành này. Và khi chủ động được nguồn tôm bố mẹ là chúng ta chủ động được cả về chất lượng và số lượng. Đặc biệt, Việt – Úc đã nghiên cứu được thế hệ G7, có tỷ lệ sinh trưởng và phát triển hơn 48% so với tôm đầu tiên. Đây chính là câu chuyện giúp thúc đẩy và phát triển ngành tôm của Việt – Úc” – ông Tony Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT,  Phó TGĐ Điều hành Tập đoàn Việt – Úc chia sẻ.

Cũng theo ông Tony Đặng Quốc Tuấn: “Cách đây 5 năm về trước, khi bà con nuôi tôm trong vòng 100 ngày đạt size 80 – 100 con đã là thành công nhưng bây giờ, cũng nuôi thời gian như vậy nhưng size phải dưới 50 con mới được cho là thành công. Bởi ngành thủy sản hiện nay rất phát triển do việc áp dụng công nghệ mới nhất tiên tiến nhất cho nuôi trồng”.

Phần thưởng từ sự đột phá

Để nghiên cứu, lai tạo, sản xuất thành công tôm bố mẹ tại Việt Nam, Tập đoàn Việt – Úc đã dành không ít tiền của và công sức. Đó là việc đầu tư công nghệ đỉnh cao. Bởi, khi chúng ta nói về chuỗi giá trị ngành tôm, bắt đầu từ giống, thức ăn, nuôi, chế biến xuất khẩu…, càng bơi ngược về nguồn thì việc đầu tư cho công nghệ càng cao. Theo đó, tôm bố mẹ là đầu tư công nghệ đỉnh cao của ngành. Đó chính là lý do tại sao nói đến thời điểm hiện nay chỉ có 3 quốc gia trên thế giới chủ động được nguồn tôm bố mẹ là Mỹ, Singapore, Thái Lan.

Ý thức được việc này, Tập đoàn Việt – Úc đã tiên phong đầu tư vốn, hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ của Australia. Riêng chương trình chọn tôm giống bố mẹ, Tập đoàn có tới 13 tiến sỹ và 50 kỹ sư, cán bộ làm việc theo quy định nghiêm ngặt mà Viện Csiro yêu cầu. Trong 5 năm, chương trình đã ứng dụng thành công công nghệ di truyền phân tử và di truyền số lượng. Công nghệ này dựa vào sự hiểu biết về gen, họ có thể giải mã được toàn bộ gen của con tôm kết hợp ứng dụng công nghệ điện tử truyền thông nên có thể bắn chíp vào từng con tôm, cấp “chứng minh nhân dân” cho từng con một; Theo dõi, khuyến cáo việc có được phép lai cận huyết hay không để cho ra dòng tôm bố mẹ hết sức ưu việt.

Hòa niềm vui chung, ông Mathew Cook, Giám đốc Nghiên cứu Viện Nghiên cứu Csiro Australia hào hứng: “Tôi rất vinh dự có mặt ở đây để đồng hành cùng Tập đoàn Việt – Úc và chia sẻ cùng các bạn về chương trình tôm bố mẹ. Các công nghệ do Viện Csiro nghiên cứu đã đóng góp 5 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. Thành tựu nổi bật của chúng tôi trong ngành thủy sản là con tôm sú. Sản lượng đã tăng từ 8,2 – 10,7 tấn/ha. Tầm nhìn của chúng tôi là tạo ra những con siêu tôm của Việt – Úc. Đây là công nghệ duy nhất trên thế giới có những tính năng ưu việt đến thế. Chúng tôi luôn tìm tòi, tạo ra những công nghệ đột phá mới. Việt – Úc đang triển khai chương trình lựa chọn tôm sú, cá tra… Chúng tôi vinh dự được hợp tác với Việt – Úc, không chỉ giúp “Nâng tầm tôm Việt” mà còn thay đổi ngành tôm thế giới”.

Tại buổi Lễ, Tập đoàn Việt – Úc đã thực hiện ký kết hợp tác với các đối tác chiến lược là Trường ĐH Cần Thơ, Viện Nuôi trồng Thủy sản II, Trường ĐH Nông Lâm, Viện Nuôi trồng Thủy sản Nha Trang để dự án tôm bố mẹ được chính thức thực hiện và thành công tốt đẹp. Việc ký kết này sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và mạnh mẽ của ngành tôm Việt Nam, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ giao.

>>Theo đại diện Tập đoàn Việt – Úc, Tập đoàn là đơn vị dẫn đầu ngành tôm giống Việt Nam với thị phần trên 25%. Tập đoàn hiện có 7 công ty giống quy mô lớn đang hoạt động tại Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Nghệ An. Tập đoàn đang xây dựng 2 công ty giống tại Quảng Ninh và Sóc Trăng. Tổng công suất của Tập đoàn đạt trên 50 tỷ con giống/1 năm.


Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT:

Việc Tập đoàn Việt – Úc là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu chọn tạo giống tôm bố mẹ thành công là bước đột phá và đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành tôm trong thời gian tới. Thay mặt Bộ NN&PTNT, tôi đề nghị Tập đoàn tiếp tục hợp tác với Viện Csiro và các bên liên quan để tạo ra sản phẩm tôm bố mẹ và tôm giống tốt phục vụ cho ngành tôm. Bộ NN&PTNT cam kết luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ khó khăn với Tập đoàn và người nuôi để thúc đẩy phát triển ngành tôm Việt.

Bà Kelly Strzepek, Đại diện Chính phủ Australia:
“Tôi được Chính phủ Australia giao nhiệm vụ làm một đoạn phim ngắn về công nghệ của Australia tại Việt Nam và đại diện là Tập đoàn Việt – Úc. Tôi rất bất ngờ về sự phát triển của Tập đoàn. Trong mối hợp tác Việt Nam – Australia nói chung thì việc hợp tác giữa Csiro và Tập đoàn Việt – Úc là ngọn cờ đầu cho tinh thần hợp tác, tình hữu nghị giữa hai bên. Chúng tôi có chương trình hỗ trợ 10 triệu đô la Australia dành cho Việt Nam về sự sáng tạo. Tiêu biểu cho những đơn vị luôn tìm tòi, đổi mới và sáng tạo đó là Tập đoàn Việt – Úc. Thay mặt Chính phủ Australia, chúng tôi chúc mừng sự thành công của Việt – Úc cũng như con tôm Việt Nam và mong sẽ được chứng kiến sự phát triển thành công lớn hơn nữa”.

Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Việt – Úc:
  “Xin gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất đến các lãnh đạo, cộng sự, đối tác đã giúp đỡ rất nhiều cho thành công của Việt – Úc ngày hôm nay. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về chế biến xuất khẩu tôm, là đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực tôm giống, chúng tôi rất ý thức về việc này. Chính vì thế, Việt – Úc đã mạnh dạn đầu tư tiền của và hợp tác với Viện Nghiên cứu Csiro của Australia gia hóa thành công tôm bố mẹ thẻ chân trắng với những công nghệ vượt trội. Chúng tôi luôn mang trong mình khát vọng phát triển con tôm Việt ra toàn thế giới. Đồng thời, luôn phấn đấu hết mình để nâng tầm tôm Việt.”

Nguyệt Nga

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!