Vĩnh Phúc: Triển vọng mô hình nuôi cá nheo

Chưa có đánh giá về bài viết

Vĩnh Phúc có trên 3.590 ha mặt nước có đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản.

Để khai thác tốt tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, những năm qua, các cấp chính quyền, địa phương, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình, đưa các giống thủy sản mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng như ếch, Ba ba, cá Rô phi đơn tính… mô hình nuôi cá nheo thương phẩm trong ao đất mới triển khai năm 2012 nhưng đã mang lại hiệu quả khả quan, được nhiều người dân hưởng ứng.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi cá Nheo của gia đình, ông Nguyễn Công Lệnh, xã Thiện Kế (Bình Xuyên) cho biết: với diện tích 1500 m2 mặt nước gia đình đã từng nuôi nhiều loại cá truyền thống như cá trôi, mè, chim… nhưng hiệu quả kinh tế không cao, mỗi năm chỉ cho thu lãi trên 20 triệu đồng. Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN) tỉnh xây dựng mô hình trình diễn nuôi cá nheo, gia đình đã tham gia nuôi thử nghiệm với số lượng 1500 con. Thực tế cho thấy, cá nheo dễ nuôi, ít bị nhiễm bệnh, tỷ lệ sống cao đạt từ 80 – 90%. Sau 6 tháng nuôi, cá nheo cho thu hoạch với trọng lượng từ 1,5 – 2 kg/con, ao của gia đình cho thu hoạch khoảng 1.800kg cá thương phẩm, với giá thị trường 90 nghìn/kg như hiện nay trừ chi phí mỗi lứa cá  cho thu lãi từ 50 – 60 triệu đồng, gấp 2 – 3 lần so với nuôi các giống cá truyền thống. Năm 2013, gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô nuôi thả gần 2000 cá nheo giống – ông Lệnh rất vui cho biết thêm.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình nuôi cá nheo thương phẩm trong ao đất, kỹ sư thủy sản Đường Viết Thu, Trung tâm KNKN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Năm 2012, Trung tâm KNKN tỉnh xây dựng mô hình trình diễn nuôi cá nheo thương phẩm trong ao đất của 4 hộ thuộc 2 huyện Bình Xuyên và Vĩnh Tường với quy mô 5000 con giống/ 3.300 m2 ao. Sau 6 tháng triển khai thực hiện mô hình đã đạt được kết quả khả quan, mở ra hướng mới cho nuôi trồng thủy sản. Cá nheo là loài cá nước ngọt, giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, có khả năng thích nghi với sự biến đổi của môi trường, chúng ăn các loại thức ăn phụ phẩm từ các lò mổ gia súc, gia cầm, cá tạp, ốc bươu vàng… Do vậy, có thể tận dụng thức ăn đó để giảm chi phí chăn nuôi. Cá nheo có sức đề kháng tốt, ít bị nhiễm bệnh, phù hợp với các nông hộ có diện tích ao, đầm nhỏ. Từ hiệu quả của mô hình trình diễn cần mở rộng khuyến khích bà con đẩy mạnh khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là với các loại cá đặc sản như cá nheo. Nuôi cá nheo thương phẩm trong ao đất tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đồng thời tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Đây cũng là nguồn tạo ra sản phẩm có ý nghĩa xã hội cao – nguồn thực phẩm đạm tươi sống đáp ứng yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và có giá trị xuất khẩu cao.

Tuy nhiên, nuôi cá nheo cần vốn đầu tư ban đầu lớn 12.000 đồng/con giống. Để nhân rộng mô hình ngoài việc cung ứng con giống tốt, khỏe mạnh, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nuôi trồng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi.

Trần Tỉnh

Báo Vĩnh Phúc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!