T2, 06/07/2020 10:55

Vọng phu xóm chài

Chưa có đánh giá về bài viết

Hôm đó sóng êm biển lặng, bà Lợi chạy với theo chồng mang theo chiếc áo ấm, bảo ông mặc khi đêm xuống giữa trùng khơi. Không ngờ đó là chuyến đi biển cuối cùng của chồng.

Những chuyến biển định mệnh

Trong ký ức không mấy bình yên của ngư dân làng biển Cự Lại Đông, vẫn nhớ rõ về chuyến ra khơi định mệnh của chồng bà Lê Thị Lợi là ông Huỳnh Văn Trung vào tháng 3/2009. Ông Trung đi bạn theo tàu ông Phan Bảy (thôn Cư Lại Đông) ra khơi gồm 11 thuyền viên, đánh cá trong vùng biển Thừa Thiên – Huế, cũng chỉ xa bờ non 100 hải lý. Ông Phan Thắng một người đi bạn nhớ lại: “Đêm định mệnh ấy vào ngày thứ 11 của chuyến đi, lúc trời chập tối, đang neo đậu để nghỉ lấy sức, anh Trung đi lui sau mạn thuyền bảo là lấy chai nước uống, đột nhiên trời nổi gió, chiếc thuyền lắc mạnh, cứ ngỡ mọi việc đều bình yên vô sự nhưng ai ngờ… Khoảng 10 phút sau, không thấy anh Trung đâu, tụi tui nháo nhác tìm, quần tàu lại cả đêm mà tuyệt không thấy tung tích gì”. Suốt hơn 10 ngày sau đó, gia đình cùng những ngư dân dùng lưới bủa vây tìm kiếm trên cả một vùng biển rộng. Vẫn tuyệt tích. Gạt giọt nước mặt chực trào ra, bà Lợi kể: “Chuyến đi biển đó tui như có điều gì khó nói trong lòng, cứ muốn đi bên chồng nói chuyện thật nhiều… Ai ngờ”.

Bà Nguyễn Thị Tân (59 tuổi, thôn Phương Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang) mất chồng, con rể “gần như ngay trước mắt”: Trong chuyến ra khơi đánh cá đầu năm 2011, trên thuyền có 5 người gồm chồng bà là ông Nguyễn Thanh Câu làm thuyền trưởng, con trai Nguyễn Duân và con rể là Hồ Văn Chạy cùng hai bạn thuyền trong thôn Phương Diên. Mới ra khỏi cửa biển, đang ở vùng Cảnh Dương (xã Lộc Vinh, huyện Phú Lộc) lúc chừng 10 giờ sáng thì gặp sóng lớn, thuyền ông Câu gắng tấp vào bờ tránh gió nhưng không được. Chạy tiếp, thêm 1 giờ nữa, chỉ cách cảng Chân Mây chừng 100 m, nhìn thấy bờ mà không vào nổi, lại phải chuyển hướng vào Đà Nẵng. Khoảng 2 giờ sau, biển dậy sóng dữ dội, chiếc thuyền trong phút chốc đã bị nhấn chìm. Trên thuyền có 5 thành viên chỉ có một người duy nhất là anh Nguyễn Duân sống sót. 5 người trên thuyền đã nguyện cột tay vào nhau, để khi chết người thân dễ dàng tìm được xác, nhưng ý nguyện của họ đều không thực hiện được. Trong từng cột sóng ngập đầu, anh Duân may mắn vớ được phao bỏ sẵn trên thuyền, trôi dạt vào mũi Chân Mây Đông một ngày sau đó. Bà Tân nhớ: “10 giờ sáng hôm đó, tui coi thời tiết, như ngồi trên đống lửa, điện báo cho thằng Duân là có bão sắp vào”. Nhận tin dữ, bà Tân ngất ngay trước hiên nhà, con gái bà chị Nguyễn Thị Liễu – vợ anh Chạy, ôm con khóc rồi cũng ngất lịm. Suốt nhiều ngày sau đó, hai mẹ con thất thểu cùng mọi người đi dọc bờ biển tìm thi thể chồng, con.

Mỗi chiều bà Tân vẫn bế cháu ra bờ cát ngóng ra biển như chờ chồng, con – Ảnh: Tá Linh

 

Mộ gió cho chồng con

Phận đàn bà lấy chồng đi biển “hồn treo cột buồm” thấy tàu người thân về là tíu tít mừng. Rồi những người đàn ông ấy lại đi theo con sóng. Bên chén rượu sau những chuyến biển người ta động viên nhau: “Trời gọi ai người ấy dạ, ở đâu mà chẳng có tai nạn”… Đành rằng thế nhưng những chuyến biển định mệnh cướp mất những người đàn ông trụ cột trong nhà mãi không bao giờ xóa nhòa được. Nhất là khi thân xác họ nằm lại vĩnh viễn ngoài biển khơi.

Với những người phụ nữ và trẻ em xóm chài, vui buồn cũng theo con sóng trên biển

Bà Lợi suốt nhiều ngày sau đó cứ ra biển ngóng trông, rồi thất thểu đi dọc vùng biển ở huyện Phú Vang tìm kiếm. Nghe đâu có tin thi thể người dạt vào là tìm đến rồi lại khóc vì thất vọng. Sau nhiều ngày như thế, nghe lời mọi người, bà Lợi lập ngôi mộ gió trên bãi cát gần nhà mình để thờ vọng. Sau mỗi chuyến buôn thúng bán nia, phiêu bạt nhiều nơi, bà lại về với ngôi mộ gió ấy. Dù đã đắp ngôi mộ gió cho chồng, trong tâm khảm bà, ông ấy vẫn đang đi biển chưa về, bà Lợi bảo: “Thời chiến tranh chết chóc, có khi tìm được xác, chứ thời bình đi biển, gặp nạn còn đau hơn thời chiến. Đã “vận” cái nghiệp biển vào thân thì đành chấp nhận thôi chú à.”

 

Tảo tần đá vọng phu

Từ ngày chồng mất đến nay, một tay bà Lợi phải nuôi bốn người con. Nhiều lúc nghĩ quẩn, bà muốn “đi theo chồng”, nhưng nghĩ đến 4 đứa con đang tuổi lớn đành gắng mà sống, mà bươn chải. Không việc gì bà không làm, từ đi mót cá, bán cá cho đến mua mắm theo các chuyến xe đi bán trong và ngoài tỉnh. Không người đàn ông nhà như mất nóc, bà cố lo cho con được miếng cơm, còn bao việc khác cần lo cần gánh, nhất là khi con bắt đầu lớn. Mỗi khi nhà có việc bà lại thấy chòng chành, chới với như con thuyền gặp bão.

Bà Tân mất cả chồng, con rể và cả chiếc tàu cơ nghiệp bao năm trong chuyến biển. Ngơ ngẩn mãi rồi cũng phải tỉnh, để làm chỗ dựa cho các con, cháu, nhất là cho cô con gái còn đang rất trẻ đã lâm cảnh góa bụa. Không còn sức để bươn chải bà nghỉ hẳn ở nhà trông cháu cho mẹ nó yên lòng đi kiếm sống. Mỗi chiều, như thói quen cả đời, bà Tân lại ra biển ngóng thuyền về.

Có lẽ trong những ngư phủ bỏ mình giữa biển khơi, gia đình bà Phạm Thị Sót là bi đát nhất. Chồng bà Sót, ông Dương mất đi bỏ lại 7 đứa còn thơ dại, tất cả gánh nặng cuộc đời đã trút lên đôi vai gầy của người vợ. Quay quắt đầu mom cuối bãi kiếm miếng ăn cho bầy con cũng vẫn không ổn được. Những đứa con của bà lần lượt bỏ học, rồi lại theo thuyền ra khơi. Mỗi lần nghe con xin đi theo tàu là một lần bà run lên, nhưng rồi cũng không đừng được, cái nghiệp xóm chài là vậy. Các con bà nay còn cậu út Trần Nam (13 tuổi) đang đi học, cũng chưa biết ngày nào sẽ nghỉ, kiếm miếng ăn đã quá khó rồi, theo học thêm khó quá.

>> “Hai xã Phú Diên, Phú Hải (huyện Phú Vang) có 80 thuyền đánh cá; chủ yếu thuyền công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Nhiều năm qua, những vụ tai nạn, mất tích trong mùa mưa bão, đa số rơi vào các thuyền công suất nhỏ. Người bị nạn trên biển thường là lao động chính trong gia đình, nên hoàn cảnh nhiều hộ rất khó khăn. Con cái ngư phủ thường bỏ học giữa chừng hoặc đi làm ăn xa, do không có điều kiện đến trường”, ông Phan Minh Thắng, Chủ tịch UBND xã Phú Hải, cho biết.

Tá Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!