Vĩnh Long đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi trồng thủy sản trong những năm qua luôn được tỉnh Vĩnh Long chú trọng. Đáng chú ý là việc thực hiện nhiều mô hình nuôi với các đối tượng thủy sản có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.


Mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô phi đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nuôi kết hợp

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long xây dựng mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô phi đỏ, kết quả mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với trình độ chăn nuôi của các hộ nông dân ở địa phương.

Anh Nguyễn Văn Giao, nông dân xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn là một trong 5 hộ được Trung tâm hỗ trợ mô hình. Anh Giao thiết kế 2 vèo nuôi có kích thước 30 m2, cao 1 – 1,2 m, làm bằng lưới, nilon, phía trên có nắp đậy để tránh ếch nhảy ra ngoài và đề phòng địch hại. Vèo treo trong ao, đáy ngập nước khoảng 20 – 30 cm. Dùng bè tre, lục bình… để tạo giá thể cho ếch cư trú, tổng diện tích giá thể chiếm 2/3 – 3/4 diện tích vèo. Đặt những tấm xốp phía mặt dưới của đáy để vèo nổi lên, làm nơi nghỉ ngơi, tắm nắng và ăn mồi của ếch. Anh Giao thả nuôi 2.500 con ếch, 1.000 cá rô phi đỏ; tổng chi phí 7.950.000 đồng, gồm con giống, thức ăn, vèo, thuốc. Sau 2,5 tháng nuôi, tỷ lệ sống của ếch là 80%, trọng lượng 3 – 4 con/kg, sản lượng 400 kg ếch, với giá bán 45.000 đồng/kg, anh thu được 18 triệu đồng tiền bán ếch. Đối với cá rô phi đỏ, do cá còn nhỏ, chưa đủ kích cỡ bán nên anh tiếp tục nuôi.

Theo anh Giao, ếch dễ nuôi và chủ động được thức ăn, rất ít bệnh vì thế chi phí thuốc trị bệnh thấp. Ngoài ra, tận dụng thức ăn thừa từ phân ếch nên nuôi cá cũng cho hiệu quả. Sau 2 tháng rưỡi nuôi ếch, khi xuất bán lứa đầu tiên, anh thu lãi hơn 10 triệu đồng. Cá nuôi chưa thu hoạch nhưng anh ước tính sẽ thu thêm 5 triệu đồng khi xuất bán cá. Sau thành công vụ ếch đầu tiên, anh mạnh dạn đầu tư nuôi thêm 3.000 con.

Xây dựng chuỗi sản xuất

Từ năm 2014, huyện Vũng Liêm được Bộ Khoa học – Công nghệ đầu tư dự án cá lóc sinh sản, ương, nuôi trong bể lót bạt do Phòng NN&PTNT làm chủ đầu tư, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ là cơ quan chuyển giao kỹ thuật. Dự án có kinh phí đầu tư 2,5 tỷ, thời gian thực hiện 24 tháng trên địa bàn 7 xã. Mô hình này là đã tạo được một chuỗi sản xuất tương đối khép kín từ khâu cho cá lóc sinh sản, lấy cá hương ương lên thành cá giống, cá giống được chuyển giao trực tiếp cho các hộ nuôi.

Qua 2 năm triển khai dự án, đã có các điểm mới được ghi nhận. Đó là về giống: cá lóc đầu nhím có thân hình giống như cá lóc đồng ở địa phương, được ương, nuôi trong môi trường nước sạch, không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh nên chất lượng thịt thơm ngon, hàm lượng mỡ trong thịt cá rất thấp, được người tiêu dùng chấp nhận. Bước đầu đã cơ bản hình thành được chuỗi sản xuất tương đối khép kín từ hộ cho cá lóc sinh sản – chuyển cho hộ ương lên thành cá giống – cung cấp cho hộ nuôi cá thương phẩm.

Năm 2016, mặc dù dự án kết thúc nhưng huyện Vũng Liêm vẫn tập trung hỗ trợ tiếp cho các hộ nuôi cá lóc thương phẩm bằng nguồn kinh phí của huyện để giữ vững chuỗi khép kín nói trên. Điển hình là hộ anh Nguyễn Văn Điệp, xã Xuân Nghĩa. Hiện anh đã có hàng nghìn m2 mặt nước ương cá lóc con và vừa nuôi thương phẩm. Cùng đó, anh Điệp kiêm luôn cá giống và đầu mối cung cấp thức ăn cá cho các hộ nuôi khác trong ấp. Đến nay, nhiều nhà dân trong vùng cũng thả nuôi 100.000 – 110.000 con cá lóc như anh Điệp

Theo các hộ dân, mỗi vụ cá lóc nuôi 6 – 7 tháng là xuất bán. Mức đầu tư để đạt mỗi kg cá lóc khoảng 23.000 – 26.000 đồng và còn tùy người nuôi. Giá bán cá lóc thương phẩm hiện tại 33.000 đồng/kg. Theo Phòng NN&PTNT huyện Vũng Liêm, nếu người dân nuôi xen bể bạt và ao đất, mỗi năm được 2 vụ, còn nếu chỉ nuôi ao đất, mỗi năm 1,5 vụ.

Tháo gỡ khó khăn

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng việc nhân rộng các mô hình hay liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn. Điển hình như ở mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô phi đỏ, do giá cá rô phi đỏ trên thị trường biến động bất lợi cho người nuôi, lợi nhuận của mô hình còn thấp, thời gian nuôi ngắn, có thể thả nuôi 2 lứa cá, 3 – 4 lứa ếch mỗi năm sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Đối với những hộ có điều kiện sản xuất lớn, có thể ứng dụng quy trình kỹ thuật của mô hình nuôi ếch thương phẩm trong vèo kết hợp cá rô phi đỏ phát triển với quy mô lớn, chuyên nghiệp, lâu dài.

Hay ở mô hình nuôi cá lóc, theo cán bộ chức năng huyện và xã cho hay về lâu dài vẫn cần phải đầu tư điện, nước để hoạt động nuôi trồng chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó là đầu ra, bởi cá lóc cũng như nhiều sản phẩm nông nghiệp nói chung phụ thuộc vào thị trường. Giá cá lóc xuống thấp hồi năm 2014 đã ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều hộ nuôi. Mặc dù đã có bước đi căn cơ với mô hình ương, cung cấp con giống và nuôi thương phẩm cá lóc nói trên; song điều quan trọng là các yếu tố cần được đầu tư kịp thời để người dân làm kinh tế nông nghiệp thu nhập cao hơn và đóng góp vào cơ cấu lại nông nghiệp thêm hiệu quả hơn.

>> Năm 2018, diện tích thả nuôi thủy sản của tỉnh Vĩnh Long đạt 2.550 ha, tổng sản lượng trên 112.500 tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 2.450 tỷ đồng.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!