Việt Nam và ngôi “á quân” xuất khẩu cá ngừ

Chưa có đánh giá về bài viết

Với nguồn lao động trẻ dồi dào, vị trí địa lý đắc địa, gần chợ cá ngừ lớn nhất thế giới Thái Lan…, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để trở thành quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Thái Lan) về chế biến, xuất khẩu cá ngừ. Song cần đủ bản lĩnh để vượt nhiều thách thức.


Doanh nghiệp cá ngừ vẫn thiếu nguyên liệu để xuất khẩu Ảnh: ST

Điểm sáng xuất khẩu

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam từ ngày 1/1 – 15/11/2017 đạt 514 triệu USD, tăng 18,7% so cùng kỳ năm ngoái. Tại hầu hết các thị trường nhập khẩu chính, giá trị xuất khẩu tăng trưởng tốt, nổi bật là 3 thị trường Mỹ, EU và Israel. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Mỹ đạt 198 triệu USD, chiếm 38,5%, tăng 13,4% so cùng kỳ năm trước; tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng đầu của cá ngừ Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm cá ngừ vằn chế biến và cá ngừ đóng hộp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu cá ngừ nhập khẩu của Mỹ. Theo thống kê mới nhất của Globefish, giá nhập khẩu trung bình sản phẩm cá ngừ chế biến, đóng hộp của Mỹ cao hơn so 2 năm trước, từ 4,5 – 5 USD/kg.

Với EU, từ ngày 1/1 – 15/11/2017, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang EU đạt 123 triệu USD, tăng 31,8% so cùng kỳ năm ngoái. Thăn/fillet cá ngừ đông lạnh tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này.

Với mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, tăng 100,3% so cùng kỳ năm trước và giá trị đạt 37,4 triệu USD tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2017, Israel trở thành thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 4 của Việt Nam, sau ASEAN. Thái Lan, Việt Nam và Philippines đang là 3 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho Israel. Hiện, Việt Nam là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2 cho Israel, sau Thái Lan. Trong khi, tại phân khúc thị trường cá ngừ đông lạnh, Việt Nam đang chiếm lĩnh ngôi đầu bảng và gần như không có đối thủ cạnh tranh.

Thách thức đáng lo

Một doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam cho biết, nhờ nguồn nguyên liệu nhập khẩu hơn 40.000 tấn/năm, doanh nghiệp này đã mở rộng từ 1 nhà máy thành 4 nhà máy chế biến, với gần 3.000 công nhân. Doanh số trước đây dưới 5 triệu USD thì nay hơn 150 triệu USD và phát triển thêm được nhiều mặt hàng giá trị gia tăng khác.

Vài năm gần đây, nhập khẩu nguyên liệu thủy sản nói chung, cá ngừ nói riêng của Việt Nam đều tăng. Điều này có thể giải quyết hiệu quả các mục tiêu kinh tế, xã hội và lợi thế cạnh tranh về chế biến; song việc quản lý các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam đang “có vấn đề”. Phần lớn số nguyên liệu này là từ các tàu vi phạm IUU (hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý) khiến các nước châu Âu không đồng tình.

Ngày 23/10/2017, Liên minh châu Âu (EU) rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc IUU. Đây là nỗi lo lắng và quan ngại của cả Nhà nước và doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. Điều này có thể khiến giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới; đồng thời tác động xấu đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ – nước chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhằm chống IUU từ 1/1/2018.

Cánh cửa khác mở ra


Ngay sau khi nhận được cảnh cáo “thẻ vàng” từ EU, Việt Nam đã triển khai một số giải pháp khắc phục theo các khuyến nghị mà EU đưa ra. Nội dung của các khuyến nghị chủ yếu liên quan đến vấn đề khung pháp lý và thực thi; Quản lý đội tàu và năng lực khai thác; Hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát; Hệ thống chứng nhận thủy sản khai thác và truy xuất nguồn gốc; Các vấn đề liên quan đến tàu khai thác hải sản bất hợp pháp, bao gồm cả việc kiểm soát và ngăn chặn các tàu nước ngoài khai thác bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam và tàu Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại vùng biển của các nước khác.

Theo bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất Trưởng Ban Thương mại và Kinh tế của EU tại Việt Nam, khuyến nghị của EU đưa ra về IUU không phải mang tính áp đặt, cứng nhắc mà đưa ra cho Việt Nam tham chiếu tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực hơn, để hoàn thiện các chính sách quản lý thông tin, quản lý nguồn lợi hải sản, kế hoạch đánh bắt. Khi đó hải sản vùng biển Việt Nam sẽ dồi dào hơn, khai thác bền vững hơn và gia tăng uy tín.

Song song với những nỗ lực nhằm đảm bảo tuân thủ quy định IUU, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam cũng đang có chiến lược chuyển hướng mạnh sang thị trường Trung Đông, đặc biệt là Israel. Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp cao ở Trung Đông (khoảng 200.000 tấn/năm), cùng với mức thuế nhập khẩu ở hầu hết các nước trong khu vực chỉ 5%, rất thấp so với Mỹ và EU; thăn và fillet cá ngừ đông lạnh cũng đang được miễn thuế nhập khẩu ở Trung Đông. Do đó, Trung Đông được coi là điểm đến hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.

>> Theo các chuyên gia, dù có 7 vùng biển bao quanh, nhưng ngành khai thác hải sản ở Trung Đông còn nhỏ lẻ nên phụ thuộc lớn vào lượng cá ngừ nhập khẩu, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp. Trung Đông đang là lựa chọn tốt nhất cho các nhà xuất khẩu cá ngừ trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại các thị trường truyền thống như Mỹ và EU đang chững lại do bị “thẻ vàng” IUU.

Nam Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!